THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 June 2013

Đến gia vị cũng bị làm giả, trộn chất bẩn



Cập nhật lúc 13-06-2013 15:44:51 (GMT+1)

 
Nguy cơ rình rập sức khỏe người tiêu dùng không chỉ do thực phẩm tươi sống, mà ngay cả những thứ gia vị các bà nội trợ vẫn dùng để nêm nếm hàng ngày như hạt tiêu, đường, nước mắm... cũng tiềm ẩm nguy cơ gây hại.

Hạt tiêu trộn đất
Hạt tiêu được nông dân thu hoạch, phơi khô, sàng lọc rất sạch, độ ẩm đạt 10%. Đáng buồn là thương lái thu mua đang làm xấu chất lượng hạt tiêu nhằm trục lợi. Sau khi mua tiêu khô từ nông dân, thương lái làm ướt lại bằng nước, sau đó trộn với đất bột đã phơi khô, đất sẽ thấm nước dính kết vào hạt tiêu. Đất bao quanh hạt tiêu vừa tăng được khối lượng vừa qua mặt được máy kiểm nghiệm chất lượng và độ ẩm.
Đây là cảnh báo của ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) tại Hội nghị thường niên của ngành mới đây.
Nguy hiểm ở chỗ là chỉ cần để lô tiêu trộn đất qua ngày, độ ẩm sẽ tăng lên và hấp thụ hơi nước nhiều hơn khi có đất khô và hạt tiêu bị mốc, hỏng.
“Hậu quả là DN xuất khẩu phải gánh chịu thiệt hại sau khi mua phải hàng này từ thương lái. Nếu không phát hiện kịp lỡ bán cho nhà nhập khẩu thì thiệt hại còn lớn hơn, uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn tới mất khách hàng. May mắn là đến lúc này chưa có lô hàng hạt tiêu bẩn nào lọt cửa hải quan để xuất đi” - ông Bính lo ngại.
Tương ớt không nhãn mác có chất gây ung thư
Thời gian qua, tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các mẫu tương ớt và bột ớt không rõ nguồn gốc, thậm chí còn chứa chất gây ung thư.
Thông thường, những loại tương ớt này được đựng vào can nhựa lớn: 2 lít, 5 lít, 10 lít... với giá khoảng 10.000 đồng/lít, bên ngoài không hề có tem nhãn nêu rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng kiểm định.
Không chỉ tương ớt, ớt bột không nhãn mác, không ghi thành phần, hạn sử dụng, ngày sản xuất, hướng dẫn bảo quản... cũng được bày bán tràn lan với giá từ 30.000-40.000 đồng/kg.
Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an Hà Nội mới đây cho biết, kết quả phân tích mẫu tương ớt do Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Tuấn Thành (địa chỉ tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) sản xuất có chứa chất Rhodamine B, chất gây ung thư.
TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) nói Rhodamine B là một loại phẩm màu công nghiệp khó phân hủy, ăn vào gây tồn dư tại các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan, thận. Hóa chất này được dùng để nhuộm quần áo do đó bị cấm tuyệt đối dùng trong thực phẩm và thuốc.
Bột ngọt Trung Quốc đội lốt thương hiệu nổi tiếng
Ngày 6/6/2013, Công an TP.Huế cho hay vừa làm rõ đường dây làm giả bột ngọt lớn nhất từ trước tới nay, thu giữ 8 tạ bột ngọt các loại, 15.400 mẫu vỏ bao bì, 140 bao tải bột ngọt xuất xứ Trung Quốc (loại 25kg/bao).
Đối tượng Trần Thị Mỹ Hương (SN 1972, trú tại 2/14/96 Đặng Thái Thân, TP. Huế) trực tiếp cung cấp hàng tấn bột ngọt Trung Quốc và bao bì cho 3 đối tượng khác tại Huế để làm bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon, A-one, Thai Fermenttiom...
