THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 November 2013

Dẫn nghị quyết ra đọc tức là thừa nhận tiêu cực, tham nhũng



20/11/2013 16:07 (GMT + 7)
TTO - "Tuy bộ trưởng không khẳng định có tiêu cực nhưng việc bộ trưởng dẫn nghị quyết ra đọc, tức là thừa nhận là có tiêu cực, có tham nhũng trong bộ máy cán bộ công chức."
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình - Ảnh: Việt Dũng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định như vậy trong nội dung kết luận về phần trả lời chất vấn của bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Bộ trưởng đã trả lời rất đầy đủ, nêu nhiều nghị quyết, chính sách của Đảng, nhà nước mà Đảng, nhà nước đã và đang thực hiện trong việc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy. Nếu thực hiện tốt những việc này thì vấn đề chất lượng bộ máy, CBCC và hiệu quả công tác sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, theo chủ tịch quốc hội, nhiều đại biểu và kể cả bộ trưởng cũng chưa bằng lòng với các đánh giá về tình hình hiện nay.
Đối với công tác tổ chức, cán bộ, chất lượng bộ máy, chất lượng cán bộ cũng còn nhiều vấn đề. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ nội vụ - với chức trách của mình cần phối hợp với các bộ ngành để làm rõ tỉ lệ CBCC không làm được việc thực tế là bao nhiêu: 1% như báo cáo hay 30% như dư luận? Bộ nội vụ cần phải có đánh giá đầy đủ, minh bạch về chất lượng đội ngũ CBCC hiện nay.
Vấn đề quan trọng khác cũng cần làm ngay đó là việc xây dựng bảng mô tả chức danh công tác và các điều kiện, tiêu chuẩn kèm theo đối với từng vị trí công tác này.
Theo chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhiều đại biểu đã chất vấn xung quanh câu chuyện về chống tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ CBCC: có tiêu cực hay không? Có tham nhũng hay không? Tuy bộ trưởng không khẳng định có tiêu cực nhưng việc Bộ trưởng dẫn nghị quyết ra đọc, tức là thừa nhận là có tiêu cực, có tham nhũng trong bộ máy CBCC. Tiêu cực nhũng nhiễu là nói về bộ máy, về cơ quan công quyền, là nói đến CBCC.
Đảng nói "bộ phận không nhỏ" CBCC có tiêu cực, ý nói là cơ quan này, bộ phận kia, chỗ nhiều ít khác nhau nhưng có tiêu cực. Đó là điều hết sức nhức nhối. "Trách nhiệm của Bộ Nội vụ là phải làm rõ tham nhũng, tiêu cực là ở bộ phận nào? Cụ thể là bao nhiêu?", ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Bộ nội vụ phải là người "cầm cái" trong triển khai chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy hành chính và cần có nhiều biện pháp hơn nữa để hạn chế tình trạng này. Bộ nội vụ cần phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm toán, tư pháp... để tiến hành làm rõ các tiêu cực ngay trong bộ máy cơ quan nhà nước.
Theo chủ tịch Quốc hội, ngay trong công tác cán bộ như: bổ nhiệm, đề bạt, điều chuyển cán bộ của chúng ta cũng có hiện tượng này nên cần phải tăng cường phòng chống. Vì thế, nhiều công tác cần phải triển khai ngay để có những chuyển biến rõ rệt trong năm 2014.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Bộ nội vụ phải tiến hành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, các quy định có liên quan công tác cán bô, tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể về cải cách hành chính, phối hợp với các bộ ngành thực hiện tốt những quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị...
Có chạy chức chạy quyền hay không?
Thi 1 năm chưa có kết quả vì... hoàn thiện thể chế
Đại biểu Y Mửi (Kon Tum) nêu vấn đề: trong tháng 11, 12-2012 và đầu năm 2013, Bộ Nội vụ đã tổ chức kỳ thi nâng ngạch, đến nay đã hơn 1 năm nưng vẫn chưa có kết quả chính thức, chưa có quyết định bổ nhiệm vào ngạch đối với người trúng tuyển, bộ trưởng cho biết vì sao có sự chậm trễ này và bộ trưởng làm gì để khắc phục sự chậm trễ đó?
