THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 January 2013

Thêm 22 người ra tòa ở Việt Nam vì tội 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền'

Thêm 22 người ra tòa ở Việt Nam vì tội 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền'


Việt Nam truy tố 22 người tội 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền'

Trà Mi-VOA

28.01.2013

22 thành viên của tổ chức mang tên Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn ở Phú Yên ngày 28/1 bị đưa ra tòa với cáo buộc 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'. Đây là một trong những phiên xử tội “phản động” tại Việt Nam có số bị cáo đông nhất trong những năm gần đây.

Tổ chức này do ông Phan Văn Thu, tức Trần Công, 65 tuổi, sáng lập. Ông Thu bị bắt hồi tháng 2 năm ngoái.

Việt Nam nói tổ chức này mượn hoạt động kinh doanh khu du lịch sinh thái Đá Bia ở huyện Đông Hòa tỉnh Phú Yên, biến nơi này làm căn cứ địa chỉ huy các hoạt động chống phá nhà nước từ năm 2003 đến tháng 2 năm ngoái.

Ông Phan Văn Thu cũng được xem là người lập ra "Ân đàn đại đạo" vào cuối thập niên 60 và từng bị bắt đi cải tạo từ năm 1975 đến năm 1983 vì bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.

Một thành viên trong Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn từng làm việc tại khu du lịch sinh thái Đá Bia từ năm 2004 đến năm 2011 và từng bị bắt điều tra nhưng không bị truy tố là ông Nguyễn Tấn Xê. Ông Xê nói về Hội đồng mà ông tham gia:

“Ðặt là Hội đồng Công luật tại vì cộng đồng hợp lại là việc thiện lành. Công luật là lấy sự công bằng của luật chí công để trở về tính chân, thiện, mỹ. Ông trích dẫn những câu kinh đó rồi anh em bắt đầu in ấn ra để học, học để trở về tính chân, thiện, mỹ.”

Theo cáo trạng do báo chí trong nước trích thuật, Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn là tổ chức chính trị “bất bạo động” với khoảng 300 thành viên đã biên soạn nhiều tài liệu “xuyên tạc chính sách của đảng”, “nói xấu chế độ”, làm lung lạc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản để thành lập nhà nước “Đại Nam Kinh Châu”.

Chúng tôi chỉ nhận điểm đó để nuôi trồng rừng. Khi chúng tôi thấy đẹp để mở khu du lịch sinh thái thì đùng một cái bắt chúng tôi, bảo chúng tôi là ‘âm mưu lật đổ chính quyền... Chúng tôi là những người tu hành. Có một số anh em góp vô để đầu tư cho đẹp khu du lịch mà bây giờ Nhà nước Việt Nam nói là tiền của nước ngoài đưa về...

Thân phụ của bị can Nguyễn Thái Bình
Bố của bị can Nguyễn Thái Bình, một trong số 22 thành viên của tổ chức bị xét xử, ông Nguyễn Tấn Xê, phản bác những cáo buộc của nhà nước:
“Chúng tôi chỉ nhận điểm đó để nuôi trồng rừng. Khi chúng tôi thấy đẹp để mở khu du lịch sinh thái thì đùng một cái bắt chúng tôi, bảo chúng tôi là ‘âm mưu lật đổ chính quyền.’ Chúng tôi thành lập khu du lịch sinh thái từ năm 2004, còn 2003 thì nhận nuôi trồng rừng. Chúng tôi là những người tu hành. Có một số anh em góp vô để đầu tư cho đẹp khu du lịch mà bây giờ Nhà nước Việt Nam nói là tiền của nước ngoài đưa về. Tiền của chúng tôi là đồng tiền tích cóp để xây dựng nên một khu vực đẹp ở tỉnh Phú Yên. Chúng tôi là những người thiện lành, làm những điều thiện lành chứ không có dạy một cái gì để mà bảo chúng tôi là ‘âm mưu lật đổ.’ Chúng tôi không có một tấc thiếc trong tay mà nói chúng tôi ‘lật đổ’ là ‘lật đổ’ làm sao? Nỗi oan này chúng tôi không biết kêu vào đâu.”


Ông Xê cũng cho biết các bị can trong phiên sơ thẩm này không thuê luật sư.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cho rằng những người này bị xử án chỉ vì niềm tin và bày tỏ niềm tin của mình.

"Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch hết sức quan ngại vì một lần nữa nhà cầm quyền Việt Nam lại dùng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia để quy chụp người ta tội phản động và đưa ra xét xử theo những cách thức vi phạm những nhân quyền căn bản của công dân."

Trước vụ án này, hàng chục người khác trong nước đã bị giam cầm hoặc tuyên án tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước” hay “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vì các hoạt động mà giới bảo vệ nhân quyền gọi là cổ xúy cho nhân quyền và dân chủ tại một quốc gia độc đảng như Việt Nam.

