THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 October 2013

75% công văn báo chí gửi cơ quan NN không trở lại!

ĐẤT VIỆT - 20/10/2013

(Tin tức thời sự) - Có đến 70 - 75% số công văn hoặc phiếu chuyển đơn thư khiếu nại của báo chí gửi cho các cơ quan Nhà nước một đi không trở lại. Số được phản hồi cũng mang tính chung chung, tránh né.




Nhận định này được chính các cơ quan báo chí xác nhận tại hội thảo “Mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí” do Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC - thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật VN) và Đại sứ quán Anh vừa tổ chức.

Không có chế tài

Có tới 268 nhà báo từ cấp tỉnh thành đến báo cấp Bộ ngành, hoạt động tác nghiệp trên tất cả các lĩnh vực khắp cả nước cơ quan báo chí xác nhận sở dĩ điều này trở nên phổ biến vì Luật không có quy định chế tài đơn vị vi phạm nhưng không phản hồi cho báo chí.

Tình trạng chung hiện nay khi cần xử lý vấn đề các cơ quan Nhà nước đều yêu cầu báo chí gửi công văn và sẽ phản hồi bằng văn bản.
Thế nhưng, đó chỉ là một cách để đẩy lùi sự việc và lâu dần cơ quan báo chí cũng phải nản.

Với chiêu bài yêu cầu báo chí gửi công văn nhưng không mấy khi cơ quan nhà nước có phản hồi đầy đủ
Với chiêu bài yêu cầu báo chí gửi công văn nhưng không mấy khi cơ quan nhà nước có phản hồi đầy đủ
Nhà báo Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM, nêu một trường hợp có thật đó là tại Báo Dân Trí đã nhiều lần làm công văn, phiếu chuyển, thúc đẩy, và viết đến 30 bài báo về một vụ việc, nhưng cơ quan Nhà nước được nói đến vẫn im lặng, không thèm trả lời.
“Mãi đến bài viết thứ 31, bí quá họ mới trả lời, nhưng nội dung cũng chung chung kiểu ‘chúng tôi đang xem xét, hiện chưa có kết luận cuối cùng; khi nào có kết luận cuối cùng sẽ xử lý và phản hồi đến báo chí”. Trả lời kiểu đó thì cũng bó tay!”, ông Lợi nói.

Theo ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM, cách làm khi cơ quan không trả lời cứ đăng thông tin lên báo cũng không phải là hiệu quả nếu nội dung trả lời chung chung như thế này. “Một chữ trên báo phải tính bằng tiền, nếu cứ đăng mãi chuyện này thì vừa nhàm chán, vừa kém hiệu quả lẫn hiệu ứng bạn đọc”, nhà báo lão thành này nói.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng trên 268 nhà báo hoạt động tại 19 tỉnh thành trên cả nước và tác nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, chỉ có 26% CQNN phản hồi theo đúng luật định (trong thời hạn 30 ngày). Trong đó, đến 78% phản hồi chỉ nói chung chung không đi đến đâu. Những tờ báo có lượng bạn đọc ít hoặc các trang báo mạng thì tỷ lệ phản hồi càng ít ỏi.

Tình trạng này khiến cho việc giải quyết các vụ việc báo chí nêu trên mặt báo hoặc chuyển đơn thư, công văn trở nên kém hiệu quả.

Cần có chế tài

Tiễn sĩ,  luật sư Phan Đăng Thanh chia sẻ: “Trong đời làm luật sư của mình, tôi chưa từng thấy bộ luật nào như Luật Báo chí, bị người ta ngang nhiên vi phạm và vi phạm nhiều, liên tục đến như vậy!”.

Do vậy nhiều ý kiến cho rằng Luật cần có quy định chế tài, xử phạt các cơ quan tổ chức không tuân thủ đúng quy định của Luật báo chí, cụ thể không phản hồi cho báo chí khi đã nhận công văn hoặc phiếu chuyển.
“Cần nhanh chóng sửa đổi luật Báo chí theo hướng đưa vào những quy định về biện pháp chế tài để xử lý các CQNN không trả lời hoặc chậm trả lời cơ quan báo chí đối với những kiến nghị, phê bình, khiếu nại của người dân”, tiến sĩ – luật sư Phan Đăng Thanh đề nghị.

Tuy nhiên luật sư Dương Phi Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) đưa ra câu hỏi khiến nhiều người cũng băn khoăn: “Vậy ai sẽ xử cơ quan không phản hồi cho báo chí?”.

Theo nhà báo Nguyễn Bá, trước mắt các cơ quan có thẩm quyền cần phải rà soát Luật, “dọn dẹp” tất cả những quy định sai thẩm quyền, giao thống nhất một đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Kế đến, ông đề nghị chính các cơ quan báo chí, các nhà báo phải lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, trên mặt báo và trên nhiều phương tiện khác, để buộc phải hủy bỏ các quy định sai thẩm quyền của các Bộ ngành, và buộc các cơ quan phải phản hồi.

Hiện tại, Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng đang đệ trình lên Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ kiến nghị bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 02/2011 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí – xuất bản”. Đó là đề nghị “bổ sung chế tài cho việc không/chậm trả lời báo chí theo điều 8 Luật báo chí”.

“Hiến pháp quy định công dân có quyền kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo, và báo chí là một kênh để người dân thực hiện quyền hiến định này. Vừa qua, bằng việc ban hành Nghị định 90/2013/NĐ-CP về “Trách nhiệm giải trình, Chính phủ đã phàn nào làm rõ hơn trách nhiệm,  nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trước ý kiến của tổ chức, công dân. Vì vậy, để các quy định mang tính trách nhiệm, nghĩa vụ ấy phải phát huy hiệu quả trên thực tế, việc bổ sung các quy định mang tính chất chế tài Nhà nước trong đó có quy phạm chế tài mà Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng kiến nghị, là cần thiết”.

Phương Nguyên (Tổng hợp)