THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 October 2013

Sinh viên đề nghị sửa lại bằng tốt nghiệp “ngành kép”!...

(Dân trí) Thứ Năm, 03/10/2013 - Sau khi đọc trả lời của phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội về quy định ngành kép trong bài viết “Sinh viên “vỡ mộng” vì học ngành kép”, nhiều sinh viên đã tỏ ra bất bình vì nghĩ rằng trường “thông báo một đằng, làm một kiểu”.

 >>  ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN: Sinh viên “vỡ mộng” vì ngành học kép?

Sinh viên: Buồn vì trường!
Trước đó, trong bài viết Sinh viên “vỡ mộng” vì ngành học kép? mà báo điện tử Dân trí đã đăng, sinh viên (SV) của các lớp ngành Tiếng Anh (721) thuộc khoá QH2009, chuyên ngành Tiếng Anh Tài chính - Ngân hàng, Tiếng Anh - Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh- Quản trị kinh doanh thuộc ĐH Ngoại ngữ- ĐH Quốc gia Hà Nội (QGHN) đã ngỡ ngàng khi biết, tấm bằng kép “double” tiếng Anh - Kinh tế của mình đã bị từ chối quyền lợi. Các em không được phép học lên cao học chuyên ngành kinh tế và gặp nhiều khó khăn khi xin việc vào khối ngành kinh tế, bởi tấm bằng cử nhân các em nhận được chỉ ghi là Cử nhân Ngôn ngữ Anh…
Theo đó, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN trả lời: “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trên văn bằng cấp cho SV sau khi tốt nghiệp chỉ ghi tên ngành đào tạo (program), tên chuyên ngành đào tạo (major) được ghi trên bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp”.
Sinh viên V.H.H. tâm sự: “Chúng em rất buồn vì biện pháp "xoa dịu dư luận" của nhà trường cấp cho chúng em Chứng nhận ngành học. Chứng nhận học Kinh tế mà lại do ĐH Ngoại Ngữ cấp thì để làm gì? cái chúng em cần là sự thừa nhận từ trường ĐH Kinh Tế, đúng như sự "hợp tác" của hai trường”.
Sinh viên T.V.T. bức xúc cho biết: “Em đăng kí thi vào là Tiếng Anh Kinh tế, sau đó được phân chuyên ngành Tiếng Anh - Tài chính ngân hàng, đầu vào 29,5 điểm. Nay ra trường nhận được bằng Cử nhân Tiếng Anh, em quá thất vọng.Thử hỏi có mấy người phỏng vấn soi từng môn học trong bảng điểm để suy ra ứng viên học ngành gì? Em đã từng xin việc ở một số nơi sau khi ra trường, thi tuyển giáo viên thì họ bảo em không học sư phạm, còn doanh nghiệp họ bảo bằng của em là tiếng Anh chứ đâu phải kinh tế?”.
Nhiều SV tiếp tục viết đơn gửi nhà trường đề nghị: “Sửa lại bằng tốt nghiệp theo đúng giấy tờ đã ghi trong thông báo tránh gây hoang mang và mất lòng tin cho các khóa QH2010 và các khóa Tiếng Anh - Kinh tế tiếp theo”.
Sinh viên ĐH Ngoại ngữ bằng kép trong buổi nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh minh họa)
Sinh viên ĐH Ngoại ngữ bằng kép trong buổi nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh minh họa)

Nhà trường: Sinh viên không nên nhầm lẫn!
Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Viết Bình, Ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết: “Từ năm học 2009-2010, ĐHQGHN đã ban hành chương trình đào tạo ngành tiếng Anh định hướng các chuyên ngành: Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh Tài chính-Ngân hàng và cho phép trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN), ĐHQGHN tổ chức tuyển sinh và đào tạo. Mục tiêu của các chương trình đào tạo này hướng tới giúp sinh viên có kiến thức về các ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế đối ngoại, Tài chính - Ngân hàng và có thể sau khi tốt nghiệp ra trường phát huy được năng lực tiếng Anh cho các lĩnh vực này.
Về tuyển sinh đầu vào cho các chương trình đào tạo trên, thí sinh đăng ký dự thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức. Trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học và cao đẳng” các năm 2009, 2010, 2011 do Bộ GD&ĐT ban hành đều đã thông báo “Tiếng Anh (gồm các chuyên ngành: Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh Tài chính-Ngân hàng). Như vậy, ngay khi đăng ký dự thi tuyển đầu vào thí sinh đã đăng ký học ngành tiếng Anh, trong đó có các chuyên ngành về Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh Tài chính-Ngân hàng.
Ông Bình cho rằng: “Trường ĐH Ngoại ngữ đã tổ chức đào tạo đúng chương trình đào tạo mà ĐHQGHN đã ban hành, trong đó, các môn học thuộc kiến thức ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế đối ngoại, Tài chính - Ngân hàng đều đã được giảng dạy. SV học các chương trình đào tạo này đã được tích lũy khối kiến thức chuyên sâu của ngành tiếng Anh và những kiến thức cốt lỗi cơ bản của ba ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế đối ngoại, Tài chính-Ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp, SV có điều kiện sử dụng tốt ngoại ngữ là tiếng Anh khi làm việc trong một số ngành kinh tế”.
Giải thích về văn bằng, ông Bình cho hay, theo luật định, bằng tốt nghiệp đại học chỉ cấp theo ngành đào tạo, không cấp theo chuyên ngành. Định hướng chuyên ngành chỉ được thể hiện trên bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp. Như vậy, SV sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành tiếng Anh định hướng các chuyên ngành: Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh Tài chính - Ngân hàng trong thời gian 8 học kỳ (4 năm học) sẽ được cấp bằng ngành tiếng Anh.
Theo ông Bình, SV cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa chương trình đào tạo ngành tiếng Anh có định hướng chuyên ngành nêu trên với các chương trình đào tạo bằng kép ngành tiếng Anh dành cho SV đang theo học các ngành kinh tế cũng như chương trình đào tạo bằng kép ngành kinh tế dành cho SV đang theo học các ngành ngoại ngữ hiện đang được tổ chức đào tạo tại trường ĐHNN và trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) thuộc ĐHQGHN.
Đối với chương trình đào tạo bằng kép, theo quy định, sinh viên của trường ĐH Ngoại ngữ (hoặc trường ĐH Kinh tế) đang học từ học kỳ thứ ba đến học kỳ thứ bảy đạt điểm trung bình chung học kỳ tính đến thời điểm đăng ký học bằng kép đạt từ 2,5 trở lên sẽ được xét học chương trình đào tạo bằng kép theo chỉ tiêu. Trong thời gian tối đa 12 học kỳ (tính theo khóa học của ngành thứ nhất) nếu SV hoàn thành chương trình đào tạo ngành học thứ hai (chương trình đào tạo bằng kép) và đã tốt nghiệp ngành thứ nhất sẽ được cấp bằng thứ hai. Như vậy, trong một quỹ thời gian nhất định (tối đa là 12 học kỳ), SV học đồng thời 2 chương trình đào tạo của 2 ngành học sẽ được cấp đồng thời 2 bằng cử nhân.
“SV không nên nhầm lẫn về phương thức tuyển sinh, tổ chức đào tạo của các chương trình đào tạo. Nhà trường thông báo và các văn bản đưa ra cũng rất đầy đủ, rõ ràng” - ông Bình khẳng định.
Hồng Hạnh