Mới hôm 9/1, Hà Nội tuyên phạt tổng cộng 83 năm tù đối với 13 nhà hoạt động Công giáo và Tin lành với các bản án cao nhất lên tới 13 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Vụ án này đang gây bất bình công luận với sự phản đối mạnh mẽ từ thế giới trong đó có Hoa Kỳ, Pháp, Liên hiệp Châu Âu và cả Liên hiệp quốc.

Giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới nói kể từ cuối năm 2009 tới nay, Việt Nam đã mở thêm một chiến dịch mới mạnh tay trấn áp quyền tự do ngôn luận của công dân, bóp nghẹt những tiếng bất đồng quan điểm với nhà nước bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc sắp tung 200 tàu cá ra biển Đông

Bắc Kinh tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép cho cái gọi là “TP.Tam Sa” và lên kế hoạch lập đội tàu đánh bắt ở khu vực.
Ngày 28.1, báo China Daily đưa tin, giới chức của cái gọi là thành phố Tam Sa tuyên bố sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong năm nay. Họ đang lên kế hoạch đội tàu cá gồm 200 chiếc chuyên đánh bắt ở các vùng biển xung quanh “TP.Tam Sa”. Đây vốn là đơn vị hành chính phi pháp do Trung Quốc đơn phương lập ra hồi tháng 7.2012, tự cho mình quyền quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Lễ khởi công một công trình phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm
Lễ khởi công một công trình phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm  - Ảnh: Chinanews 
Ngoài ra, giới chức Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng và vẽ bản đồ khu vực để có thể hoàn tất trong năm nay. “Thị trưởng Tam Sa” Tiêu Kiệt nói: “Trong năm nay, chúng tôi sẽ hoàn tất vận hành giai đoạn một của cảng mới ở đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa - NV), nhà máy lọc nước biển, nhà máy xử lý chất thải…”. Để hỗ trợ cho các kế hoạch phi pháp nói trên, Trung Quốc sẽ hoàn tất một tàu tiếp tế mang tên Tam Sa 1 có độ choán nước 8.100 tấn vào năm 2014 nhằm vận chuyển vật liệu đến đảo Phú Lâm. Các động thái này rõ ràng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự giữa lúc nước này đang có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và Hoa Đông. Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc vừa tiến hành thử nghiệm đánh chặn tên lửa, đồng thời tuyên bố thử nghiệm thành công máy bay vận tải quân sự cỡ lớn Y-20. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể dùng Y-20 cho các cuộc viễn chinh, nhưng tỏ ra nghi ngờ về khả năng thật sự của loại máy bay này. Trong một diễn biến liên quan, ITAR-TASS dẫn lời đại diện Công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport bác bỏ thông tin rằng nước này đã chấp nhận đơn đặt hàng 36 máy bay ném bom Tu-22M3 trị giá 1,5 tỉ USD từ Trung Quốc.

Không lực Nhật giám sát Senkaku/Điếu Ngư
Ngày 28.1, báo Yomiuri Shimbun đưa tin Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) của Nhật vừa quyết định giám sát quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư 24/24 giờ nhằm ngăn chặn máy bay Trung Quốc tiếp cận. Theo đó, ASDF đã triển khai 4 máy bay được trang bị hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không và 13 máy bay do thám cảnh báo sớm E2C. Ngoài ra, ngày 27.1, Nhật đã phóng thành công 2 vệ tinh do thám vào quỹ đạo.
Cùng ngày, Trung Quốc công bố 4 sách trắng về nhiều lĩnh vực như tư pháp, môi trường, chủ quyền... Trong đó, có văn kiện “Đảo Điếu Ngư, vùng lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc” về quần đảo tranh chấp với Nhật. Tokyo chưa có phản ứng về sách trắng này.
Minh Trung
Văn Khoa

Lừa "chạy" trường giá 250 triệu đồng

Ngày 28.1, Công an TX.Dĩ An (Bình Dương) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Thị Năm (32 tuổi, quê Thanh Hóa) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo điều tra, khoảng tháng 3.2012, ông Đ.T.L (65 tuổi, quê Đồng Nai) được một người quen giới thiệu gặp Lê Thị Năm (trú tại P.Đông Hòa, TX.Dĩ An) để "chạy" cho con vào học Trường Sĩ quan Lục quân 2 với giá 250 triệu đồng. Ông L. đã giao trước 200 triệu đồng (trong đó 100 triệu đồng có ghi giấy biên nhận) cho Năm. Số tiền còn lại, Năm hẹn ông L. sau khi có giấy báo nhập học phải “chung” đủ. Tuy nhiên, đến tháng 7.2012, con ông L. thi rớt Trường Sĩ quan Lục quân 2. Lúc này, ông L. điện thoại hỏi thì Năm tắt máy và bỏ trốn. Trong thời gian này thỉnh thoảng Năm nhắn tin cho ông L. hứa trả lại số tiền 200 triệu đồng. Thế nhưng, đến đầu năm 2013, Năm vẫn chưa trả số tiền này nên ông L. tố cáo ra công an.
Ngày 11.1, Cơ quan CSĐT Công an TX.Dĩ An đã tiến hành bắt và khám xét nơi ở của Năm (P.Đông Hòa), thu thập thêm nhiều tài liệu chứng cứ thể hiện Năm đã nhận tiền để lo cho nhiều người vào học ở các trường Sĩ quan Lục quân 2, ĐH Y Tây Nguyên, ĐH Y Dược TP.HCM... Tại công an, Năm khai nhận đã mua một bằng cử nhân kinh tế và chứng chỉ ngoại ngữ với giá 4 triệu đồng để “tạo dựng” lòng tin với những người liên hệ chạy trường. Quá trình điều tra, công an còn thu thập được chứng cứ Năm đã 4 lần nhận 120 triệu đồng để “chạy án” cho bố vợ của ông N.V.T (32 tuổi, ngụ TP.HCM) đang bị Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giam để điều tra hành vi hủy hoại rừng.
Cơ quan điều tra thông báo ai là nạn nhân của Lê Thị Năm liên hệ với Công an TX.Dĩ An để tố giác tội phạm.
Đỗ Trường