Trả lời vấn đề này, bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Lý do là chúng tôi muốn rút kinh nghiệm qua hai kỳ thi của Ban tổ chức trung ương để tổ chức thi cho cả nước và hoàn thiện thể chế, do đó chỉ tiêu thi của năm 2011, 2012 sẽ dồn qua cho cả năm 2012, chúng tôi muốn tập trung sức để hoàn thiện.
Tới thời điểm này, kết quả cuối cùng về kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp đã có và chúng tôi sẽ công bố quyết định trong tháng 12-2013.
Trong phiên chất vất ngày 20-11, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đã thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình về vấn đề tham nhũng. Tuy nhiên, câu hỏi này chưa được bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời ngay khiến đại biểu Chu Sơn Hà đã phải xin phép chất vấn đến lần thứ hai.
Theo ông Hà, vấn đề "Tôi đã hỏi là "chạy chức, chạy quyền" và có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ hay không vẫn chưa được bộ trưởng làm rõ. Như bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư có nói "chạy dự án là có, nhưng đến giờ chúng tôi chưa phát hiện, chưa xử lý được".
Tôi nghĩ phải dũng cảm như thế! Nếu có thì trong thời gian tới giải pháp khắc phục cho việc này như thế nào? Tôi cho rằng đó là nguyên nhân, gốc của việc phòng chống tham nhũng: chọn được cán bộ tốt thì sẽ không có tham nhũng. Tôi đề nghị bộ trưởng cần quan tâm đến việc này và cho thêm giải pháp về khắc phục tình trạng này".
Tuy nhiên, khi trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại không khẳng định có hay không có nạn "chạy chức, chạy quyền" mà nói đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị mà Bộ Nội vụ đã nghiên cứu rất kỹ.
Bộ trưởng dẫn lại văn kiện của Ban chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XI có nêu "đánh giá cán bộ là khâu yếu, tình trạng chạy chức chạy quyền, một số cái chạy... chưa khắc phục".
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói đó là tài liệu "gối đầu nằm" để nghiên cứu, đề ra các biện pháp khắc phục.
Câu trả lời của bộ trưởng đã khiến các đại biểu trong hội trường xì xầm, nhiều người lắc đầu, cười.
Câu hỏi của đại biểu Trương Thị Ánh (đoàn TP.HCM) về có biện pháp đột phá nào trong công tác tổ chức cán bộ hay không. Bộ trưởng cũng chỉ trả lời chung chung về các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức để nâng cao hiệu quả thực thi công vụ theo thẩm quyền.
Chiều 20-11, bộ trưởng Nguyễn Thái Bình tiếp tục đăng đàn trả lời hết những câu hỏi các đại biểu đã chất vấn nhưng chưa kịp trả lời trong buổi sáng.
Chỉ là dư luận
Trước đó, ngay sau phần giải lao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình quay trở lại trả lời câu hỏi của đại biểu Danh Út về tỉ lệ 30% cán bộ công chức (CBCC) không làm được việc.
Tuy nhiên, theo bộ trưởng, đây chỉ là phản ánh của dư luận mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại. Nhưng bộ trưởng cũng xác định đó là đòi hỏi, mong muốn cần cải cách, đổi mới công vụ nhiều hơn. Mà muốn tìm tiếng nói chung thì phải có giải pháp đồng bộ để tổ chức thực hiện để có tiếng nói chung.
Để thực hiện điều này, bộ trưởng cho biết Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, có nhiều vấn đề liên quan bộ máy.
Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt đề án cải cách công vụ công chức từ nay đến 2015. Phần đánh giá CBCC, viên chức trong thời gian qua đã phân cấp các bộ ngành, địa phương nhưng đứng về trách nhiệm quản lý nhà nước thì Bộ Nội vụ "cũng có trách nhiệm".