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận: Sau hơn 3 tháng, đã làm giả trót lọt 7-8 tấn bột ngọt, cung cấp cho các đầu mối tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, trung bình mỗi ngày tiêu thụ hết 2 tạ bột ngọt giả.
Đặc biệt, sau khi làm ra bột ngọt giả mang nhãn hiệu Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd (Thái Lan), nhóm đối tượng này đưa lên cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, sau đó nhập trở lại địa bàn TP. Huế, các huyện lân cận để đánh lừa khách hàng.
Đường thốt nốt: 3 lần tẩm hóa chất
Trong cách khai thác nước thốt nốt truyền thống, người ta bỏ vào thùng hứng nước một ít gỗ cây sến, hoặc cây sao được lát mỏng, phơi khô với mục đích bảo quản, làm nước thốt nốt chậm lên men chua. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu này ngày càng khan hiếm và hiệu quả bảo quản cũng kém xa nên nhiều người đã dùng một chất bột tẩy màu trắng có mùi khó chịu để rắc vào thùng hứng nước thốt nốt, anh Sane, người thu hoạch thốt nốt tại An Giang, cho biết.
Anh Huỳnh Thanh Nhân - người có trên 20 năm trong nghề khai thác nước thốt nốt - khẳng định: “Bây giờ có đến 99,99% số người lấy nước thốt nốt sử dụng bột tẩy. Nói chính xác là họ bị thương lái thu gom đường thô cung cấp, bắt buộc sử dụng bột tẩy, xem đây như giấy chứng nhận đủ điều kiện trong mua bán”.
Không chỉ sử dụng hóa chất trong công đoạn khai thác mà khi chế biến đường thốt nốt lại tiếp tục được tắm hóa chất thêm 2 lần nữa.
Theo xác nhận của nhiều người “trong cuộc”, việc sử dụng bột tẩy trong khai thác, chế biến đường thốt nốt đã diễn ra hơn chục năm nay, nhưng mãi đến tháng 5/2013 này, thì ngành chức năng ở An Giang mới... “lần đầu hay biết”.
Nước mắm pha phẩm màu rẻ hơn nước lọc
Hiện trên thị trường Hà Nội và một số tỉnh thành xuất hiện nhiều “đầu nậu” thu gom và buôn bán loại nước mắm rẻ tiền, chỉ có 5.000 đồng/lít. Loại nước mắm này dù có giá rẻ hơn nước lọc nhưng lại được quảng cáo là loại thượng hạng với những thương hiệu nổi tiếng như: nước mắm Phú Quốc, Tiền Hải... Loại nước mắm này được chế biến theo công thức: nước phẩm màu, hương liệu và chất bảo quản cùng một tỷ lệ rất nhỏ nước mắm cốt pha trộn vào nhau.
“Chỉ một chai nước mắm nguyên chất có thể pha thành 20 chai nước mắm thành phẩm để bán ra thị trường”, anh Nguyễn Chung Thủy, một người dân làm mắm lâu năm tại Cát Hải, Hải Phòng nói.
Anh Thủy nói thêm, ngoài công thức trên các thương gia còn sử dụng chất bảo quản acid clohydric dùng khoảng 1g/1lít nước, chất tạo ngọt là đường hóa học Cyclamte, Saccharin thì 1-2 mg/1lít. Phẩm màu công nghiệp cũng được tận dụng vì cho màu sắc rất đẹp, với loại nước mắm rẻ như... nước lã thì hầu hết các cơ sở thường dùng phẩm màu Trung Quốc trong quá trình pha trộn.
Loại sản phẩm “bán rẻ như cho” này chủ yếu được sử dụng ở các cơ sở làm hàng như: giò chả, bún, bánh cuốn và các quán cơm bình dân.
Thực tế, trong thời gian qua các cơ qua chức năng đã phát hiện và xử lý không ít trường hợp pha trộn nước mắm để bán ra ngoài thị trường. Tuy nhiên, do gia vị là mặt hàng tiêu thụ lớn, thị trường rất rộng nên các cơ quan quản lý khó kiểm soát hết. Người dân được khuyến cáo nên chọn những loại gia vị của các thương hiệu uy tín, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, tránh ham rẻ mà mua mang về nhà hàng hóa kém chất lượng.
Nguồn: Nhị Anh/ VNN

