THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 October 2013

Bão vùi, lũ dập !


Thứ Ba, 01/10/2013 00:11

Bão số 10 đổ bộ vào miền Trung làm ít nhất 2 người thiệt mạng, hàng ngàn căn nhà tốc mái, nhiều công trình hư hỏng nặng...

Chiều 30-9, bão số 10, cơn bão lớn nhất trong 5 năm qua, đã tiến thẳng vào nhiều tỉnh miền Trung.

Một nhà dân ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tan hoang sau bão Ảnh: QUANG NHẬT

Đồng Hới tơi tả
Bão số 10 vào tỉnh Quảng Bình với gió giật cấp 11-12. Nằm trong vùng tâm bão, TP Đồng Hới như bị “nuốt gọn”, mưa nặng hạt xối xả, gió rít rợn người và mật độ mưa càng lúc càng dày. Hàng cổ thụ dọc đường Lê Lợi, Lý Thường Kiệt bị gió lớn giật gãy răng rắc. Mái tôn hàng loạt nhà bị gió bốc lên từng tấm đập vào nhau tạo ra tiếng rít sắc lạnh. Sau đó, mưa nặng hạt dần, gió thổi càng mạnh. Người dân cố thủ trong nhà tránh bão, đường sá vắng ngắt.
Trước đó, từ 12 giờ, toàn thành phố mất điện. Ngay cửa ngõ vào Đồng Hới, hệ thống lưới điện 220 KV bị gãy đổ hoàn toàn.
Bão đi qua, TP Đồng Hới ngổn ngang và tơi tả. Hàng ngàn nhà bị tốc mái. Cửa kính nhiều nhà, trụ sở cơ quan đã bị bão thúc vỡ, hư hỏng nặng. Hàng loạt tuyến đường bị ngập do mưa lớn, cây cối đổ gãy nằm ngổn ngang.
Ách tắc giao thông, liên lạc gián đoạn
Tại Quảng Bình, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy cũng bị chìm trong mưa bão, cây cối gãy đổ hàng loạt, cả ngàn ngôi nhà bị tốc mái. Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết: “Tại xã biển Ngư Thủy Bắc, hơn 200 nhà bị tốc mái, toàn bộ tuyến đường giao thông bị tắc nghẽn do cây cối ngã chắn ngang”.
Lúc 17 giờ, cột ăng-ten của Viettel trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bị gãy đổ, nằm chắn ngang đường gây tắc nghẽn giao thông và gián đoạn liên lạc cục bộ qua mạng này. Mưa bão khiến mực nước tại các con sông lớn ở Quảng Bình đã dâng lên trên mức báo động 2.
Tại huyện Kỳ Anh, chiều cùng ngày, trời mưa lớn, gió giật cấp 9- 10 làm nhiều cây cối, cột điện gãy đổ, nhiều nhà dân bị tốc mái. Hàng loạt bảng hiệu dọc Quốc lộ 1 bị gió cuốn bay. Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập nước, giao thông bị cản trở. Dọc bờ biển của Hà Tĩnh, nhiều khu vực có sóng biển đánh vào cao 4-6 m. Nhiều thuyền của ngư dân dù đã được neo buộc nhưng vẫn bị sóng biển đánh tơi tả.
Thông tin từ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết lực lượng này đang khẩn trương tiếp cận hiện trường giải cứu một nhóm công nhân khoảng 10 người đang bị kẹt giữa nước lũ trên một container tại xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh.
Nhóm công nhân này thuộc Công ty TNHH Hà Thành (Hà Tĩnh) đang thi công cầu bắc qua sông Quyền trên địa bàn xã Kỳ Trinh. Do chủ quan, khi bão lũ ập đến, nước dâng quá nhanh khiến các công nhân bị cô lập. Đến tối 30-9, lực lượng bộ đội biên phòng vẫn chưa thể tiếp cận vị trí các công nhân bị nạn. Tuy nhiên, họ vẫn tạm thời an toàn.