Một km đường cao tốc tốn 28,2 triệu USD !

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về suất vốn đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại VN (ngày 23.1) gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, suất đầu tư đường cao tốc từ 7,4 - 28,2 triệu USD/km. 
Theo Bộ Xây dựng, nếu quy đổi về mặt bằng giá trong quý 2/2012 thì suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc 4 làn xe ở khu vực miền núi, trung du phía bắc bình quân là 7,4 triệu USD/km; khu vực miền Trung và Nam Trung bộ khoảng 10,5 triệu USD/km; khu vực đồng bằng Bắc bộ là 10,6 triệu USD/km; khu vực đồng bằng Nam bộ là 17,2 triệu USD/km. Những tuyến đi qua vùng có địa hình, địa chất đặc biệt như tuyến Bến Lức - Long Thành thì suất đầu tư lên đến 28,2 triệu USD/km.
Càng nghịch lý hơn là chi phí làm đường thì quá cao trong khi chất lượng đường cao tốc lại thấp, tuổi thọ kém hơn nhiều các nước
TS Phạm Xuân Mai,
Khoa Kỹ thuật giao thông Đại học Bách khoa TP.HCM
1.001 lý do tốn kém
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn lý giải cùng là điều kiện địa hình đồng bằng nhưng suất chi phí xây dựng bình quân cho 1 km đường phụ thuộc rất nhiều vào tỷ trọng chi phí cầu, hầm, xử lý nền đất yếu... Với điều kiện tự nhiên đặc thù như địa hình phức tạp, bị chia cắt với nhiều sông và kênh rạch, chế độ thủy văn phức tạp nên các tuyến đường cao tốc tại khu vực đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ phải xây dựng nhiều công trình cầu, cống; Chi phí xây dựng công trình cầu chiếm bình quân từ 20 - 25% tổng mức đầu tư; Cá biệt có những tuyến chiếm tới trên 50% tổng mức đầu tư như tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành. Đồng thời do điều kiện địa chất phức tạp khi xây dựng đường cao tốc phải xử lý nền đất yếu, xử lý sụt trượt, kiên cố hóa công trình với khối lượng lớn. Việc xử lý nền đất yếu trên tuyến chiếm tới 60 - 80% chiều dài tuyến đường (chi phí chiếm từ 30 - 40% chi phí xây dựng nền, mặt đường). Nhiều đoạn phải sử dụng cầu để thay thế cho các giải pháp xử lý nền đất yếu thông thường, trong khi chi phí xây dựng cầu cao hơn từ 3 - 5 lần so với chi phí xây dựng đường làm cho suất đầu tư của tuyến đường tăng cao.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khác là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cao, việc tổ chức thực hiện thường chậm trễ làm chậm tiến độ và tăng chi phí. Theo tính toán, thời gian xây dựng dự án thường bị kéo dài thêm từ 2 - 3 năm do chậm giải phóng mặt bằng, do thiếu vốn... khiến kinh phí đầu tư tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu từ 1,5 - 2 lần. Điển hình như dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thời gian thực hiện kéo dài thêm hơn 3 năm, chi phí xây dựng tăng lên từ 50 - 60% do trượt giá.
Một km đường cao tốc tốn 28,2 triệu USD !
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều “ổ gà" - Ảnh: P.T
Không thuyết phục
Phản bác quan điểm chi phí đầu tư đường cao tốc ở VN hiện nay cao là do chi phí giải phóng mặt bằng cao, TS Phạm Xuân Mai, giảng viên Khoa Kỹ thuật giao thông Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng cần nhớ là đường cao tốc thường không đi qua khu vực đông dân cư, đô thị mà chủ yếu đi qua những vùng đất trống, như trường hợp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Cũng theo Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc tại Trung Quốc khoảng từ 7,6 - 14,3 triệu USD/km. Tại Hàn Quốc, dự án đường cao tốc tuyến nối số 2 tại Busan - Hàn Quốc dài 15,26 km, với quy mô 4 làn xe hoàn thành năm 2011, chi phí xây dựng bình quân (bao gồm cả cầu, hầm, xử lý đất yếu) là 19,16 triệu USD/km…
TS Mai cũng không đồng ý với nhận định suất đầu tư đường cao tốc ở VN cao là do chi phí xây dựng cầu, cống… cao. Theo ông, ở các nước khác khi xây dựng đường bộ cao tốc cũng tốn những chi phí cầu, cống nhiều như ở VN. Thậm chí, ở Nhật Bản, Hồng Kông còn làm đường cao tốc trên biển, khắc nghiệt và tốn kém hơn nhiều. Vậy mà giá thành xây dựng đường bộ cao tốc ở VN cao hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới là vô lý. Có thể thấy rằng GDP của VN thấp hơn những nước phát triển từ 5 - 50 lần, giá nhân công, vật tư… của VN rẻ hơn nhưng giá thành lại cao hơn nhiều. TS Mai kết luận giải thích trên là không có cơ sở khoa học. Ông chỉ đồng ý với nhận định khâu quản lý các dự án đường cao tốc ở VN đang tồn tại nhiều bất cập. Đó là cách quản lý không theo thông lệ quốc tế, bộ máy cồng kềnh, thủ tục hành chính rườm rà dẫn đến chi phí cao hơn.
TS Mai cũng cho rằng không loại trừ các chi phí không chính danh, tiêu cực trong việc thi công các dự án cao tốc ở VN mà ông ước tính lên đến khoảng 30% tổng chi phí. “Càng nghịch lý hơn là chi phí làm đường thì quá cao trong khi chất lượng đường cao tốc lại thấp, tuổi thọ kém hơn nhiều các nước. Chẳng hạn như cao tốc TP.HCM - Trung Lương mới đưa vào sử dụng đã xảy ra hàng loạt sự cố mà báo chí đã phản ánh thời gian qua. Đây là câu hỏi mà các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước phải trả lời”, TS Mai nói.
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, VN chỉ mới bắt đầu làm một số tuyến đường cao tốc, kỹ thuật và chất lượng chưa phải thật sự theo tiêu chuẩn thế giới, thường đầu tư theo hình thức BOT. Trong tương lai, số lượng đường cao tốc lại tăng rất nhanh nên việc đưa ra suất đầu tư phải hết sức cẩn trọng vì thiếu số liệu thống kê dẫn đến sai số lớn, rất dễ bị các nhà đầu tư lợi dụng. Ông nhận định mới nhìn qua con số suất đầu tư đường cao tốc do Bộ Xây dựng báo cáo có thể thấy ngay sự bất cập trong tính toán suất đầu tư ở các vùng là chủ yếu chỉ dựa vào yếu tố địa lý. “Suất đầu tư đường cao tốc các nước trên thế giới thấp so với VN do các nước đã làm nhiều đường cao tốc, quản lý tốt từ cơ chế chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát dự án đến chất lượng thi công. Ngành giao thông VN chưa làm được các việc này, đặc biệt là vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành. Cần nghiên cứu thật kỹ vấn đề này chứ không nên ban hành vội vã suất đầu tư khi chưa đủ số liệu để tính toán, chưa có đánh giá rút kinh nghiệm đầy đủ ở các công trình đã qua.
TS Mai đề xuất cần có cơ quan giám sát độc lập do Quốc hội lập ra, chứ không phải những đơn vị giám sát do chủ đầu tư lập ra hiện nay.