Cơn lốc cắm thẻ, cầm bằng


Cơn lốc cắm thẻ, cầm bằng
TP - Soi nhiều cửa hiệu cầm đồ ở Hà Nội, chúng tôi tận thấy một cơn lốc cắm bằng đại học, thẻ sinh viên và nhiều loại giấy tờ bằng cấp khác. Thời buổi kinh tế khó khăn, người ta phải đành lòng mang đi cắm những món đồ không ai ngờ tới. Đằng sau những món đồ đó là cả những thân phận và cảnh ngộ...
Một tiệm cầm đồ nhận bằng đại học, thẻ sinh viên ở gần ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội
Một tiệm cầm đồ nhận bằng đại học, thẻ sinh viên ở gần ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội.
Khi thẻ sinh viên có giá hơn bằng đại học
Thời gian gần đây, ngoài khách hàng “truyền thống”, các hiệu cầm đồ có những “khách lạ”: công chức, cử nhân mới ra trường, cán bộ về hưu...
 Anh tưởng tấm bằng của anh bằng vàng hay sao mà đòi rút thêm tiền. Nếu đúng hẹn anh không đến rút bằng trả cả gốc cả lãi tôi ném bằng đại học vào sọt rác ngay, tôi không dọa đâu, đã vứt nhiều bằng cử nhân vào sọt rác rồi nhé 
Một thanh niên ở hiệu cầm đồ nói
Nắng như đổ lửa, nhưng hiệu cầm đồ gần Đại học Mỏ - Địa chất và Học viện Tài chính ở đường Cổ Nhuế vẫn kẻ ra người vào. Tôi bước lại cửa hiệu trưng tấm bảng: “Cầm đồ: thẻ sinh viên, chứng minh thư; bằng tốt nghiệp” với vẻ mặt thiểu não của kẻ túng tiền. Người đàn ông to béo, cổ đeo dây chuyền răng hổ, hất hàm hỏi: “Nhìn chú, anh biết rồi, có thẻ sinh viên hay bằng đại học?”. Tôi bảo: “Bằng đại học”, “Trường nào?”, “Học viện Tài chính - Kế toán”, “Chú quê ở đâu?”, “Nghệ An”.
Nghe nói vậy, người đàn ông lắc đầu: “Quê ở xa thế, anh không cầm được, anh chỉ nhận bằng quê ở Thanh Hóa đổ ra”. Tôi nài nỉ: “Anh cố giúp em, đang túng quá”; “Thằng nào đến đây chả bảo đang túng, nhưng anh nói thật, nhiều chú đến cắm bằng đại học rồi bỏ luôn, không quay lại lấy, quê các chú tận miền Trung xa xôi làm sao bọn anh vào mà đòi được, thông cảm nhé”.
Ông chủ cầm đồ đưa ra một nắm bằng đại học. Bằng Đại học Mỏ - Địa chất; bằng Học viện Tài chính - Kế toán; bằng của Đại học Tài nguyên - Môi trường... Những cử nhân vừa ra trường, bằng vẫn còn thơm mùi giấy mực, có lẽ một số chưa kịp đưa về để báo công với phụ huynh đã phải vào hiệu cầm đồ.
“Dạo này, cầm bằng tốt nghiệp nhiều lắm, đa số đều bảo cần tiền để xin việc, chạy việc. Thất nghiệp nhiều như quân Nguyên nên có nhiều chú cầm bằng không quay lại lấy, bọn anh cũng chết dở. Mà chắc cũng túng quẫn quá các cậu cử mới đi không hẹn ngày trở lại, bốn năm ăn học tốn bao tiền của công sức mới có tấm bằng chứ phải ít đâu”, ông chủ cầm đồ ném tập bằng cử nhân xuống bàn, nói tiếp: “Cắm thẻ sinh viên còn có giá hơn cắm bằng đại học. Bằng đại học địa chỉ ngoại tỉnh anh ngán lắm, cùng lắm cũng chỉ được 3-4 triệu đồng thôi, nhưng thẻ sinh viên những trường quanh đây anh cho tối đa 5 triệu đồng”.
