THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

23 January 2013

Philippines kêu gọi toàn dân ủng hộ quyết định kiện Trung Quốc trước tòa án Liên Hiệp Quốc

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế (Reuters)
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế (Reuters)

Trọng Nghĩa
Hôm nay 23/01/2013, báo chí Philippines cho biết : Bộ Ngoại giao nước này đã ra thông báo chính thức giải thích về quyết định đưa tranh chấp chủ quyền trên vùng Biển Đông với Trung Quốc ra tòa án Liên Hiệp Quốc. Thông báo này đồng thời kêu gọi người dân Philippines thể hiện tình thần yêu nước và hậu thuẫn cho quyết định của chính phủ.

Sau khi phân tích cụ thể quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế được Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario công khai loan báo hôm qua, hãng tin GMA News đã trích dẫn nguyên văn thông cáo của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh đến ý nghĩa bảo vệ chủ quyền đất nước trong động thái đó : « Nếu ai đó tự tiện xông vào nhà của ta, và tim cách lấy đi một cách bất hợp pháp những gì của ta, thì liệu ta có thể không làm gì để chống lại kẻ xâm nhập hay không? Hành động của chúng ta là nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia và vùng biển của mình ».

Bản thông cáo ngay sau đó đã đưa ra lời kêu gọi : « Mọi người Philippines nên đứng đằng sau Tổng thống để bảo vệ những gì là của chúng ta. Tất cả chúng ta đều nên đoàn kết nhất trí trước toàn thể thế giới để biểu thị vai trò lãnh đạo toàn diện của Tổng thống trên vấn đề này. »

Về nội dung các khiếu nại của Philippines nhắm vào Trung Quốc, công hàm do Trợ lý Ngoại trưởng Teresa Lazaro chuyển cho Đại sứ Trung Quốc tại Manila vào hôm qua nêu rõ là phía Philippines muốn chấm dứt tình trạng Trung Quốc chiếm đóng hay hoạt động tại 8 đảo hay bãi ngầm thuộc chủ quyền Philippines ngoài Biển Đông.

Đó là những thực thể mang tên quốc tế là Mischief Reef, McKennan Reef, Gaven Reef, Subi Reef, Scarborough Shoal, Johnson Reef, Cuarteron Reef và Cross Reef Fiery Reef.

Công hàm của Philippines nói rõ : « Việc chiếm đóng và các hoạt động xây dựng tại các nơi này đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines. ». Không những thế, Manila cũng tố cáo Bắc Kinh cản trở « một cách phi pháp » quyền tự do hàng hải của Philippines khi chiếm cứ các khu vực kể trên.

Theo ghi nhận của hãng GMA News, đơn khiếu nại của Philippines nhắm vào Trung Quốc trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc là một hồ sơ tổng hợp toàn bộ những lời phản đối của chính quyền Manila về các động thái bành trướng của Trung Quốc trong vòng 17 năm gần đây.

Quyết định khiếu nại Trung Quốc của Philippines đã được Liên Hiệp Quốc đón nhận một cách thận trọng. Theo hãng tin Pháp AFP, vào hôm qua, 22/01, khi được hỏi về việc Philippines đã đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ra trước một tòa án của Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết ông đang theo dõi một cách « cẩn thận » vụ việc này.

Ông cho rằng : « Điều quan trọng đối với các nước trong khu vực là giải quyết mọi vấn đề (tranh chấp ngoài Biển Đông) thông qua đối thoại một cách hòa bình và thân thiện ». Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là đinh chế quốc tế này « sẵn sàng trợ giúp đỡ về mặt kỹ thuật và chuyên môn, nhưng điều cơ bản là mọi vấn đề tranh chấp phải được giải quyết giữa các bên liên can ».

Cảnh sát cơ động, công an phường được dừng xe vi phạm!

Ngoài cảnh sát giao thông đeo thẻ xanh, Bộ Công an cho biết, cảnh sát trật tự, cơ động, công an phường... cũng được phép dừng xe vi phạm gia thông và xử phạt.
> CSGT đeo thẻ xanh mới được xử phạt phương tiện / Cảnh sát giao thông phải đeo thẻ xanh 'để dân giám sát'

Chiều 23/1, đại tá Trần Sơn Hà, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết, Bộ Công an ban hành thông tư 45 nhằm quản lý cán bộ, chiến sĩ tốt hơn, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát công khai minh bạch. Cảnh sát giao thông được tập huấn kỹ, cấp giấy chứng nhận và biển hiệu tuần tra kiểm soát.