Trước đó, tỉnh Hà Tĩnh đã đi dời 6.763 hộ (22.465 người) ra khỏi những khu vực nguy hiểm.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: Dù không trực tiếp nhưng bão số 10 đã gây ra mưa to và gió giật mạnh khiến khoảng hơn 100 nhà dân bị tốc mái và đổ sập, hàng vạn cây xanh bị bật gốc. Đã có hơn 10 km bờ biển bị sạt lở sâu vào đất liền bình quân hơn 5 m, hàng loạt đê điều bị mưa bão gây hư hỏng nghiêm trọng… Đến cuối giờ chiều 30-9, đã có 1 người dân ở huyện Phú Lộc bị thương nặng do bão.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, chiều 30-9, dọc bờ biển TP Đà Nẵng, sóng giật dữ dội khiến nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của 7 nhà dân. Bờ biển bị xâm thực chỉ còn cách đường sắt khoảng 20 m.
2 tàu Bắc-Nam phải tạm dừng tại ga Đông Hà
Lúc 17 giờ 20 phút ngày 30-9, khi đến ga Đông Hà (Quảng Trị), tàu SE2 (với 113 hành khách) chạy tuyến TP HCM - Hà Nội buộc phải dừng lại do tuyến đường sắt phía trước bị ách tắc vì bão. Cùng ngày, tàu TN2 (210 hành khách) chạy tuyến TP HCM - Hà Nội cũng phải dừng tại ga Đông Hà với lý do tương tự. Theo thông báo của ngành đường sắt, chưa biết bao giờ tuyến đường này mới thông trở lại.
Tan hoang Vĩnh Thái
Hàng trăm nhà tốc mái, hàng chục tàu thuyền hư hỏng… Sau bão số 10, người dân xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị phải đối mặt rất nhiều khó khăn
Quang Nhật
Nằm sát biển, xã Vĩnh Thái như một túi gió đón nhận cuồng phong đầu tiên của cơn bão số 10. Ngay từ sáng sớm, nơi đây gió đã rất mạnh khiến những hàng cây như muốn gãy sập.
Con đường quốc phòng chạy qua xã Vĩnh Thái mới 8 giờ ngày 30-9 đã vắng bóng người. Ông Vũ Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, cho biết: “Ba ngày nay, toàn thể cán bộ các ban, ngành, đoàn thể của xã gác mọi công việc để triển khai công tác phòng chống bão”.
Từ trưa đến chiều 30-9, xã Vĩnh Thái chìm trong bão lớn, mưa to. Từng cơn cuồng phong cứ liên hồi thúc từ biển vào như muốn thổi bay mọi vật ở đây. Hàng trăm cây xanh, cột điện gãy đổ, hàng loạt căn nhà bắt đầu xiêu vẹo.
Chứng kiến những cơn gió mạnh giật từng cơn, ông Phong nghẹn ngào: “Chắc những ngôi nhà của dân làng nghèo này không thể chịu đựng được nữa rồi. Mong rằng không có ai bị nạn do bão...”.
Bà Hoàng Thị Như Mai cùng 3 đứa con nhỏ đang trú bão tại trụ sở UBND xã Vĩnh Thái nói như khóc: “Căn nhà tôi vừa vay mượn gần 100 triệu đồng mới làm xong, chưa kịp chằng chống chi, chắc là bị cuốn bay mất”.
Sau 17 giờ, chúng tôi rời trụ sở UBND xã Vĩnh Thái, đi vào các thôn xóm và chứng kiến cảnh tan hoang: Nước ngập lênh láng, cây xanh gãy đổ chằng chịt, các cột điện bị sập, gãy; nhiều nhà dân tốc mái, hầu hết các công trình nhà phụ bằng gỗ bị sập, hư hỏng nặng… Thiệt hại không sao kể xiết!
Mặt mày tái mét, toàn thân ướt đẫm, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (30 tuổi) thất thần kể lại: “Trận bão thật kinh hoàng, cả đời tôi mới thấy. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ như mọi năm nên 2 mẹ con trú trong nhà, ai ngờ bão giật mạnh làm toàn bộ mái nhà bay xa gần 10 m. Gần 2 giờ trú dưới giường, nhiều lúc 2 mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Giờ nghĩ lại tôi vẫn còn rất sợ”.