Theo lời ông chủ, thẻ sinh viên có giá hơn bằng đại học vì tấm thẻ này rất quan trọng. Không có nó, sinh viên không thể đi thi hoặc xin bất cứ giấy tờ nào của trường. Nếu quá hạn mà sinh viên chưa đến lấy, cửa hàng cầm đồ sẽ theo tên trên lớp mà “tróc nã” hoặc báo cho ban giám hiệu.
Sinh viên chẳng thể vì trót vay mấy triệu đồng mà bỏ cả sự nghiệp học hành. Nói chung là cửa hiệu cầm đồ luôn “nắm đằng chuôi”. Sinh viên có thể “bùng” nếu đặt máy tính, điện thoại, nhưng nếu đã đặt thẻ chỉ còn nước “xoay” cho đủ tiền.
Tôi đến một cửa hiệu cầm đồ khác, mở giọng năn nỉ trình bày muốn cắm bằng đại học. Thanh niên trực ở cửa hiệu lại hỏi: “Bằng quê ở đâu?”. Khi biết bằng khách quê tận Nghệ An, thanh niên này lắc đầu: “Nhận quá nhiều bằng đại học rồi, bán không ai mua, con nợ ở tỉnh xa không biết đường nào mà lần”.
Tuy nhiên, khi tôi nài nỉ, thanh niên bấm điện thoại gọi cho ông chủ, rồi hỏi tôi: “Bằng anh tốt nghiệp loại gì, năm nào, có bảng điểm không?”.
Nếu tốt nghiệp loại khá giỏi, bảng điểm đẹp, mức độ tin cậy cao hơn vì chứng tỏ chủ nhân của nó không “bựa”, sẽ chẳng dại gì ném những năm tháng miệt mài đèn sách chỉ vì dăm triệu đồng.
Lãi suất của cắm bằng đại học và thẻ sinh viên và nhiều loại giấy tờ khác dao động từ 8 -10 nghìn đồng/ngày. Mức lãi suất cắt cổ nhưng vì túng quẫn khổ chủ của những thẻ lẫn bằng đều cắn răng chấp nhận thậm chí phải hạ mình nài nỉ để được cắm.
Một cậu cử bước vào cửa hàng cầm đồ rút ra cái giấy hẹn, xin được gia hạn và vay thêm ít tiền. “Anh tưởng tấm bằng của anh bằng vàng hay sao mà đòi rút thêm tiền. Nếu đúng hẹn anh không đến rút bằng trả cả gốc cả lãi tôi ném bằng đại học vào sọt rác ngay, tôi không dọa đâu, đã vứt nhiều bằng cử nhân vào sọt rác rồi nhé”. Nguyễn Quang Dũng - tên của cậu cử ghi trong bằng tốt nghiệp Đại học Mỏ-Địa chất loại khá - cúi đầu nghe kẻ chỉ bằng tuổi em mắng mình xơi xơi.
Dũng cho biết, ra trường cậu nộp hồ sơ khắp nơi xin việc nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự hoặc phá sản hàng loạt, nên mãi không xin được việc. Ra trường rồi chẳng lẽ lại tiếp tục ngửa tay xin tiền bố mẹ, nhưng vẫn phải sống để tiếp tục “hành lộ nan” xin việc.
Túng quẫn, Dũng đành cắm bằng đại học lấy 4 triệu, nay 4 triệu đã tiêu cái vèo, mà việc làm vẫn mờ mịt. Cậu cử này xin nhìn lại cái bằng cho “đỡ nhớ” và nhờ tôi dùng điện thoại chụp lại, gửi vào mail cho Dũng, Dũng sẽ in ra đưa về quê để bố mẹ mừng rồi còn khoe với họ hàng làng xã.
“Cơn lốc” cắm bằng đại học và những giấy tờ khác đã nổi lên trong thời buổi kinh tế khó khăn, thất nghiệp hàng loạt này. Thậm chí, hình thành cả một “thị trường ngầm” về cầm cố đủ loại giấy tờ với luật chơi và giá cả được mặc định. Trên mạng, những lời rao như thế này không hiếm: “Cầm đồ uy tín, lãi suất thấp; Cầm thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân, bằng cấp các loại”.
Hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn cũng mang đi cầm đồ