Theo ông Hà, không chỉ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra mà Luật Giao thông đường bộ quy định, nhiều lực lượng khác cũng được làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, trong đó có cả cảnh sát trật tự, cơ động.

Ảnh:
Ngoài cảnh sát giao thông, các lực lượng khác cũng được phép xử phạt. Ảnh: Tiến Dũng.
"Luật cũng quy định, có thể huy động các lực lượng công an khác, kể cả công an xã vào thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông. Khi huy động lực lượng khác thì phải do cấp có thẩm quyền như Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát, Cục trưởng, giám đốc công an, trưởng công an", ông Hà nói và cho hay, các lực lượng cảnh sát làm theo pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân..

Trước câu hỏi của VnExpress.net về tình trạng lạm quyền khi công an phường, xã, cảnh sát trật tự ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội thích xử phạt vi phạm giao thông hơn là dẹp lấn chiếm vỉa hè, ông Hà cho biết, vỉa hè Hà Nội làm chưa tốt lắm. Còn khi huy động các lực lượng khác thì người ra mệnh lệnh, như trưởng công an phường phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Theo thông tư 45 của Bộ Công an có hiệu lực từ 1/1/2013, chỉ những CSGT mang bảng hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh mới có quyền dừng các phương tiện đang lưu thông để xử lý. Ai không đeo bảng hiệu này mà ra tín hiệu dừng xe đều sai quy định của ngành. Những người được cấp thẻ phải có trình độ trung cấp cảnh sát trở lên và trải qua kỳ sát hạch. Các lực lượng chức năng khác chỉ được xử lý ở lĩnh vực do mình phụ trách hoặc chỉ tham gia hỗ trợ CSGT làm nhiệm vụ trong một thời gian cần thiết khi có điều động. Quy định mới này ngăn chặn khả năng lạm quyền trong việc chặn xe trên đường.
Tiến Dũng

Con trai bí thư xã đánh dã man cụ già có gia cảnh khó khăn

Sáng 23/1, một vụ việc đã khiến hàng trăm người tụ tập phản đối xảy ra tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Một bà cụ tuổi đã cao bị Hoàng Thế Anh, con trai đương kim bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân đánh dã man ngay giữa thanh thiên bạch nhật. 
 
Những người dân chứng kiến vụ việc cho biết, khoảng 8h30' sáng 23/1, bà Hồ Thị Bình (SN 1952) trên đường đi chợ thì gặp Hoàng Thế Anh tại ngã Đồng Nổ, thuộc địa bàn xóm 3, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Do có mâu thuẫn từ trước, nên giữa đôi bên xảy ra tranh cãi. Một lúc sau, người ta trông thấy Hoàng Thế Anh lao vào đấm đá bà Bình túi bụi.
 
Do tuổi cao, bà Bình bị ngã ra đường, máu me đầy mặt. Sau khi đánh dã man cụ già này xong, Hoàng Thế Anh đã thản nhiên lên xe phóng đi.


Bà Bình mặt đầy máu sau khi bị đánh
 
Thấy sự việc gây bất bình, hàng trăm người dân đã tập trung để phản đối. Đám đông yêu cầu cơ quan chức năng phải có mặt và buộc Hoàng Thế Anh đến hiện trường để ký vào văn bản vụ việc. Phải hơn 1 giờ đồng hồ, do sức khỏe của bà Bình mỗi lúc càng yếu đi và dưới sức ép của dư luận, Hoàng Thế Anh mới chịu đến ký vào văn bản xác nhận vụ việc.
Bà Hồ Thị Bình sau đó được đưa vào bệnh viên Đa khoa huyện Hưng Nguyên để cấp cứu. Các bác sỹ cho biết, bà Bình bị chấn thương ở đầu và đang phải theo dõi đặc biệt.
 
Trả lời Nguoiduatin.vn, ông Hồ Văn Vược - trưởng Công an xã Hưng Tân cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, công an xã đã cử người đến hiện trường và cùng với người nhà đưa nạn nhân đi cấp cứu.
 Người dân tập trung để phản đối hành động của con trai bí thư xã 
 
Được biết, bà Hồ Thị Bình là trường hợp khó khăn trong xã. Chồng bà là con liệt sỹ mới mất cách đây không lâu. Sau khi chồng mất, bà ở một mình, sống nương tựa chủ yếu vào bà con hàng xóm. Nguyên nhân của việc Hoàng Thế Anh đánh đập bà Bình được người dân cho biết, xuất phát từ mâu thuẫn đất đai. Bà Bình cho rằng, khi còn làm chủ tịch xã và bây giờ là bí thư đảng ủy, bố của Hoàng Thế Anh đã có những việc làm khuất tất dẫn đến bi kịch mất đất của già đình bà.
Nhà chức trách đang điều tra vụ việc.
                                                                                   Kim Thoa – Hà Hằng

Hàng Tết đua tăng giá



Thứ Ba, 22/01/2013 22:06

Tăng mạnh nhất là các loại rượu bia, thực phẩm, rau củ quả...