8 triệu USD/km là hợp lý
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright, chi phí để xây 1 km đường cao tốc 4 làn xe bình quân ở 25 bang của Mỹ năm 2002 là 5,8 triệu USD/km, điều chỉnh theo chỉ số giá năm 2010 là 7 triệu USD/km. Ở Trung Quốc từ năm 2000 - 2006 dao động từ 3 - 4 triệu USD/km, hiện nay cũng chỉ khoảng 7 triệu USD/km.
Tại VN, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng vốn đầu tư hơn 930 triệu USD cho 55 km gồm 4 làn xe. Như vậy, suất đầu tư là 18 triệu USD/km. Nếu loại trừ các chi phí xây cầu dẫn, đền bù giải phóng mặt bằng, suất đầu tư riêng cho việc xây đường đã là 13,5 triệu USD/km. Ông Nguyễn Xuân Thành nhận định, ở VN suất đầu tư cho 1 km đường cao tốc 4 làn xe mặt đất (không kể cầu, chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 8 triệu USD/km là hợp lý.
Đình Sơn - Đình Mười

Giỏ quà Tết: Đủ loại, đủ giá


Thứ Hai, 28/01/2013 22:31

Người tiêu dùng nên xem kỹ nhãn mác, hạn sử dụng và chọn mua giỏ quà ở những địa chỉ tin cậy để tránh mua nhầm hàng kém chất lượng

Có mặt trên các kệ trưng bày khá sớm nhưng từ hơn 1 tuần nay, giỏ quà Tết mới bắt đầu tiêu thụ mạnh. Tại các siêu thị, ngoài những giỏ quà gói sẵn, nhiều khách hàng tự chọn bánh mứt, rượu, nước giải khát, trà… rồi nhờ nhân viên siêu thị gói.

