THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 October 2013

Bao giờ có tự do nghiệp đoàn?!...

000_Hkg4913878-250.jpg
Một phụ nữ đi qua một tranh tuyên truyền về bầu cử ở trung tâm thành phố Hà Nội ngày 19 tháng 5 năm 2011.
AFP
Nam Nguyên, phóng viên RFA - 2013-10-04
Xu thế hội nhập thế giới tạo ra những áp lực cho Việt Nam phải tiến tới cải cách thực sự. Quyền lập hội của người lao động là một trong những vấn đề mà Nhà nước Việt Nam sớm muộn cũng phải giải quyết, để Nhà nước và người dân được hưởng lợi ích nhiều mặt thông qua hội nhập.

Trách nhiệm của Quốc hội

Điều 69 Hiến pháp 1992 hiện hành của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam qui định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tư do báo chí, có quyền được tự do thông tin;có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật.” Như vậy quyền lập hội của công dân mà ở nghĩa hẹp hơn là quyền tự do nghiệp đoàn của người lao động được Hiến pháp qui định. Nhưng trên thực tế người lao động ở nước Việt Nam Cộng sản chưa bao giờ có quyền lập hội hoặc tự do nghiệp đoàn. Hơn nữa Quốc hội cũng chưa hề soạn thảo các bộ luật về quyền cơ bản của công dân như quyền lập hội hoặc biểu tình để thực thi hiến pháp. LS Trần Vũ Hải ở Hà Nội, một nhà hoạt động quyền dân sự từng phát biểu với chúng tôi:
“Cái gì ghi trong Hiến pháp là đương nhiên được hưởng, còn nếu có luật thì lúc đó luật phải qui định những điều kiện, mà những điều kiện đó cũng không được phép gây cản trở biến cái quyền của Hiến pháp trở thành không thực hiện được… Luật phải làm thế nào để ban hành để quyền có trong Hiến pháp dễ thực hiện và thực hiện được. Còn nếu chưa có luật qui định thì trách nhiệm ấy là của Quốc hội chưa làm tròn, trong trường hợp ấy công dân phải có quyền.”
Công đoàn mà thực sự là một bộ phận nối dài của đảng Cộng sản như vậy hoàn toàn không bảo vệ lợi ích của người lao động.
-TS Nguyễn Quang A
Quốc hội Việt Nam qua nhiều khóa vẫn trì hoãn không lên kế hoạch soạn thảo nhiều bộ luật về quyền căn bản của công dân, trong đó có luật tự do lập hội. Ngoài ra Hiến pháp 1992 còn có điều 10 với nội dung không cần thiết, trong trường hợp điều 69 liên quan đến quyền lập hội được tôn trọng và thực thi. Điều 10 qui định: “Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân viên chức và những người lao động khác…”
TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, một tổ chức độc lập ở Hà Nội đã tự giải thể, nhận định về nhu cầu cần thiết phải có các tổ chức nghiệp đoàn độc lập qua vụ bê bối tiền lương ở các công ty công ích Nhà nước trực thuộc chính quyền TP.HCM.
“Công đoàn mà thực sự là một bộ phận nối dài của đảng Cộng sản như vậy hoàn toàn không bảo vệ lợi ích của người lao động. Điều kiện của TPP Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương buộc Nhà nước Việt Nam phải cho phép có những nghiệp đoàn lao động độc lập, đấy là một bước một áp lực từ bên ngoài rất là quan trọng, nhưng tôi nghĩ rằng cái áp lực từ bên trong mới là chính.”
000_Hkg4153200-250.jpg
Công nhân tại một nhà máy ở Hải Phòng, ảnh chụp 15/10/2010. AFP PHOTO.
Nhìn lại lịch sử hình thành tổ chức công đoàn ở Việt Nam. Trong thập niên 1930-1940 các hội kín, mang tính cách nghiệp đoàn như Công hội Đỏ thời Pháp thuộc, từng là công cụ giúp cho đảng Cộng Sản trong quá trình xây dựng quyền lực. Khi Việt Nam còn chia cắt, miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa không có khái niệm tự do nghiệp đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với mỹ từ là đại diện cho hàng chục triệu người lao động, thực chất là một tổ chức trực thuộc đảng Cộng sản và được chính phủ điều hành.
Trong thời gian từ 1954 tới 1975 ở miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, quyền lập hội được tôn trọng trong đó có quyền tự do nghiệp đoàn. Thời kỳ đó có hàng trăm nghiệp đoàn đủ các ngành nghề được thành lập và tham gia vào các hệ thống nghiệp đoàn khác nhau, đáng chú ý nhất là tổ chức Tổng Liên đoàn Lao công với Chủ tịch Trần Quốc Bửu.

Phải có qui định rộng mở hơn

Sau 30/4/1975 Việt Nam thống nhất dưới chế độ toàn trị của đảng Cộng sản, toàn bộ người lao động về nguyên tắc được đại diện bởi Tổng Công đoàn Việt Nam và từ 1988 đến nay được đổi tên là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Luật về hội nếu được thiết kế, theo tôi nghĩ thứ nhất phải theo tinh thần quyền tự do lập hội được Hiến pháp qui định.
-Bà Phạm Chi Lan
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải nhận định rằng, xã hội Việt Nam đang mong muốn cải cách toàn diện về nhiều mặt trong đó có cả cải cách chính trị. Điều này hàm ý mong muốn mở rộng thêm thể chế thiết chế dân chủ ở Việt Nam và đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, quyền con người được qui định trong hiến pháp và một trong những quyền đó là quyền lập hội. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh là quyền lập hội được qui định trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1992 hiện nay. Bà hy vọng sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi, sắp tới Quốc hội sẽ sớm đưa ra các luật để đảm bảo quyền cho công dân, nhất là những luật còn thiếu vắng nhất như quyền lập hội. Bà Phạm Chi Lan tiếp lời:
“Luật về hội nếu được thiết kế, theo tôi nghĩ thứ nhất phải theo tinh thần quyền tự do lập hội được Hiến pháp qui định. Thứ hai nữa là cũng phải phù hợp tập quán ở đông đảo các nước mà Việt Nam đang tham gia hội nhập với mức độ càng ngày càng rộng, cũng như càng ngày càng sâu hơn, để đảm bảo quyền cho người dân cũng như tương ứng với các luật pháp khác của quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Như vậy phải có qui định cho rộng mở hơn.”
Theo lời bà Phạm Chi Lan, những người lao động làm công ăn lương  vốn dĩ đã gắn bó với đất nước, không ước mong gì hơn là có được tổ chức công đoàn tốt, bảo vệ được quyền lợi của họ và đóng góp vào sự phát triển ổn định bền vững của đất nước. Nếu lãnh đạo Nhà nước đặt niềm tin vào người dân của mình, vào những người lao động thì có thể cải tổ để mở rộng tự do nghiệp đoàn.
Và như bà Phạm Chi Lan nói với chúng tôi, khả năng cải cách cơ hội cải cách Việt Nam đều có, nhưng vấn đề là những người lãnh đạo đất nước có đủ quyết tâm chính trị để thực hiện và có muốn làm đến nơi đến chốn hay không.

haikhoai
nơi gửi kiengiang
Lập hội thì không ai cấm,cũng không ai cho phép chỉ ngăn cản bằng miệng,chưa có văn bản nào cắm lập hội,
04/10/2013 08:06