THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 October 2013

Bàng hoàng nữ sinh lớp 6 dùng khăn quàng đỏ tự vẫn tại lớp học


Sau khi học hết tiết thể dục ngoài trời, các em học sinh lớp 6A trường THCS Sơn Đà (xã Sơn Đà - Ba Vì - Hà Nội) trở lại lớp để học các môn tiếp theo. Vừa bước vào lớp, các em đã khựng lại khi chứng kiến cảnh một nữ sinh cùng lớp treo lủng lẳng ngay trên cửa sổ bằng chiếc khăn quàng đỏ.
 Nữ sinh treo cổ bằng khăn quàng đỏ
Có mặt tại trường THCS Sơn Đà hai ngày sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, theo ghi nhận của PV, mặc dù đã được các thầy cô giáo an ủi, trấn an tinh thần nhưng tâm lý học sinh vẫn chưa ổn định, nhiều em vẫn còn sợ hãi khi đến lớp. ở cái tuổi đó, sự sợ hãi cũng là điều dễ hiểu, bởi các em đã phải chứng kiến một cảnh tượng rất đau lòng.
Tiếp chuyện chúng tôi với vẻ mặt buồn rầu và không giấu được sự căng thẳng, mệt mỏi, ông Chu Quang Hiển, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Đà xót xa kể lại. Vào khoảng 9h30 sáng ngày 28/9, hôm đó là ngày thứ 7, sau khi học xong tiết thể dục tại sân trường, học sinh lớp 6A trở lại lớp thì bàng hoàng phát hiện em Nguyễn Thị H. ở trong tình trạng treo cổ bằng chiếc khăn quàng đỏ trên cửa sổ lớp học. Ngay sau đó, các em đã hô hoán gọi thầy cô đến ứng cứu. Sau khi nghe tiếng kêu thất thanh từ tầng hai, nơi phòng học của lớp 6A, bảo vệ trường cùng nhiều giáo viên vội vàng chạy đến, nhanh chóng đưa em H. xuống và làm các bước sơ cứu trước khi chuyển qua phòng khám Bất Bạt để cấp cứu. Tuy nhiên, em H. đã không qua khỏi.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Ban giám hiệu trường THCS Sơn Đà đã báo cáo lên UBND xã Sơn Đà, công an huyện Ba Vì để xác minh vụ việc, khám nghiệm tử thi. Tại biên bản kết luận của cơ quan công an huyện Ba Vì, nguyên nhân cái chết của em Nguyễn Thị H. là do treo cổ tự tử. Cũng trong chiều hôm đó, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể nữ sinh xấu số cho gia đình đưa về mai táng.
Là người trực tiếp đỡ em H. từ cửa sổ phòng học xuống, anh Tân, bảo vệ trường đã làm các động tác hô hấp nhân tạo, sơ cứu tại chỗ cho em H. trước khi chuyển qua phòng khám Bất Bạt. Anh Tân kể lại, khi nghe tiếng kêu của học sinh lớp 6A, anh tưởng có xảy ra đánh nhau nhưng không thể ngờ đến trường hợp đáng tiếc như vậy. "Khi tôi chạy đến nơi thì thấy em H. đang treo cổ bằng chiếc khăn quàng đỏ tại cửa sổ lớp học. Tôi vội lao đến bế lấy em và tháo dây. Lúc này, người H. vẫn còn ấm nhưng dường như không còn thở nữa. Vừa lúc đó các giáo viên khác cũng chạy đến, chúng tôi hô hấp nhân tạo rồi chuyển qua phòng khám Bất Bạt, cách trường độ 300m. Nhưng khi đến nơi thì đã muộn...", anh Tân thuật lại.
Theo báo cáo của cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, là giáo viên thể dục dạy tiết học hôm đó của lớp 6A, vào đầu giờ thể dục lớp trưởng lớp 6A báo cáo học sinh H. xin nghỉ học, nhận ở lại trông lớp. "Bình thường, em H. có sức khỏe không được tốt lắm, những buổi học ngoài trời ít hòa đồng với bạn bè nên hay xin nghỉ học thể dục. Tôi thấy vậy nên đồng ý cho em H. nghỉ tiết học hôm đó. Ai ngờ lại xảy ra chuyện đau lòng như vậy. Biết thế tôi đã không cho em ấy nghỉ học một mình tại lớp", cô Hà nức nở cho biết.