Theo bộ trưởng, để có tiếng nói chung thì các địa phương, bộ ngành cần thực hiện một số giải pháp như: tinh gọn bộ máy, thực hiện mô tả công việc, bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch công chức, hoàn thiện tiêu chí và phương pháp đánh giá CBCC...
Bộ trưởng cho rằng để làm được điều này, trách nhiệm là của chung CBCC, các địa phương, bộ ngành, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị.
Có tình trạng bố trí cán bộ chưa thật sự khách quan
Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đặt vấn đề: "Nhận nhiệm vụ bộ trưởng Bộ Nội vụ đến nay đã là 2/3 nhiệm kỳ, xin hỏi những công việc thuộc về Bộ Nội vụ thì phía bộ đã triển khai đến đâu? Trong phần trả lời của bộ trưởng, tôi nghe nhiều việc bộ trưởng toàn nói là sẽ triển khai trong khi có những việc lẽ ra đã được triển khai từ lâu.
Về vấn đề cán bộ công chức không làm được việc, con số 30% được cho chỉ là dư luận, vậy Bộ Nội vụ có tính chuyện điều tra lại con số này hay không? Về quản lý cán bộ, đôi khi theo tình nhiều hơn theo lý, chẳng hạn biết ông Dương Chí Dũng làm không tốt, thậm chí có dấu hiệu vi phạm ở Vinalines lại đưa về làm cục trưởng Cục Hàng hải để quản lý và một số cán bộ làm không tốt ở đơn vị này lại đưa về làm tại cơ quan khác ở vị trí thuận lợi hơn, xin bộ trưởng cho biết quan điểm của mình?".
Trong phần trả lời của mình, bộ trưởng Bộ Nội vụ không đề cập đến phần những công việc lẽ ra đã được triển khai nhưng bộ chưa triển khai. Về con số cán bộ không làm được việc, ông Nguyễn Thái Bình cho rằng phải có kế hoạch, lộ trình để kiểm tra lại.
Con số 1% cán bộ không làm được việc do các cơ quan, địa phương báo về. Con số mà báo cáo Chính phủ nêu là 30% cũng là dư luận và phải có lộ trình để kiểm tra.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết cho biết thực tế có tình trạng bố trí công việc cán bộ chưa thật sự khách quan, chưa đúng yêu cầu công việc, năng lực, sở trường.
Ông Nguyễn Thái Bình cho biết quan hệ giữa tình và lý, nếu tình chân chính, trong sáng kết hợp với lý thì cần khuyến khích. Nếu tình mang tính chất vây cánh, ê kiếp, bè phái thì chúng tôi cật lực phản đối và có biện pháp để thanh tra, giải quyết nếu phát hiện có sai phạm.
Tinh giản biên chế: biên chế tăng hơn 20%?
Liên quan đề án tinh giản biên chế CBCC, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng việc tinh giản đội ngũ CBCC vừa qua không đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Vinh dẫn chứng: số CBCC nghỉ việc từ năm 2010-2012 là hơn 28.000 người, nhưng số tuyển mới lại hơn 69.800 người, tăng 41.719 người. Như vậy số tuyển mới bằng 148% số người nghỉ.
"Trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước việc CBCC không những không giảm thậm chí còn tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện nghị quyết về tinh giản biên chế ra sao? Trong thời gian tới, bộ có giải pháp nào để tiếp tục tinh giản biên chế?", đại biểu Trần Ngọc Vinh chất vấn.
Vấn đề thứ hai theo ông Trần Ngọc Vinh là trong tuyển dụng vẫn còn quá chú trọng vấn đề bằng cấp, các nội dung thi tuyển chưa quan tâm đến thực lực thực tài của người tuyển dụng. Dù bộ đã thực hiện triển khai nhiều đề án nhưng chất lượng CBCC vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công việc, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi công vụ.
Vậy trách nhiệm của bộ trong đào tạo, tuyển dụng, nâng cao chất lượng CBCC, viên chức trong thời gian qua ra sao? Giải pháp nâng cao năng lực CBCC của bộ là gì trong thời gian tới?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) - Ảnh: Việt Dũng
Về câu hỏi tinh giản biên chế nhưng tăng biên chế hơn 20% của đại biểu Trần Ngọc Vinh, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng CBCC là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua.
