THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 October 2013

Quốc hội lo gánh nặng trả nợ khi in thêm trái phiếu!

VNE - 23/10/2013

Với những tính toán cụ thể, Quốc hội nhận định khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn nếu Chính phủ phát hành thêm trái phiếu như kiến nghị.

Tại phiên họp chiều 23/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đọc tờ trình gửi Quốc hội, xin ý kiến về việc phát hành bổ sung 170.000 tỷ trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho giai đoạn 2014 - 2016. 
Lý do để phát hành bổ sung, theo Bộ trưởng Vinh, là nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP giảm mạnh. Nếu có vốn bổ sung, các dự án đang dở dang nhưng chưa có đủ vốn cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ.
Với những lý do trên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép phát hành bổ sung khoảng 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ từ 2014 đến 2015, không bao gồm khoản 75.000 tỷ đồng đã có trong kế hoạch 4 năm trước đó.
Số tiền dự kiến được sử dụng như sau: bố trí 61.680 tỷ đồng cho dự án Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14; 73.320 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các dự án đang dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trước đó; 20.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án ODA; 15.000 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.
Sau khi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đọc tờ trình trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển đã báo cáo thẩm tra về kiến nghị của Chính phủ.
BQV-6737-1382529004.jpg
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh minh họa: Nguyễn Hưng
Với mức phát hành 170.000 tỷ đồng, nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP), song Ủy ban cho rằng thực tế khả năng huy động và trả nợ khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý. Hiện nay khối lượng huy động vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm đã rất lớn. Trong 3 năm tới, bình quân mỗi năm huy động khoảng trên 400.000 tỷ đồng. Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, do đó, tần suất và mức trả nợ sẽ rất cao.
Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, công ty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào trái phiếu Chính phủ mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất. Với những tính toán trên, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận định khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần đánh giá lại khả năng trả nợ đến năm 2015 - 2016, liệu có vượt các quy định về các tỷ lệ hay không. Quyết định số 689/QĐ-TTg hồi tháng 5 đã ghi rõ: "Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ". Còn theo thông lệ quốc tế thì số nợ phải trả hàng năm không nên vượt quá 30% so với số thu ngân sách hàng năm. Đồng thời, Chính phủ cần tính toán bố trí đủ nguồn để trả các khoản nợ đến hạn. 
Thanh Bình