Còn hơn 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán nhưng như đến hẹn lại lên, giá nhiều mặt hàng trên thị trường đang nhích dần.
Đua nhau đẩy giá
Sau một thời gian dài yên ắng, từ giữa tháng 1-2013, giá bia đột ngột tăng.  Bia Sài Gòn đỏ, Sài Gòn Special và 333 đã được Công ty TNHH MTV Sabeco (Satraco) – đơn vị phân phối chính sản phẩm của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - tăng khoảng 5%. Ngay sau công bố này, giá bia trên thị trường tăng khá mạnh. Giá bia 333 đã tăng từ 190.000 đồng/thùng lên 215.000 đồng/thùng...
Sau khi Sabeco tăng giá bia, nhiều loại bia khác cũng tăng theo 
Ảnh: HỒNG THÚY
Bia của Sabeco tăng đã kéo các loại bia khác tăng theo như bia Tiger tăng khoảng 7%, bia Heineken mặc dù chưa tăng giá từ đầu nguồn nhưng tại các đại lý cũng đồng loạt nhích lên. Trung bình, giá bia các loại tăng thêm 10.000 – 15.000 đồng/thùng hoặc két. Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh - TPHCM, cho biết nhà cung cấp đã thông báo tăng giá bia 333 và Tiger, riêng bia Heineken vẫn giữ giá cũ.
Các mặt hàng bánh mứt tăng khoảng 10% so với Tết năm 2012 
Ảnh: HỒNG THÚY
Thế nhưng, từ cuối tuần trước đến nay, siêu thị không còn thùng bia Heineken nào để bán vì nhà cung cấp không giao hàng. “Chúng tôi đã chuyển tiền thanh toán trước, điện thoại hối thúc nhưng họ báo là không có hàng giao. Rót hàng nhỏ giọt kiểu này, giá bia Heineken trên thị trường trước sau cũng sẽ tăng” – ông Huỳnh Hữu Tuấn nói.
Không tăng “nóng” như bia nhưng giá nhiều mặt hàng phục vụ Tết cũng đang nhích lên. Từ cuối tháng 12-2012, giá một số mặt hàng gia vị, dầu ăn… đã tăng 2% - 5%. Khoảng 1 tuần nay, giá các loại kẹo mứt Tết, hạt điều, tôm khô, khô mực… cũng tăng 3% - 10%...
Một số hộ chăn nuôi, kinh doanh gà ở khu vực miền Tây, miền Đông Nam Bộ cho biết giá gà ta, gà thả vườn tuần qua tăng khoảng 10% -15%. Tại các chợ ở TPHCM, giá gà, vịt nguyên con đã tăng thêm 10%-15%: vịt 80.000 đồng/kg, gà ta 140.000 đồng/kg...
Hà Nội: Loạn giá rau
Mặc dù Hà Nội đã qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhưng giá rau quả, thực phẩm ở các chợ vẫn tăng chóng mặt. Theo khảo sát, hầu hết rau xanh bán tại các chợ đều tăng giá khoảng 30% - 50% so với những ngày đầu tháng 1-2013. Tại chợ Trung Kính, chợ Cầu Lủ, Kim Liên, Nam Đồng, giá bắp cải trắng khoảng 13.000-15.000 đồng/kg, su hào 7.000 đồng/củ, cà chua 14.000-16.000 đồng/kg. Ngay cả loại rau gia vị ghi nhận ngày 21-1 so với thời điểm tuần trước cũng tăng khoảng 20%.
Theo nhiều nông dân tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Thường Tín…, giá rau tại ruộng bán cho thương lái chỉ tăng khoảng vài ngàn đồng/kg để bù vào chi phí chăm sóc, tưới bón trong những ngày rét. Tuy nhiên, đến tay người tiêu dùng giá tăng cao là do giới tiểu thương nâng giá.
Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, sắp tới, dự báo tình hình thời tiết không quá khắc nghiệt, rau củ tại vườn sẽ phát triển trở lại nên giá có thể giảm.
 Nỗ lực giảm giá hàng bình ổn
Chiều 21-1, Sở Tài chính TPHCM đã làm việc với các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đường và quyết định từ ngày 23-1 sẽ giảm giá đường RE thêm 500 đồng/kg, đường RS giảm trên 1.000 đồng/kg. Theo kế hoạch, 7 ngày trước Tết, giá gà công nghiệp, gà thả vườn của các doanh nghiệp bình ổn sẽ giảm 2.000 đồng/kg; 2 ngày cuối năm, thịt heo bình ổn sẽ giảm giá 5%... Dự kiến, giá trứng bình ổn cũng sẽ giảm trong ngày 28 và 29 tháng chạp. 
T.Nhân