Bộ trưởng cũng thừa nhận biên chế CBCC từ năm 2007 đến 2012 có tăng hơn 15% (hơn 35.900 biên chế) là do việc bổ sung biên chế cho các đơn vị mới được thành lập, các đơn vị mới có thêm chức năng hoặc để đảm bảo chức năng, nhiệm vụ được giao cho những đơn vị khác nữa. Những lĩnh vực tăng biên chế là: môi trường, đất đai, biển đảo, du lịch, hải quan...
Theo bộ trưởng, năm 2013 và 2014 biên chế không tăng.
Về việc chú trọng bằng cấp trong thi tuyển CBCC, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói vấn đề bằng cấp nằm trong tiêu chí, quy định về thi tuyển trong các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, theo bộ trưởng thì để nâng cao chất lượng CBCC trong thi tuyển vừa qua Bộ Nội vụ đã có đổi mới trong thi tuyển, 3/5 bài thi tuyển công chức được thực hiện trên máy vi tính.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu nhiều giải pháp sẽ phải tập trung trong thời gian tới để thực hiện mục tiêu nâng chất lượng CBCC, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ.
Né trả lời
Đầu buổi sáng, hai đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình làm rõ vì sao còn tình trạng tồn tại khoảng 30% CBCC không làm được việc trong bộ máy Nhà nước. Thế nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chưa đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sáng nay (20-11), hai đại biểu Danh Út (Kiên Giang) và Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cùng đặt vấn đề: Trong báo cáo của Chính phủ vừa qua có nêu cả nước có 30% cán bộ, công chức không làm được việc, điều đó đúng không? Với trách nhiệm của mình, bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này và bộ trưởng đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) - Ảnh: Việt Dũng
Với câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chưa đưa ra câu trả lời. Ông bảo: "Chúng tôi sẽ kết hợp để có nhóm trả lời chung câu hỏi này".
Các đại biểu ngồi phía dưới hội trường tỏ vẻ chưa đồng tình với câu trả lời này của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nói "Bộ trưởng chưa trả lời rõ vấn đề mà hai đại biểu Huỳnh Nghĩa và Danh Út nêu, đề nghị bộ trưởng nói rõ hơn sau giải lao".
Đại biểu Huỳnh Nghĩa còn nhấn mạnh: "Đã hết nửa nhiệm kỳ làm bộ trưởng nhưng tôi thấy công việc triển khai của Bộ Nội vụ quá ì ạch, nhiều việc chưa được triển khai và giải quyết, bộ trưởng cảm nhận và đánh giá như thế nào?".
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) - Ảnh: Việt Dũng
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chưa đề cập tới trong phần trả lời của mình.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trước tình trạng có chủ trương tinh giản biên chế, CBCC, thế nhưng sau 5 năm, việc này không được thực hiện và thậm chí số CBCC còn tăng thêm, đề nghị bộ trưởng giải thích rõ vấn đề này. Ông Vinh cũng hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của CBCC.
Tuy nhiên câu hỏi này cũng chưa nhận được trả lời thỏa đáng của bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình quay lại câu hỏi này sau giải lao.
Đầu giờ sáng 20-11, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tiếp tục trả lời một số câu hỏi của đại biểu. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sẽ đăng đàn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tập trung trả lời các nhóm vấn đề:
- Giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm… để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son tập trung trả lời các nhóm vấn đề:
- Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với báo chí nói chung và báo mạng nói riêng trước tình hình an ninh văn hóa diễn biến phức tạp.
- Giải pháp quản lý những trang thông tin điện tử, ngăn chặn tác hại và chấn chỉnh những vi phạm trong việc kinh doanh trò chơi trực tuyến (game online).
- Trách nhiệm và giải pháp tăng cường quản lý thị trường viễn thông, khắc phục tình trạng sim rác, tin rác, tin quảng cáo rác trên điện thoại di động.
T.MAI - C.MAI