Chất lượng của những giỏ quà Tết bán ở dọc đường liệu có bảo đảm? Ảnh: HỒNG THÚY
Ngập chợ, siêu thị...
BigC chuẩn bị số lượng giỏ quà Tết tăng 25% so với Tết Nhâm Thìn 2012. Siêu thị này giới thiệu 24 loại giỏ/hộp quà Tết được thiết kế với nhiều mức giá khác nhau, từ 59.900 đồng đến  4,9 triệu đồng. Trong đó, có 4 loại hộp quà có giá dưới 100.000 đồng. Bên cạnh đó còn có giỏ quà là nhu yếu phẩm như dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, đường… có giá từ 99.000 đến 250.000 đồng/giỏ.
Co.opmart năm nay có thêm giỏ quà Tết thuần Việt với giá từ 150.000 đồng trở lên. Thành phần của giỏ quà này là các đặc sản, sản phẩm làng nghề các địa phương và độc quyền phân phối tại hệ thống Co.opmart… Theo các siêu thị, giỏ quà giá khoảng 200.000 đến 500.000 đồng hiện bán chạy nhất; những giỏ quà có giá vài triệu đồng chủ yếu để khách tham khảo chứ ít người mua.
Khác với những năm trước, năm nay, hàng Việt được các siêu thị, cửa hàng ưu tiên chọn gói giỏ quà Tết; một phần do hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” nhưng quan trọng hơn là chất lượng, mẫu mã hàng Việt đã được nâng cấp nhiều so với trước, giá lại rẻ hơn hàng ngoại 10% - 20%.
Các công ty sản xuất bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, nước giải khát… cũng thiết kế giỏ quà riêng hoặc nhận gói giỏ quà cho khách. Một số nơi giới thiệu giỏ quà là đặc sản ngày Tết như tôm, mực, cá sấy khô, tôm chua, kiệu chua… hoặc giỏ quà là đặc sản các miền.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết tuần này đang là cao điểm bán giỏ quà Tết. Trước đó, nhiều đơn vị đã liên lạc hỏi giá, đặt hàng nhưng chưa mua nhiều.
Không chỉ bày bán rầm rộ tại các siêu thị, cửa hàng, giỏ quà Tết còn có mặt trên quầy kệ tại các cửa hàng tạp hóa và tràn ra cả lề đường. Đặc biệt, tại các khu vực bán buôn sầm uất như đường Nguyễn Tri Phương (quận 5 - TPHCM), đường Lê Quang Sung (quận 6 - TPHCM), xung quanh các KCX - KCN, giỏ quà Tết được bày ra hẳn lề đường, có đủ mức giá cho khách lựa chọn.
Coi chừng hàng dỏm
Ghé một cửa hàng bánh mứt trên đường Bùi Văn Ba (quận 7, gần KCX Tân Thuận - TPHCM), chúng tôi được giới thiệu các giỏ quà gồm bánh hộp thiếc, 1 hộp trà Lipton, 1 hộp cà phê hòa tan, 1 hộp nho khô, 1 hộp mứt bí nhỏ, giá 245.000 đồng. Thấy chúng tôi phân vân, người bán tư vấn nếu muốn nhiều món hơn hoặc giá rẻ hơn phải chọn loại không thương hiệu, hàng chợ hoặc bánh hộp giấy, bánh đựng trong bao bì bằng ni lông…
Tại các chợ, cửa hàng quanh KCN Tân Tạo, Vĩnh Lộc (quận Bình Tân - TPHCM), giỏ quà giá trên dưới 100.000 đồng bán khá chạy. Nhìn qua giỏ quà loại này cũng có đủ loại kẹo mứt, trà, bánh ngọt... Tuy nhiên, đa số là sản phẩm có nhãn mác rất lạ và hầu hết các loại hạt dưa, hạt bí, mứt… đều đựng trong bịch ni lông hoặc hộp nhựa, không có nhãn mác, hạn sử dụng.
Hỏi xuất xứ những món hàng này ở đâu, người bán trả lời qua quýt: “Hàng mới về, bảo đảm chất lượng, lấy ở chợ sỉ nên giá bình dân. Quan trọng bánh mứt ngon là được”. Tuy nhiên, chúng tôi xem kỹ thì thấy một số mẫu bánh quy (đựng trong hộp giấy) có hạn sử dụng chỉ còn 2-3 tháng nữa.
Anh Huỳnh Hiếu, giám đốc tiếp thị một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối bánh kẹo Singapore, cho hay bánh kẹo cận đát có giá rẻ chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 giá ban đầu vì chất lượng giảm đáng kể: bánh không còn giòn mà bị mềm, gắt dầu, nếu bảo quản không tốt còn bị hôi mốc…
“Đặc biệt năm nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bánh kẹo ngoại ế ẩm, nay tập trung đẩy hàng dịp Tết để thu hồi vốn. Vì vậy, người mua nên cẩn thận xem kỹ hạn sử dụng, bao bì nhãn mác” - anh Huỳnh Hiếu lưu ý.
Nên tự chọn hàng rồi nhờ gói
Giỏ quà Tết chủ yếu là mặt hàng dùng để biếu tặng, người mua không trực tiếp sử dụng nên khó đánh giá được chất lượng món hàng mình mua. Từ thực tế này, nhiều điểm bán cố tình chêm, độn hàng kém chất lượng, hàng cận đát, hàng giả để lừa khách. Vì vậy, cách tốt nhất là người tiêu dùng nên chọn mua giỏ quà tại những địa chỉ tin cậy hoặc trực tiếp chọn từng mặt hàng riêng lẻ rồi nhờ dịch vụ gói tại chỗ; có thể đắt hơn giỏ quà gói sẵn nhưng bảo đảm chất lượng.
THANH NHÂN