NHÓM PHÓNG VIÊN

Toàn cảnh vụ "Đà Nẵng thất thoát 3.400 tỷ đồng"



(Kienthuc.net.vn) - Dồn dập trong vòng 3 ngày(17/1-191), hàng loạt các văn bản, công văn, ý kiến đã được công bố rộng rãi về vấn đề Thanh tra chính phủ kết luận Đà Nẵng thất thoát 3.400 tỷ đồng.


Ngày 17/1, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận Đà Nẵng thất thoát 3.400 tỉ đồng


Đây là  kết luận thanh tra về trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra và quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.

Theo kết luận, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất... không tuân thủ quy định của pháp luật ở Đà Nẵng đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính. UBND TP Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất cho các hộ được bố trí đất tái định cư, tổ chức cá nhân được giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không đúng, gây thất thu ngân sách hơn 446 tỷ đồng (đối với các hộ tái định cư) và hơn 867 tỷ đồng (đối với các tổ chức, cá nhân khác).

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, các tổ chức và cá nhân có liên quan trong giai đoạn 2003 – 2011, do đã vi phạm quy định về quản lý đất đai, gây thất thu cho ngân sách hơn 3.434 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố thu hồi về cho ngân sách thành phố hơn 1.486 tỷ đồng đối với các nhà đầu tư do tính thiếu diện tích thu tiền sử dụng đất, xác định sai giá trị thu… và hơn 867 tỷ đồng do đã giảm 10% tiền sử dụng đất sai đối tượng.

 
Ngày 18/1, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phủ nhận kết luận của thanh tra Chính Phủ và cho rằng việc công bố là "bất ngờ, bất thường"

Ngày 18/1, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký văn bản phản hồi kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong quản lý đất đai ở Đà Nẵng làm thất thoát hơn 3.400 tỉ đồng. Tại văn bản này, chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, hầu hết nội dung trong kết luận của Thanh tra Chính phủ là không chính xác, không có cơ sở. Các dự án giao đất mà thành phố cho là có sai phạm đều được thực hiện theo đúng quy định của luật đất đai và trong thẩm quyền của thành phố.

Theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, đây không phải là giải trình đầu tiên của lãnh đạo Đà Nẵng gửi Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đà Nẵng đã nhiều lần giải trình trực tiếp, gửi văn bản chi tiết, song không thống nhất được với Thanh tra Chính phủ.

Đặc biệt, theo ông Chiến, việc Thanh tra Chính phủ công bố rộng rãi kết luận vắn tắt của mình về những sai phạm đất đai ở Đà Nẵng là hết sức bất ngờ, bất thường. Bất ngờ vì thanh tra đã lâu, bây giờ đột ngột công bố. Bất thường là vì trong khi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho các bộ ngành kiểm tra, cho ý kiến, nhưng đến nay các bước đó chưa được triển khai thì Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận.

Quan điểm của Đà Nẵng là sẽ tiếp tục bảo vệ cái đúng của mình, chưa thể xử lý cán bộ như thông báo từ kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Chiều 18/1, ông Nguyễn Bá Thanh lên tiếng

Chiều 18/1, Bí thư thành ủy Đà Nẵng – Trưởng ban Nội Chính Trung ương cũng lên tiếng về kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định những kết luận sai phạm về quản lý đất đai gây thất thoát nguồn ngân sách nhà nước của Thanh tra Chính phủ là không có cơ sở, thiếu tính thuyết phục và không đi sát với thực tế. Việc đồng ý giảm, tăng hoặc giữ nguyên theo đề nghị của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố là việc làm bình thường và đúng thẩm quyền của UBND.