Sau khi cơn bão đi qua, nhiều người dân vội vàng trở về để xem căn nhà của mình. Rất nhiều người trong số họ chỉ biết ứa nước mắt nhìn căn nhà tốc mái, tài sản bị hư hại. Vừa căng vội tấm bạt trên mái nhà bị đổ nát, anh Võ Thuận Tinh nói không ra lời: “Cứ dựng tạm, che mưa để tài sản trong nhà không bị hư hỏng, còn người thì hôm nay phải tá túc đâu đó. Vài ngày tới, cả gia đình không biết ở đâu...”.
Ngoài nhà cửa, hàng chục vườn cao su của xã Vĩnh Thái đã bị gãy đổ. Ông Võ Văn Minh, đang ngồi trong UBND xã Vĩnh Thái trú bão, bỗng dưng bật khóc: “Chúng tôi vừa được báo là bão làm gãy hết cao su rồi. Nhà cửa mất đã xót lắm, thêm cây cao su gãy thì chúng tôi rơi vào cảnh trắng tay thôi”.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của UBND xã Vĩnh Thái, sau bão số 10, toàn xã có 650 nhà bị sập và tốc mái, 30 tàu thuyền hư hỏng. “Dân Vĩnh Thái vốn làm nghề biển và phần nhiều là nghèo. Sau bão, chắc chắn họ phải đối diện với muôn vàn khó khăn” - ông Phong nghẹn lời.
Sau bão, tại các xã khác như Vĩnh Tu, Vĩnh Thành, Vĩnh Kim… của huyện Vĩnh Linh, đâu đâu cũng cảnh hoang tàn. Hàng loạt căn nhà xiêu vẹo, tốc mái, cây xanh ngã đổ nằm chắn mọi lối ra vào.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Linh, bão số 10 đã làm 3 người bị thương; 2.000 ha hoa màu thiệt hại, 4.000 ha cao su, 500 ha hồ tiêu, 12.000 ha rừng gãy đổ. Thống kê sơ bộ ban đầu, toàn tỉnh Quảng Trị có 6.400 ha cao su gãy đổ, 12 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà tốc mái. Riêng tại huyện đảo Cồn Cỏ thì 100% nhà dân (11 nhà) và một trường học bị tốc mái hoàn toàn.
Sức tàn phá chưa từng có trong 10 năm qua
Tối 30-9, tại TP Đồng Hới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, đã chủ trì cuộc họp với đại diện các ban, ngành nhằm đánh giá tác động của bão số 10 và bàn biện pháp khắc phục hậu quả.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Đây là cơn bão có cường độ và sức tàn phá mà 10 năm qua chưa từng có, gây rất nhiều thiệt hại cho Quảng Bình và Quảng Trị. Tuy chưa có con số tổng hợp nhưng chắc chắn sẽ không nhỏ. Tại tỉnh Quảng Trị, bão số 10 đã làm 17 người bị thương, 11 nhà sập hoàn toàn và gần 3.700 nhà tốc mái, hư hỏng; hàng chục cột điện bị gãy đổ.
Thống kê sơ bộ tại tỉnh Quảng Bình có 3 người thiệt mạng, gần 10 người bị thương; 2 huyện Quảng Trạch và Bố Trạch có 80%-90% nhà tốc mái; 10.000 ha trên tổng số 18.000 ha cao su của tỉnh bị gãy đổ; 7 điểm đường sắt bị tắc đường. Chiều cùng ngày, tại Trạm Phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, cột ăng-ten cao 140 m bị ngã đổ khiến 2 nhân viên thiệt mạng, 1 người bị thương. Hàng chục cột điện trung và hạ thế, cột ăng-ten của các mạng viễn thông cũng bị gãy đổ.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các địa phương không được chủ quan, đề phòng mưa lũ sau bão, nhất là các hồ đập... T.Phùng
nhóm phóng viên