Giá thực phẩm tại TP HCM biến động



Tại các chợ TP HCM, giá rau giảm 1.000-5.000 đồng một kg so với tuần trước. Riêng giá thịt gà và hải sản tăng nhẹ do nguồn cung khan hiếm.
Chưa đến Tết, thực phẩm đã tăng giá
Rét kéo dài, rau xanh đắt gấp rưỡi

Nhiều tiểu thương tại chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Thủ Đức (quận Thủ Đức) cho biết giá rau giảm mạnh từ 27/1. Giá cà rốt Đà Lạt giảm 4.000 đồng so với tuần trước, còn 20.000 đồng một kg. Đậu rồng hạ 1.000 đồng. Khoai tây từ 30.000 đồng xuống 25.000 đồng một kg. Cà chua tuần trước 9.000 đồng nay còn 6.000 đồng một kg.
Các loại bí đao, mướp, bầu cũng biến động, tuần qua giá dao động 12.000-15.000 đồng một kg thì sáng nay còn 10.000 đồng. Riêng su hào, bắp cải miền Bắc từ 20.000 đồng xuống 18.000 đồng một kg.
Ở nhóm hàng thủy hải sản, hầu hết giá các loại lên 5-10%. Cá ngừ từ 55.000 đồng lên 60.000 đồng một kg. Cá điêu hồng đắt thêm 5.000 đồng, bán 50.000 đồng một kg. Cá chép từ 65.000 đồng lên 70.000 đồng một kg. Bạch tuộc loại lớn giá 95.000 đồng nay lên 100.000 đồng một kg.
Giá rau tại TP HCM giảm mạnh từ 1.000 đến 5.000 đồng một kg. Ảnh: Thi Hà
Tôm sú tuần trước bán 280.000 đồng một kg nay lên 300.000 đồng. Tôm bạc từ 160.000 đồng lên 180.000 đồng một kg. Nhóm hàng thịt như heo, bò đứng yên, chỉ riêng thịt gà tăng giá. Thịt gà công nghiệp lên 48.000 đồng, thịt gà tam hoàng thả vườn tăng từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng một kg. Gà ta giá lên 130.000 đồng một kg.
Theo các tiểu thường, thủy hải sản, thịt gà, tăng giá là do Tết cận kề, nhu cầu thực phẩm thiết yếu tăng cao, trong khi đó nguồn cung ở nông dân thiếu hụt. Đặc biệt đối với loại gà ta, nguồn cung rất hiếm.
“Năm nay, số lượng gà ta còn sống sót vượt qua dịch bệnh ít hơn so với mọi năm. Do vậy, nếu không tinh mắt người tiêu dùng có thể sẽ mua nhầm gà thả vườn tam hoàng”, chị Hằng, tiểu thương tại chợ Văn Thánh chia sẻ.
Còn đối với rau củ, lý giải nguyên nhân giá các loại rau biến động, anh Quân, tiểu thương tại chợ Văn Thánh cho biết, nguồn cung rau tại chợ đầu mối tăng mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là thời gian trước, giá cao, sức mua yếu nên hiện tại giá giảm xuống để bán được hàng.
“Hiện nay lượng rau ở Hóc Môn, Bình Chánh dồi dào, vận chuyển nhanh, chi phí rẻ nên chúng tôi bán lại cho người dân với giá thấp”, chị Linh, một tiểu thương tại chợ Thủ Đức chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, hiện nay lượng hàng về chợ khoảng 3.000 tấn một đêm, có lúc lên tới 4.000 tấn. Khối lượng hàng hóa cho tới thời điểm này khá ổn định, các tiểu thương đã lên kế hoạch chuẩn bị đầy đủ và ký kết hợp đồng sẵn với người nông dân về sản lượng hàng Tết. Tuy nhiên, lượng hàng năm nay so với năm ngoái ít hơn vì sức mua giảm, hàng hóa năm trước tồn kho nhiều nên năm nay tiểu thương đặt hàng dè chừng hơn.
Bà Hà cho biết thêm, hiện nay các mặt hàng rau ngoại nhập cũng được nhập nhiều về hơn, tỷ lệ hàng ngoại nhập chiếm 20%. Trong 20% đó hàng Trung Quốc chiếm 50%, vì giá rẻ và giáp biên giới Việt Nam nên dễ dàng cho việc vận chuyển. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ các mặt hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng Trung Quốc yếu, vì người dân mua cầm chừng hơn đối với mặt hàng này.
Thi Hà

Các Thứ trưởng bị xử lý thế nào sau sai phạm?