Ngày 19/1, "chưa nhận được bất kỳ công văn phản hồi nào của Đà Nẵng"

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 19/1, một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này chưa nhận được bất kỳ công văn phản hồi nào của Đà Nẵng. Theo cán bộ này, trước đây Đà Nẵng đã có giải trình mấy chục trang nhưng Thanh tra Chính phủ không chấp nhận. Vị lãnh đạo này còn khẳng định qua thanh tra cho thấy có những vi phạm pháp luật trầm trọng. Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, trước khi kết luận cũng thẩm định rồi, sau đó mới cho phép công khai kết luận.

Chiều 19/1, Vụ phó Vụ Theo dõi khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng (Văng phòng Chính phủ) Đỗ Văn Dũng trả lời ý kiến về việc công bố kết luận "bất ngờ, bất thường".
Chiều 19/1, trả lời phỏng vấn VNE, Vụ phó Vụ Theo dõi khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng (Văng phòng Chính phủ) Đỗ Văn Dũng, người trực tiếp theo dõi và xử lý hồ sơ về thanh tra Đà Nẵng, cho biết không ít trường hợp đơn vị được thanh tra không đồng tình với kết luận thanh tra. Các kết luận của thanh tra cũng như việc giải quyết sau kết luận thanh tra phải căn cứ vào quy định của pháp luật.

Về việc Thanh tra Chính phủ không công bố kết luận thanh tra Đà Nẵng từ tháng 11, ông Dũng cho biết, theo quy định, khi chưa có kết luận cuối cùng, các tài liệu đều đóng dấu mật. Sau khi có ý kiến Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ hoàn toàn chủ động trong việc công bố kết luận thanh tra Đà Nẵng. "Nhiều trường hợp, như kết luận thanh tra Ngân hàng phát triển, sau 4 tháng mới được công bố", ông Dũng nói

Ông Dũng cho biết, trong trường hợp kết luận thanh tra Đà Nẵng, ban đầu Thanh tra Chính phủ đóng dấu mật, sau đó ngày 11/1 Thanh tra Chính phủ có văn bản báo cáo Thủ tướng là thanh tra rà soát, nghiên cứu thấy rằng các nội dung của kết luận thanh tra đến nay không còn thuộc danh mục bí mật nên đề nghị Thủ tướng cho phép công khai kết luận thanh tra. Thủ tướng có ý kiến trả lời đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

"Văn bản ngày 11/1 của Thanh tra Chính phủ đóng dấu “Hỏa Tốc” nên theo quy định Văn phòng Chính phủ phải xử lý ngay. Ngày 13/11 (chủ nhật), Thủ tướng có ý kiến thì Văn phòng Chính phủ phải ra văn bản thông báo ngay, bất kể đó là ngày nghỉ, ngày lễ. Việc này không có gì bất thường", ông Đỗ Văn Dũng nói.

Thuần Lương (T.H)

Chuyên gia lên tiếng vụ thương lái TQ mua phân trâu bò



(Kienthuc.net.vn) - Về việc thu gom phân trâu bò, nếu xuất hiện ăn thức ăn lạ, nuôi giống trâu bò mới… thì người dân phải báo ngay chính quyền địa phương hoặc người có chuyên môn.


Như Kiến Thức đã đưa tin, thời gian gần đây, tại khu vực chợ ngã ba biên giới giữa 3 nước Việt-Trung-Lào ở A Pa Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có hiện tượng tư thương Trung Quốc thu mua phân trâu bò. Theo đó, hàng sáng, bà con một số bản giáp biên ở A Pa Chải lại nối đuôi nhau, chất đầy các bao phân trâu khô mang bán. Bình quân mỗi bao phân trâu khô khoảng 15 kg được tư thương Trung Quốc trả khoảng 60.000 đồng. Số phân trâu khô này được bà con thu gom ở các đồi núi, khu chăn thả gia súc trong vùng.

Theo câu giải thích của tư thương Trung Quốc, họ mua phân trâu bò về để bón cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Thế nhưng, sau một loạt vụ thu mua "bất thường" của thương lái Trung Quốc rồi để người dân địa phương giải quyết hậu quả như mua đỉa, dây gai, hạt chè, rễ sim… dư luận tiếp tục lo ngại về việc mua bán thứ bỏ đi này. 

Cũng có người đã lo lắng, liệu rằng thương lái Trung Quốc có tác động để bán một loại thức ăn, chất kích thích để trâu bò thải ra lượng phân nhiều hơn tự nhiên, rồi làm giảm sức kéo… ảnh hưởng đến việc canh tác, chăn nuôi? 

