THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 September 2013

Thi công ẩu, chết 3 công nhân


Thứ Bảy, 28/09/2013 22:23

Công trình thủy điện này do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện từ khâu thiết kế đến cung cấp và lắp đặt thiết bị. Quá trình cứu nạn cho thấy các khâu của dự án được thi công hết sức cẩu thả

Sáng 28-9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên huy động gần 50 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện đến hầm dẫn nước Nhà máy Thủy điện La Hiêng (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) tìm cách đưa thi thể 3 công nhân bị chết kẹt trong hầm do nước lũ tràn vào trong lúc thi công (Báo Người Lao Động cùng ngày đã đưa tin).
Tắc trách hết mức
Sự cố xảy ra lúc 21 giờ ngày 26-9 khi 4 công nhân thi công trong đường hầm, gồm 3 công nhân Việt Nam là Nguyễn Danh (SN 1962, thoát chết), Nguyễn Công Lệnh (con của ông Danh; SN 1987, tử nạn), Nguyễn Thanh Cương (SN 1985, tử nạn) và một công nhân Trung Quốc là Zhou Min Shu (SN 1962, tử nạn).

Lực lượng cứu nạn tìm cách rút nước trong đường hầm dẫn nước để vào tìm kiếm thi thể nạn nhân
Đường hầm dẫn nước có đường kính 4,1 m, dài 3.565 m, được đào từ 2 đầu để đổ bê-tông. Phía xảy ra sự cố dài hơn 1.700 m, từ cửa hầm đến nơi đang đào. Theo ông Nguyễn Danh, lúc xảy ra sự cố, ông vừa lái xe tải chở đất từ trong hầm ra đổ cách cửa hầm khoảng 300 m, khi quay lại thì phát hiện nước bắt đầu dâng. Lúc này, Cương và Shu cùng con trai của ông (Nguyễn Công Lệnh) đang ở bên trong hầm, cách miệng hầm hơn 1.700 m. Ông báo động nhưng chẳng có ai trả lời nên cúp cầu dao điện rồi tiếp tục hô hoán.
“Họ tắc trách hết mức, làm việc ban đêm nhưng chẳng có ai canh mực nước, chẳng ai quản lý, một mình tôi không biết xoay xở làm sao” - ông Danh bức xúc và cho biết ông phải loay hoay tìm cách đóng cửa nhận nước để chặn không cho nước tràn vào hầm nhưng không được. Chừng 50 phút sau mới có một công nhân người Trung Quốc đến giúp đóng cửa nhưng lúc này nước đã đầy hầm, dội ngược trở lại nên buộc phải mở cửa.
Ông Lê Văn Bạch, Tổng Giám đốc Công ty CP VRG Phú Yên (chủ đầu tư dự án), thì nói lúc đó ngoài 4 công nhân còn có 4 người nữa đang kiểm soát mực nước, trực bơm nước, trực ban và lái xe xúc nhưng lý do vì sao xảy ra sự cố thì ông Bạch không giải thích được.
Ông Nguyễn Đình Triết, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, khẳng định sự làm ăn cẩu thả của đơn vị thi công trong việc sớm xây đập chặn dòng sông nhưng lại chừa cống xả quá nhỏ trong khi bờ bao quanh cửa hầm chỉ đắp một nửa, bỏ một nửa. “Chỉ phòng mưa nhỏ thôi chứ khi có lũ, nước không tràn vào hầm mới lạ” - ông Triết nói.
Khi được chất vấn về việc cơ quan chức năng có kiểm tra hay không mà để đơn vị thi công làm ẩu như vậy, ông Hoàng Trọng Trọng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh này - ấp úng, không trả lời.
Chậm cu nạn
Ông Nguyễn Đình Triết cho biết Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn nhận được báo cáo vụ việc lúc 22 giờ 30 phút ngày 27-9, tức sau khi sự cố xảy ra hơn 25 giờ.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cũng cho rằng sau sự cố, chủ đầu tư chậm báo cáo vụ việc, huyện chỉ nhận được thông tin từ lực lượng công an. Việc tìm kiếm cứu nạn vừa chậm vừa gặp nhiều khó khăn. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy được tỉnh Phú Yên phân công trực tiếp tìm kiếm cứu nạn đã đến hiện trường nhưng phải chật vật lắm mới triển khai được việc bơm được nước từ đường hầm ra.

Chị Nguyễn Thị Thoa (chị của nạn nhân Nguyễn Công Lệnh) thẫn thờ trước cái chết của em trai Ảnh: HỒNG ÁNH
“Đường hầm đầy khí độc trong khi toàn bộ hệ thống thông gió đã hư nên chúng tôi không thể vào sâu bên trong; cũng không thợ lặn nào dám lặn trong môi trường như thế” - thiếu tá Võ Đình Minh, cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Phú Yên, cho biết.
Theo ông Triết, để lực lượng chức năng có thể vào sâu bên trong thì ngoài việc hút nước, nhà đầu tư cần phải thông gió để đẩy khí độc từ đường hầm ra nhưng đến trưa 28-9, hệ thống thông gió đường hầm vẫn chưa khởi động được! Ông Triết cũng đã chỉ đạo nhà đầu tư và các ngành chức năng phải cung cấp đầy đủ hồ sơ đến cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân tai nạn.
Đến trưa 28-9, vẫn còn hơn 600 m cuối đường hầm ngập đầy nước. Lực lượng chức năng ước tính trong đường hầm còn trên 15.000 m3 nước, chưa kể nước mạch vẫn đang chảy vào. Để lực lượng cứu nạn đến được cuối đường hầm tìm thi thể nạn nhân thì cần rút 2/3 lượng nước trong đường hầm nhưng với 7 máy và mô-tơ bơm nước với tổng công suất 560 m3/giờ hiện có thì phải mất gần 20 giờ mới rút được lượng nước cần thiết.
Chủ đầu tư hiện đã hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân 10 triệu đồng.

Liên tục gặp sự cố
Dự án thủy điện La Hiêng xây dựng trên dòng sông La Hiêng, được đầu tư 505 tỉ đồng với công suất 18 MW, khởi công vào tháng 9-2009. Công trình do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện từ khâu thiết kế đến cung cấp và lắp đặt thiết bị. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào cuối năm 2011 nhưng việc thi công đường hầm dẫn nước liên tục gặp sự cố nên hạng mục này vẫn chưa hoàn thành. Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã chấp nhận cho gia hạn dự án đến cuối năm 2013.
Bài và ảnh: Hồng Ánh