(Kienthuc.net.vn) - Dù có nhiều năm tháng rèn luyện, cống hiến để trở thành Thứ trưởng của một Bộ, nhưng khi mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng, các nhân vật này đều bị điều chuyển, cách chức và đi liền với các hình phạt thích đáng. 

Thứ trưởng Bộ Y tế về làm chuyên viên Viện dược liệu
Ngày 25/1/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký quyết định số 292 QĐBYT về việc điều chuyển ông Cao Minh Quang - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế về làm chuyên viên Viện Dược liệu. Bởi trong thời gian qua, ông Quang có những sai phạm như khai man bằng cấp, trù dập cán bộ, lợi dụng uy tín để vay tiền doanh nghiệp... 
 Ông Cao Minh Quang - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.
Trước đó, ông Quang đã bị Ủy ban kiểm tra Trung ương 2 lần cảnh cáo về mặt Đảng, trong đó có một lần được chuyển từ cảnh cáo xuống khiển trách. Tháng 12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định không bổ nhiệm lại chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế đối với ông Cao Minh Quang.

Thứ trưởng Bộ Thương mại lĩnh án 12 năm tù
 

 Ông Mai Văn Dâu - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại
Ngày 18/11/2004, tại trụ sở làm việc của Bộ Thương mại (số 21 Ngô Quyền, Hà Nội), Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT), Bộ Công an đã tống đạt lệnh khởi tố bị can số 313/ANĐT và lệnh bắt tạm giam (4 tháng) số 710/ANĐT, có sự phê chuẩn của Viện KSNDTC đối với bị can Mai Văn Dâu, Thứ trưởng Bộ Thương mại (trước đó một ngày, ông Mai Văn Dâu đã bị đình chỉ chức vụ Thứ trưởng Bộ Thương mại) để điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sau hơn hai năm kể từ khi phát hiện và khởi tố, điều tra, tháng 3/2007, vụ án ông Mai Văn Dâu chính thức được TAND TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm. Ngày 23/3/2007, tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “chạy” hạn ngạch dệt may xảy ra tại Bộ Thương mại, HĐXX đã tuyên án cho từng bị cáo. Điều bất ngờ là mức án toà tuyên cho bị cáo Mai Văn Dâu cao hơn so với mức án đề nghị của cơ quan công tố, bị cáo bị phạt 14 năm tù giam. 

Vụ án khép lại vào chiều 20/6/2007, HĐXX Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã tuyên án bị cáo Mai Văn Dâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nhận mức án 12 năm tù giam cho tội "Nhận hối lộ", giảm 2 năm so với mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên.

Dù "trắng án" Thứ trưởng Bộ Giao thông vẫn bị cách chức

Ông Nguyễn Việt Tiến, sinh năm 1950, giữ chức thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từ năm 1998 đến tháng 4/2006. 

Ngày 29/3/2006, thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ án tại PMU 18. Ngày 4/4/2006, ông bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, 24 giờ sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam.

Sau 2 năm vướng vòng lao lý, bị truy cứu trách nhiệm với 3 tội danh (cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng), cuối tháng 3 ông Tiến được VKSND Tối cao đình chỉ điều tra và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Ông Nguyễn Việt Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải được chúc mừng vì "trắng án".
Ngay sau khi được "trắng án", ông Nguyễn Việt Tiến đề nghị sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng quyết định phục hồi công tác cho ông. Ông Tiến cũng có văn bản gửi Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị "báo cáo với Ban Bí thư" về việc cho ông được trở lại sinh hoạt Đảng sau khi không còn bị tạm giam và không bị cơ quan pháp luật truy tố.

Đến ngày 12 tháng 8, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp xét kỷ luật ông, cách chức hết các chức vụ trong Đảng, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ cách chức Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đối với ông Nguyễn Việt Tiến vì "thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên; dẫn tới hậu quả nhiều tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng".

Ngày 28/8/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định cách chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Việt Tiến. Theo quyết định của Thủ tướng, nhiệm vụ của ông Tiến do Bộ trưởng Giao thông Vận tải phân công

Đào Lý (Tổng hợp)

CSGT lên tiếng về clip "chim mồi" bẫy dân để phạt



(Kienthuc.net.vn) - “Không có chuyện CSGT “chim mồi” bẫy dân để phạt như đoạn clip tung lên mạng. Việc xử lý xe vi phạm là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật”.