 Ảnh minh họa
Trao đổi với Kiến Thức, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, từng có chuyện mua bán phân trâu, bò ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa vào năm 2007. Loại phân này rất tốt cho việc trồng rau, hoa nên các chủ vườn ở Đà Lạt, Lâm Đồng đã phải đi hơn 100km để thu mua. Do đó, sau khi dùng đủ cho việc trồng trọt, người dân địa phương đã gom loại phân này lại để bán cho các chủ vườn Đà Lạt.

Theo đó, ông Vang cho rằng, mục đích mua phân trâu bò của thương lái Trung Quốc ở khu vực A Pa Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên cũng có mục đích là để bón cho cây trồng. Nếu thương lái Trung Quốc chỉ đơn thuần thu mua phân trâu bò thì không gây thiệt hại cho người dân bởi nó không phải “mặt hàng” phải sản xuất như hạt chè, dây gai, đỉa, bèo….

Tuy nhiên, nếu người dân vì quá ham cái lợi trước mắt mà không để lại lượng phân đủ để bón cho đất, cây trồng sẽ khiến đất bị mất nguồn dinh dưỡng, khô cằn, giảm năng suất của cây trồng. Điều ông Vang cho rằng đáng lo nhất là thương lái Trung Quốc mượn cớ đi mua phân trâu bò để ngó nghiêng, thăm dò tình hình địa phương. Do đó, lực lượng an ninh và chính quyền địa phương cần phải theo dõi chặt chẽ, nắm bắt được mọi động thái của người lạ đến địa phương và ngăn chặn kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường. 

Đồng quan điểm, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng, mua phân trâu bò là hành động bình thường. Mục đích thu mua của những thương lái Trung Quốc có thể là để làm phân bón cho cây trồng như cà phê, cao su,… Những loại cây trồng này rất cần phân hữu cơ. Cũng có thể họ mua phân trâu bò về nuôi giun hoặc dùng để đun nấu. Tuy nhiên, người dân cũng nên quan sát, đề phòng việc buôn bán phân có thể làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường nếu việc thu gom thực hiện không gọn gàng, sạch sẽ.

Ông Giao cũng cho rằng, nếu do không dùng hết, người dân thu gom lượng phân trâu bò thải ra tự nhiên bán cho thương lái thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc nuôi trồng của bà con địa phương.  Thế nhưng, chính quyền, lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương nên theo dõi chặt chẽ việc mua bán, khuyến cáo người dân không vì cái lợi đồng tiền thu được trước mắt mà không chăm bón cho cây trồng, mảnh ruộng nhà mình. 

Ngoài ra, nếu có sự tác động từ thương lái đến gia súc như cho ăn thức ăn lạ, nuôi giống trâu bò mới… thì người dân phải báo ngay chính quyền địa phương hoặc người có chuyên môn để kịp thời ngăn chặn.

Khánh Tường

Bắt 4 tấn nầm thối, gà thải Trung Quốc tuồn vào Thủ đô



(Kienthuc.net.vn) - Một xe ô tô tải chở khoảng 1 tấn nầm lợn thối và gần 3 tấn gà thải đang tiến vào Thủ đô để tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Vụ việc được phát hiện xảy ra vào khoảng 4h ngày 22/1, tại quốc lộ 1B thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tại thời điểm kể trên,  Phòng 6, Cục CSĐT tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp với Tổ công tác tuyến (Công an Hà Nội) và Đội 11, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành tuần tra, bất ngờ phát hiện chiếc xe ô tô tải mang BKS: 29X-1702 lưu thông theo hướng từ Lạng Sơn về Hà Nội có biểu hiện nghi vấn, ngay lập tức tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính theo đúng luật định.
 Chiếc xe chở gà thải và nầm lợn thối.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện phía thùng xe chứa đầy gà thải Trung Quốc và nầm lợn đang trong quá trình phân huỷ. Lúc này, lái xe Hà Văn Bích (40 tuổi) và phụ xe Nguyễn Văn Thành (31 tuổi) đều ở thôn Lược, xã Dĩnh Kế, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.
 Nhiều con gà thải đã bị chết.
Tuy nhiên, lái xe Bích khai nhận: “Số hàng trên xe tôi được một người tên là Nguyễn Văn Dũng (ở Xóm Hạc, xã Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) thuê chở xuống chợ gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín, Hà Nội). Tôi chỉ là người lái xe thuê, chiếc xe tải chở hàng cũng là của Dũng”.  

