THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 November 2013

NGỒI TRONG MÂY..RA NGHỊ ĐỊNH TRÊN TRỜI !

(ĐVO)- 04/11/2013  --  Thời gian vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã liên tục có những Nghị định với mục tiêu là tuyên truyền, vận động khiến dư luận bất ngờ, khó hiểu.




Không được tặng quà trong các buổi lễ

Ngày 1/11, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Họp báo công bố Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.

Điểm mới là Nghị định đã quy định áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân khi tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài.

Ngoài việc quy định tỉ mỉ kiểu trang phục “không được dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực” hay kính thưa, kính gửi bao nhiêu lần thì bản nghị định này cũng có những điều khoản gây nhiều băn khoăn.
Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định “không được dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực”
Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định không được dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực và không tặng quà

Trong khoản 2, điều 24, chương 6 về hình thức tổ chức các buổi lễ, nghị định quy định rõ: “Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo). Không tổ chức chiêu đãi, trừ trường hợp quy định tại điều 11 của nghị định này”. Hai buổi lễ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của khoản này bao gồm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh.

Đáng nói là quy định này được áp dụng cho tất cả các đơn vị, không loại trừ tổ chức xã hội nào, kể cả đơn vị kinh tế tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Tuổi trẻ, ông Phạm Văn Thủy (cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL) cho biết, quy định này nhằm bỏ bớt những rườm rà, lãng phí, giảm bớt chi phí, đơn giản hóa buổi lễ chương trình. Thậm chí, một lãnh đạo Bộ VH-TT&DL còn khẳng định “trong buổi lễ mà khách mời xách “lủng lẳng” cái túi có logo của đơn vị tổ chức là mất mỹ quan”.

Tuy nhiên, quy định này lại gây kinh ngạc với giới luật sư. “Nếu áp dụng cho tất cả các đối tượng thì quy định này sai hoàn toàn. Nó chỉ có ý nghĩa xã hội đối với các tổ chức nhà nước là những đơn vị không cần quảng bá hoặc dùng ngân sách. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân, việc tặng quà cho khách hàng hay tặng các biểu tượng, logo của doanh nghiệp là quyền của họ. Đừng nhầm lẫn giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp tự hạch toán” - luật sư Phạm Hữu Khánh Toàn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bình luận.

Với các điều khoản quy định chi tiết và tỉ mỉ đến từng bộ trang phục, cách đi đứng, cách kính thưa, kính gửi, Bộ VH-TT&DL cũng cho biết nghị định sẽ không đi kèm thông tư hướng dẫn. Nghị định cũng không quy định hình thức chế tài đối với những đơn vị vi phạm. “Ai làm sai, cấp nào sai thì cấp đó phải chịu trách nhiệm xử lý ở cấp đó” - ông Phan Đình Tân (người phát ngôn Bộ VH-TT&DL) trả lời báo chí chiều 1/11.

Ông Phan Đình Tân khẳng định: “Nghị định chủ yếu mang tính vận động, khuyến khích người dân thực hiện. Có nhiều thứ có cả chế tài nhưng rồi cũng không thể xử phạt. Ví dụ như quy định về thời gian quàn thi thể không được quá 24 giờ... trước đây cũng thế, quy định là vậy nhưng chẳng lẽ lao vào gia đình đang có tang để xử phạt à!”.

Mặt khác, ông Tân cũng thừa nhận quy định việc tặng quà, biểu tượng, logo trong buổi lễ chỉ phù hợp với đơn vị nhà nước chứ chưa phù hợp với doanh nghiệp tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. “Đối với phía tư nhân, nghị định có tác dụng là cảnh báo họ đừng làm gì quá. Do đó, nghị định không có chế tài là vì thế. Cực chẳng đã mới phải đặt ra chế tài” - ông Tân nói.

Cấm dùng cửa kính quan tài

Trước đó, ngày 17/12/2012, Chính phủ ban hành nghị định số  105/2012/NĐ-CP Về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Theo quy định của Nghị định này, “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”.

Tại buổi họp báo công bố Nghị định, theo đại diện của Bộ VH-TT&DL có ba lý do để đưa ra quy định nói trên, trong đó có lý do tránh việc nhìn vào thi thể có thể đã để mấy ngày sẽ làm ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dự tang lễ.

Rất nhiều người quan niệm rằng việc để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài là để tạo điều kiện cho những người đến viếng được “nhìn mặt lần cuối” người đã khuất. Ở đây có yếu tố tâm linh cũng như yếu tố tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng. Còn nói rằng để đảm bảo vệ sinh, ngừa khả năng kính vỡ rơi vào mặt người quá cố hoặc vì lý do gì đi nữa thì cũng không có sức thuyết phục và điều kiện hiện này hoàn toàn có thể cho phép khắc phục các lý do đó.

Tuy nhiên, tác giả của quy định, ông Hồ Trí Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ VHTT-DL lại cho rằng " nghị định không cấm, chỉ là hạn chế, tuyên truyền".

Theo ông  Hồ Trí Hùng: "Như tôi đã nói, đối tượng hướng đến là cán bộ công chức viên chức rõ ràng phải dựa vào vai trò của họ. Tôi cũng nhắc lại, nghị định không cấm, chỉ là hạn chế, tuyên truyền.

Trong nghị định đã nếu rõ, "Phê bình và xử phạt hành chính". Phê bình mục đích là tuyên truyền, vận động từ địa phương, cơ quan có nhiệm vụ nhắc nhở, nếu cố tình vi phạm sẽ nhắc nhở, phê bình tại cơ quan, địa phương."

Cấm rắc, rải vàng mã trong tang lễ

Ngày 16/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đưa ra dự thảo lần 3 Nghị định bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Đáng chú ý trong Dự thảo, bộ này đề xuất cho phép rắc, rải vàng mã trong tang lễ tuỳ thuộc vào phong tục, tập quán của từng địa phương nhưng phải đảm bảo tiết kiệm và vệ sinh môi trường.

Chỉ cấm rắc tiền thật, còn đám tang vẫn được sử dụng vàng mã
Quy định hiện hành không cho phép rắc tiền thật, vàng mã trong đám tang

Trong khi đó, quy định hiện hành không cho phép thực hiện việc này. Cụ thể, quy định hiện hành:“Không rắc vàng mã và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng; không đốt đồ mã tại nơi an táng”.

Tuy nhiên, cũng như hai quy định trên, quy định chỉ mang tính chất vận động. Ông Phùng Minh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ VH-TT&DL) cho biết, không cấm rắc vàng mã mà chỉ cấm đối với việc rắc tiền thật. Không quy định bắt buộc việc quan tài không được để nắp kính. Việc quy định bắt buộc phải sử dụng vòng hoa luân chuyển chỉ áp dụng cho đám tang từ cấp nhà nước trở lên và những cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách đi viếng.

  • Mai Mai (Tổng hợp)