Những ngày qua, đoạn clip nghi ngờ CSGT dùng "chim mồi" để xử phạt được đưa lên mạng khiến nhiều người dân hoang mang. 

Đoạn clip cho thấy chiếc xe Kia Morning chạy ở làn đường ngoài cùng bên trái trên đoạn đường gần sân Mỹ Đình, Hà Nội với tốc độ rất chậm. 
Lái xe Captiva sau khi chạy một quãng đường dài không được nhường đường đã đột ngột bẻ lái sang bên phải nhưng không bật đèn xi nhan. Và chỉ vài giây sau khi vượt phải, chiếc xe này lập tức bị lực lượng CSGT ra tín hiệu dừng xe để xử lý vi phạm. 

 Chiếc xe khoang đỏ nghi án "chim mồi" để CSGT xử phạt
Sau khi được tung lên mạng, nhiều thành viên trong cộng đồng mạng đã khẳng định “Chắc chắn chiếc xe Kia Morning là "chim mồi" rồi vì chẳng có lý do gì quay lại đường đó cả, đoạn đó em thuộc mà. Dạo này em cũng hay đứng chỗ qua trước cửa sân Mỹ Đình vào buổi sáng, vượt phải xe hút bụi cũng bị "tuýt còi"...”. 
 CSGT tiến hành xử lý các xe vi phạm.

Ngày 28/1, PV Kiến Thức trực tiếp tiến hành xác minh vụ việc nhận thấy, đoạn đường trong clip tung lên mạng không phải đường Lê Đức Thọ mà là đường Lê Quang Đạo thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nhiều lần đi ngang qua khu vực này PV Kiến Thức nhận thấy có lực lượng CSGT từ 3-4 người thường đứng ở đoạn đường này (cạnh đại lộ Thăng Long) và không đứng nấp.

PV Kiến Thức cũng đã liên hệ với trung tá Nguyễn Ngọc Mễ, Đội trưởng Đội CSGT số 6 – Phòng CSGT Công an TP Hà Nội để xác minh "nghi án chim mồi". Trung tá Mễ cho biết: “Địa bàn đó thuộc sự quản lý của CSGT huyện Từ Liêm, Hà Nội. Không thuộc sự quản lý của Đội CSGT số 6 của chúng tôi”.

Ngoài ra, khi xem clip vụ việc trên, Trung tá Mễ cũng không có nhận xét gì về việc xử lý của CSGT và cũng không nói gì thêm về đoạn clip.
 Một trường hợp vi phạm bị CSGT xử lý
PV Kiến Thức lập tức liên lạc, trao đổi với Trung tá Lê Quang Mỹ, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trung tá Mỹ khẳng định: “Không có chuyện CSGT “chim mồi” bẫy dân để phạt như đoạn clip tung lên mạng. Việc xử lý xe vi phạm là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Còn việc người này, người kia tung clip đó lên mạng và nói CSGT “chim mồi” bẫy dân để phạt là hoàn toàn không đúng. 

Việc người dân tung clip lên mạng như vậy, cơ quan chúng tôi không bàn về vấn đề này và cũng không nhắc lại đoạn clip ấy làm gì. Bởi thực tế cho thấy các chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ như đoạn clip nêu là hoàn toàn đúng luật và cũng không có tình trạng “chim mồi” để xử phạt người vi phạm”.

Trả lời Kiến Thức về những thông tin tiêu cực về CSGT như trên, Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội cảnh sát giao thông số 1, Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Cảnh sát giao thông chúng tôi bước xuống đường là gặp nhân dân rồi, mặc sắc phục màu vàng được Đảng nhà nước giao nhiệm vụ giữ trật tự giao thông nên giải quyết mọi việc khách quan, đúng luật. Tôi khẳng định, những người có nghề, đào tạo cơ bản không bao giờ làm những chuyện như thế”.

Cũng theo Thượng tá Đoàn, nghề cảnh sát giao thông chịu rất nhiều áp lực vì công việc gắn với mặt đường, trời nắng cũng như trời mưa. Ở một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông giờ cao điểm, cảnh sát giao thông phải căng mình phân làn đường, giúp người dân nhanh di chuyển phương tiện an toàn. Theo đó, không còn thời gian để làm trò nọ trò kia.

Nói về đoạn clip đăng tải trên mạng, ông Đoàn cho rằng, điều này có thể mang động cơ gì đó hoặc là sự hiểu nhầm của người đi đường. 

“Chúng tôi là đơn vị bề nổi chứ có phải làm án đâu mà làm những việc như thế. Quy định ngành không bao giờ cho phép cảnh sát giao thông lại có "trò chim mồi" để phạt người dân. Nếu như có chuyện đó thì không thể chấp nhận được. Mà tôi dám khẳng định là không thể có việc này”,  ông Đoàn nhấn mạnh.

Tiến Dũng - Ngọc Anh