Ngay sau đó tổ công tác đưa toàn bộ số hàng và phương tiện về trụ sở Đội 11 – Chi Cục QLTT Hà Nội để làm rõ. 
 Cơ quan chức năng kiểm tra nầm lợn thối và gà thải.
Tại đây, tổ công tác kiểm đếm trên thùng xe tải chứa 18 thùng xốp đựng nầm lợn có trọng lượng gần một tấn và 96 lồng gà tương đương khoảng 3 tấn. Toàn bộ số nầm lợn đều được tẩm chất hoá học để bảo quản và có dán tem mác chữ Trung Quốc. Còn những lồng gà đều là những con gà mái đẻ bị thải loại. Nhiều con gà đã chết và bốc mùi hôi thối.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ.

Hải Ngọc

Moi dừa phế thải trong thùng rác về làm...mứt dừa



Dừa phế thải trong các thùng rác, vương vãi ven lề đường được một số người thu gom bán cho các cơ sở chế biến mứt tết. Loại nguyên liệu bẩn này sau khi chế biến được đóng gói tung ra thị trường.

Ngày 6/1, một phụ nữ tên Liên vừa đi nhặt rác vừa thu gom vỏ dừa phế thải dọc công viên 30-4 (Q.1, TP.HCM), cho biết: “Gần tết, loại dừa phế thải này hút hàng lắm. Bình thường chẳng ai lấy nhưng những tháng cận tết, nhiều người đi thu gom loại dừa này về làm mứt. Nhìn dơ vậy chứ về làm ra mứt thơm ngon lắm”.

Điểm chế biến mứt từ dừa phế thải của bà Dung nằm trên đường Trần Quốc Toản, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.

Thu gom dừa rác...

Khi khách uống nước dừa ném vỏ ven các con đường vào công viên, dưới các gốc cây hay trong thùng rác đều được bà Liên thu gom. Gần 18g, bà Liên cúi nhặt hai vỏ dừa ruồi nhặng bu đầy bên thùng rác ven đường Hàn Thuyên, ngoảnh lên khoe: “Tuần rồi, tui bán dừa phế thải được hơn 600.000 đồng lận đó”. Nói đến đó, thấy hai thanh niên cầm vỏ dừa bỏ vào thùng rác, bà Liên nhanh chân chạy lại nhặt và bỏ vào một bao tải chờ người đến thu gom.

Ngày 9/1, chúng tôi bám theo chiếc xe ba gác của Tùng, một thanh niên chuyên thu gom dừa ở cổng bệnh viện, trường học, công viên và các xe bán nước lề đường. Lúc này, Tùng chạy qua khu vực quán nước trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy thu gom hơn 40 vỏ dừa, rồi tiếp tục chạy ra đường Nguyễn Tri Phương ghé vào lấy vỏ dừa tại quán cà phê TN. Lúc này, thấy thùng rác gần khu vực vòng xoay đường Nguyễn Tri Phương có bốn vỏ dừa đã úa màu vàng, Tùng nhanh chóng xuống xe thu gom rồi chạy về nhà trọ trên đường Lạc Long Quân, Q.11 để giao cho các cơ sở làm mứt tết. Tùng cho biết: “Họ uống xong, ném vỏ thì mình nhặt đem đi bán lại cho các cơ sở sản xuất mứt tết ở Xóm Đất”.

 Điểm chế biến mứt từ dừa phế thải của bà Dung nằm trên đường Trần Quốc Toản, Q.3, TP.HCM
Một trong những điểm thu mua dừa thải về làm mứt tết là lò bà Dung. Điểm thu mua và sơ chế mứt dừa của bà Dung nằm ngay góc đường Trần Quốc Toản và Nguyễn Văn Trỗi, Q.3. Hằng ngày bà Dung và những người làm mứt dừa ở lò này đi thu gom những trái dừa từ các đầu mối “chân rết”. Hầu hết những đầu mối này đều đi gom vỏ dừa của khách ven đường sau khi uống hết nước bị quẳng vào những thùng rác hay lề đường hoặc từ những người chuyên đi thu gom dừa bẩn từ xe đẩy bán với giá 2.000 đồng/trái. Khoảng 16g hằng ngày, bà Dung sử dụng xe máy chở những bao dừa đã uống chỉ còn vỏ và cơm về góc đường Trần Quốc Toản, Q.3. Tại đây, bà và nhân viên ngồi bóc tách cơm dừa, vừa bán mứt dừa thành phẩm.