Tại buổi chào cờ sáng thứ 2, đích thân thầy Hiệu trưởng đã trực tiếp chia sẻ, an ủi và trấn an các em học sinh, động viên các em tiếp tục đến lớp đầy đủ. Để tạo ổn định tâm lý học sinh lớp 6A, nhà trường đã chuyển toàn bộ học sinh lớp này sang phòng học khác và tạm thời khóa phòng học lớp 6A cũ. Mặc dù vậy, tâm lý của các em vẫn hoảng sợ, nhất là những em trực tiếp chứng kiến sự việc. Đặc biệt, có nhiều em còn bảo với bố mẹ không muốn đi học.
Bàng hoàng nữ sinh lớp 6 dùng khăn quàng đỏ tự vẫn tại lớp học
Thầy Chu Quang Hiển, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Đà trao đổi với PV
Đang học toán mở vở ra vẽ
Theo cô giáo Hoàng Thị Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, bình thường H. là một học sinh ít nói, không hòa đồng với bạn bè và học kém hơn so với các bạn cùng lớp. Mặc dù mới chủ nhiệm lớp 6A được hơn một tháng, nhưng qua những bạn học của H. từ thời tiểu học, H. có biểu hiện của trẻ trầm cảm. Cô Loan nhớ lại, hồi đầu năm học, khi sắp xếp chỗ ngồi mới cho học sinh, cô cố tình ghép H. ngồi cạnh một bạn có học lực khá. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, học sinh này đã về nhà bảo với bố mẹ gặp cô giáo xin chuyển chỗ ngồi, không muốn ngồi cùng H. vì "bạn ấy ít nói và không bình thường". Nhận được những thông tin này, cùng với việc trao đổi với giáo viên chủ nhiệm cũ của H., cô Loan đã xếp H. ngồi bàn đầu để dễ theo dõi, chăm sóc nữ sinh này.
Một học sinh của lớp 6A bàng hoàng nhớ lại, hôm đó trước giờ học thể dục là 2 tiết toán. Vốn không thích học toán nên trong 2 tiết học đó H. mang vở ra vẽ. "Những hình vẽ rất khó hiểu. Khi hết tiết học toán, bạn ấy có bảo với lớp trưởng là xin cô giáo Việt Hà cho nghỉ giờ thể dục. Mọi khi bạn ấy cũng hay nghỉ như vậy", học sinh này cho biết. Thầy giáo Nguyễn Hồng Điện, Tổng phụ trách đội trường THCS Sơn Đà xác nhận thông tin này, thầy Điện cho biết, sau khi xảy ra sự việc, công an đã thu giữ cuốn vở này và đã bàn giao lại cho gia đình em H..
Vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn trước sự ra đi đột ngột của người con gái lớn, anh Nguyễn Danh Sinh (đội 4, thôn Đan Thê, Sơn Đà), bố của em H. cho biết, nhà có hai cô con gái, gia cảnh rất khó khăn nên cũng ít có thời gian quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Anh Sinh đi làm thợ hồ xây dựng, đầu tắt mặt tối nên chuyện học của con phó thác cho vợ. ở nhà, cháu H. cũng ít trò chuyện với bố mẹ, đi học về thường lẳng lặng một mình. Theo thông tin của anh Sinh, trước hôm xảy ra sự việc, mọi biểu hiện của H. đều bình thường, bố mẹ, ông bà cũng không hề quát mắng gì H., nhưng không hiểu sao cô bé lại hành động dại dột như vậy.
Có biểu hiện trầm cảm
ông Nguyễn Danh Sản, ông nội của H. vốn là giáo viên về hưu cho biết thêm, thời gian gần đây cháu H. có biểu hiện của bệnh trầm cảm, ngoài giờ học H. hầu như không trò chuyện với ai. "Tôi thương nó lắm, nhà nó vất vả, nên bố mẹ không có điều kiện chăm sóc con. Tôi thấy nó có biểu hiện khác thường, ít nói, cục tính và nóng nảy. Có lần đang ăn cơm, tôi nhắc đến chuyện học tập thì cháu vứt bát đũa rồi đứng dậy không chịu ăn nữa. Vẫn biết là cháu không nhanh nhẹn như những bạn khác, nhưng tôi không nghĩ lại đến nông nỗi này...", ông Sản đau khổ khi nhắc đến cô cháu gái.
Hiện nay, số trẻ mắc các chứng bệnh trầm cảm ngày càng có chiều hướng gia tăng, nếu không được quan tâm, chia sẻ tích cực từ phía gia đình, nhà trường thì rất dễ dẫn đến những hành động thương tâm. Qua đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong việc quan tâm, chăm sóc con cái.      
Theo Doisongphapluat