THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 October 2013

Điều tiết lũ hay hại dân?


Thứ Sáu, 04/10/2013 23:29

Các thủy điện đồng loạt xả lũ vào mùa mưa, gây ngập lụt hạ du. Vậy chức năng điều tiết lũ của các thủy điện nằm ở đâu?

Chiều 4-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đồng Văn Tự - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - cho rằng việc đơn vị quản lý hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) xả lũ là vì bất khả kháng.
Có lỗi của cơ quan quản lý
Theo ông Tự, Bộ NN-PTNT quản lý trực tiếp đối với hồ thủy lợi Dầu Tiếng; Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương chỉ đạo các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La và một số hồ chứa lớn trên các lưu vực sông liên quan đến nhiều địa phương; còn các hồ thủy lợi trên cả nước đều do địa phương quản lý và ban hành quy định vận hành, điều tiết...
Chiều 4-10, nhiều khu vực ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn ngập trong nước Ảnh: ĐẠI AN
Đối với hồ Vực Mấu, trách nhiệm quản lý vận hành thuộc về Xí nghiệp Thủy lợi huyện Quỳnh Lưu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An. Ông Tự cho rằng đơn vị vận hành đã thực hiện đúng quy trình được tỉnh Nghệ An duyệt. Tuy nhiên, do mưa cục bộ trong một phạm vi hẹp ở khu vực này quá lớn cộng thêm triều cường lên cao nên đã gây ra hậu quả nặng nề. “Có thể nói đây là một rủi ro do thiên tai” - ông Tự nhận định.
Ông Tự khẳng định nếu không xả lũ, đập của hồ Vực Mấu sẽ bị vỡ, gây thảm họa lớn hơn rất nhiều cho vùng hạ du, chứ không chỉ dừng lại như thiệt hại đã xảy ra vừa qua.
Về việc nhiều người dân thị xã Hoàng Mai khẳng định họ không hề nhận được thông báo kế hoạch xả lũ của hồ Vực Mấu, ông Tự cho rằng có khúc mắc ở khâu này và cần làm rõ trách nhiệm. “Không lẽ người dân nhận được thông báo xả lũ rồi mà lại nói là chưa” - ông Tự đặt vấn đề.
Ông Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện là Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam - cho rằng đơn vị quản lý hồ Vực Mấu đã mắc lỗi nghiêm trọng nếu xả lũ mà không thông báo cho chính quyền địa phương biết mức nước sẽ gây ngập ở vùng hạ du, dù rằng họ có khuyến cáo di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. “Nếu cảnh báo được mức nước ngập thì người dân đã không bị chết, thiệt hại về tài sản cũng sẽ ít hơn” - ông Hồng khẳng định.
Theo ông Hồng, việc chiều tối 30-9 tiến hành xả lũ hồ Vực Mấu mà sáng cùng ngày mới thông báo cho chính quyền địa phương vùng hạ du biết là chậm, dân không thể trở tay kịp. “Khi tôi còn công tác ở Bộ NN-PTNT, việc xả lũ ở các hồ lớn phải được thông báo trước 7 ngày; nếu do thiên tai, trong tình huống khẩn cấp thì thông báo trước 3 ngày hoặc chậm nhất là 1 ngày” - ông Hồng nói.
Trở tay không kịp
Đến chiều 4-10, nhiều vùng tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn ngập sâu trong nước, khiến cuộc sống người dân điêu đứng.
Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết nước sông Vu Gia đang trên báo động 2, chính quyền đã thông báo để người dân chuẩn bị mọi phương án đối phó vì thủy điện Đăk Mi 4 sẽ tiếp tục xả lũ. Trước đó, ngày 2-10, thủy điện Đăk Mi 4 đã xả lũ với lưu lượng lớn khiến chính quyền và người dân gần như trở tay không kịp. Ông Phạm Thúy, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Đại Lộc, cho rằng thủy điện Đăk Mi 4 không tuân thủ quy trình khi xả lũ. Cụ thể, ngày 2-10, UBND huyện Đại Lộc nhận được 2 thông báo về việc xả lũ của thủy điện Đăk Mi 4. Trong đó, thông báo đầu tiên ghi: Kể từ lúc 8 giờ ngày 2-10, điều tiết nước từ hồ thủy điện Đăk Mi 4A về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 200 m3/s. Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND huyện Đại Lộc tiếp tục nhận được thông báo thứ 2 với nội dung: Để duy trì nước hồ chứa ở mực dâng bình thường, thủy điện Đăk Mi 4 mở van cửa đập tràn Đăk Mi 4A về hạ du sông Vu Gia kể từ lúc 9 giờ ngày 2-10 với lưu lượng từ 1.000-1.800 m3/s. “Khoảng thời gian 2 lần mở xả chỉ cách nhau 1 giờ nên mực nước lên nhanh bất thường, gây hoảng loạn trong dân” - ông Thúy nói.
Theo ông Thúy, thông báo xả lũ phải trước từ 3-4 giờ để chính quyền và người dân chuẩn bị. Tuy nhiên, thông báo đến với chính quyền huyện Đại Lộc qua đường fax ghi thời gian nhận là 8 giờ 35 phút ngày 2-10. Như vậy, từ lúc UBND huyện Đại Lộc nhận thông báo đến khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ đợt 2 với lưu lượng 1.000-1.800 m3/s là chưa tới 30 phút.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Xuân Yến, Trưởng Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Đăk Mi, cho rằng trước khi xả lũ, đơn vị đã có công văn thông báo khẩn cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, đồng thời thông báo về tận Ban Phòng chống lụt bão các huyện để nắm tình hình. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng liên hệ với các thủy điện A Vương và Sông Tranh để thống nhất xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ mà các bên đã ký kết. “Như vậy, chúng tôi đã xả lũ đúng quy trình” - ông Yến khẳng định. Theo ông Yến, với đoạn đường dài gần 100 km (từ thủy điện Đăk Mi 4 xuống Quốc lộ 1), phải mất ít nhất 10 giờ nước mới chảy tới đồng bằng nên thủy điện Đăk Mi 4 thông báo từ sáng sớm là đúng quy định. Trả lời câu hỏi: Vậy tại sao thông báo xả với lưu lượng từ 1.000-1.800 m3/s nhưng lại xả đến 2.744 m3/s khiến vùng hạ du ngập chìm trong biển nước? Ông Yến thanh minh rằng trước khi xả lũ, đơn vị thông báo bằng văn bản và ghi rõ sẽ điều chỉnh lưu lượng theo diễn biến của lũ.
Đùn đẩy trách nhiệm
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục xảy ra mưa lớn khiến hồ thủy lợi Ayun Hạ và thủy điện An Khê - Ka Nak phải xả lũ. Tuy nhiên, ông Hồ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, khẳng định: “Thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ khiến nước sông Ba lên nhanh nhưng lại không thông báo cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, hồ thủy lợi Ayun Hạ cũng xả 3 cửa với lưu lượng 400-420 m3/s nên góp phần gây ngập”.
Lý giải về những vấn đề này, ông Trương Vân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, khẳng định trước khi xả lũ, hồ thủy lợi Ayun Hạ đã thông báo cho chính quyền. Hơn nữa, nước lên không phải do thủy lợi Ayun Hạ mà vì thủy điện An Khê - Ka Nak.
Từ ngày 2 đến 4-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 3 người bị nước lũ cuốn trôi, gồm: anh Nguyễn Văn Sĩ (37 tuổi), anh Ngô Văn Phương (31 tuổi) và em Nguyễn Phương Nhi (học sinh lớp 4). Trong đó, thi thể anh Sĩ vẫn chưa được tìm thấy.

Nhóm phóng viên