Ngày 16/1, bà Dung cùng hai phụ nữ tập kết hàng loạt bao dừa phế thải. Nhiều trái dừa đã bốc mùi chua được bà Dung đổ thẳng từ bao thu gom xuống lề đường. Không ít trái dừa bị bể, cơm dừa dính đầy đất bụi được bà dùng giấy vệ sinh lau sơ sài. Nhiều trái dừa được bổ ra tách lấy cơm đã mốc, kiến bám đầy. Theo tìm hiểu, mỗi ngày bà Dung thu gom về “lò” được khoảng vài trăm quả dừa. Sau khi nạo dừa ở lề đường Trần Quốc Toản, bà Dung mang dừa về nhà tiếp tục chế biến.

Người ăn có thấy đâu mà sợ!

Ngày 2/1, chúng tôi tiếp cận lò sản xuất mứt tết Phước Thành (199 Xóm Đất, Q.11). Lúc này trời mưa lớn. Ngay ven đường, hàng loạt thùng phuy nhựa loại lớn ngâm đầy nguyên liệu làm mứt. Xác ruồi nhặng nổi lềnh bềnh trên mặt thùng. Cơm dừa cắt thành sợi được các công nhân ở đây ngâm vào một thùng vôi đặc quánh. Bên trong cơ sở, bốn công nhân nữ tay trần đang tráng đường cho mứt. Một công nhân tên Phương cho biết: “Phải ngâm nhiều vôi cho nó mềm”.

Trưa 16/1, chúng tôi tiếp tục tiếp cận các công đoạn chế biến của cơ sở này. Lúc này ông Phương, nhân viên cơ sở, đang hì hục vớt bí từ các thùng nhựa. Khoảng 10 phút sau, ông Phương nghiêng thùng đổ tháo nước vôi xuống miệng cống ven đường. Số nguyên liệu mứt bí còn sót lại trong thùng chảy tràn ra miệng cống. Ông Phương nhanh chóng móc từng miếng bí đang mắc kẹt ở miệng cống hôi thối thản nhiên đem bỏ lại vào thùng nguyên liệu chờ tẩm đường.

Theo tìm hiểu, lò bà Thu trên đường Bùi Minh Trực (P.2, Q.8) là nơi chuyên cung cấp cơm dừa cho cơ sở Phước Thành. Tại đây, dừa được làm khá mất vệ sinh. Hàng trăm trái dừa khô, dừa non được sáu công nhân hì hục móc cơm và quẳng xuống vỉa hè lấm lem đất cát. Cạnh đó, những thùng nước dừa bẩn để cạnh đống vỏ dừa ruồi nhặng bám đầy. Được biết, mỗi ngày lò của bà Thu bán khoảng 4-5 tạ cơm dừa cho một số cơ sở làm mứt với giá 32.000-38.000 đồng/kg. Bà Thu thường bỏ mối khoảng 160kg dừa cho cơ sở mứt Phước Thành mỗi ngày. Sau khi chế biến xong, cơ sở Phước Thành cho đóng thành gói với thương hiệu mứt dừa “Phước Thành” để bỏ mối cho nhiều đại lý, cửa hàng trên địa bàn TP. Trước đây, cơ sở này đã nhiều lần bị kiểm tra, xử phạt, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động nhưng đến nay vẫn ngang nhiên chế biến “mứt bẩn” công khai bên lề đường.

Tại khu cư xá Đường sắt (P.1, Q.3), nơi chuyên sản xuất các loại mứt me, mứt mãng cầu, cũng có không ít cơ sở chế biến “siêu bẩn”. Khắp các con hẻm Bàn Cờ chật chội, nhiều đống me được đổ ngay cạnh miệng cống bốc mùi hôi thối. Hầu hết các con hẻm nhỏ ở đây được tận dụng tối đa làm chỗ sản xuất mứt tết. Bà Nguyệt, một người làm mứt thủ công tại cư xá, cho biết: “Do nhà chật chội nên tụi tui phải mang mứt me ra hẻm làm cho tiện. Người ăn có nhìn thấy đâu mà sợ”.

Tại căn nhà chưa đầy 15m2 của bà Thu cạnh một con hẻm của lối vào cư xá, ba thanh niên cởi trần, tay không nhào nặn từng mẻ mứt mãng cầu. Phía dưới là nền gạch bông nhớp nháp đất cát, vỏ me, các vật dụng thau chậu. Ba thùng ngâm nguyên liệu làm mứt loại lớn được bà Thu đặt ngay bên con hẻm. Loại mứt mãng cầu chế biến ở đây được đóng gói ngay bên lề đường và bán lẻ cho các điểm bán mứt tết ở những khu lân cận. Cơ sở của bà Thu đã bị đoàn kiểm tra liên ngành Q.3 xử phạt nhiều lỗi về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng sau đó lại tiếp tục sản xuất.

Theo Tuổi trẻ