Nhiều bằng đại học bị khổ chủ mang đi cầm cố. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Nhiều bằng đại học bị khổ chủ mang đi cầm cố. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Theo địa chỉ ghi trong quảng cáo, tôi đến cửa hàng cầm đồ trên đường Kim Mã. Ở đây, cơ man những thẻ sinh viên, chứng minh thư, bằng tốt nghiệp, sổ đỏ được chủ xếp thành xấp. Ông chủ phá lên cười: “Giấy tờ nào có giá trị đối với người cắm thì nhận tất”.
Theo tinh thần “giấy tờ nào có giá trị với người cắm thì nhận” , tôi nhìn thấy cả bộ giấy tờ gồm một sổ hộ khẩu Hà Nội, giấy đăng ký kết hôn, hai giấy khai sinh.
Những loại giấy cầm cố đã tự nói lên hoàn cảnh khốn khó của chủ nhân. Bộ giấy tờ gồm hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của đôi vợ chồng công nhân một nhà máy may mặc bên Long Biên. Thời kinh tế khó khăn, chồng bị thất nghiệp về làm xe ôm, vợ một mình với đồng lương còm không cõng nổi 4 miệng ăn.
Lại thêm bố ở quê bị xuất huyết não phải đưa lên Hà Nội cấp cứu, nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy nhưng không thể cắm được vì chồng phải đi xe ôm, vợ túng quá cầm bộ giấy tờ này ra hiệu cầm đồ gần nhà. Vay được 5 triệu đồng, lãi suất 10 nghìn/ngày, hẹn 10 ngày phải rút.
Ông chủ bảo: “Hoàn cảnh họ khó thật, nhưng kiểu gì đôi vợ chồng này cũng phải rút giấy tờ trả cả gốc lẫn lãi, vì nếu bỏ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh thì thành người “lậu” ở Thủ đô à?
Chủ cầm đồ nhận những loại này thực ra là một hình thức cho vay nặng lãi. Biết vậy, nhưng người ta vẫn cầm lòng mà cầm đồ vì đó là cách vay tiền nhanh và tiện lợi nhất, cho dù lãi suất cũng cắt cổ nhất.
Còn nữa
Nửa triệu thanh niên thất nghiệp
Bên cạnh một số người cầm đồ vì cờ bạc, ăn chơi dẫn đến túng quẫn thì cũng có rất nhiều hoàn cảnh phải cầm đồ vì thất nghiệp. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố, năm 2012 Việt Nam có khoảng 1 triệu người thất nghiệp.
Trong đó, con số thất nghiệp ở độ tuổi 15 - 24 trên 500.000 người. Đó là chưa kể, 53% số thanh niên có việc làm (tương đương với 4 triệu người) đang làm những công việc dễ bị tổn thương.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện tượng cử nhân phải cắm bằng đại học thật đáng buồn, thậm chí đau lòng. Hầu hết họ đều ở tỉnh lẻ, lập nghiệp chẳng có gì ngoài tấm bằng đại học. Khi thanh niên thiếu tương lai, sẽ gây những hệ quả về xã hội.
 
Phùng Nguyên - Thùy Dung

Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2: Địa phương không nắm hồ sơ?

(TNO) Sau vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai), cả Sở Xây dựng và Sở Công thương Gia Lai đều cho biết mình không nắm hồ sơ của công trình. 
Đập kém chất lượng?
Trưa 13.6, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai, cho biết đến thời điểm này Sở vẫn chưa nhận được bất kỳ một hồ sơ nào từ chủ công trình. Ông Vinh cũng cho biết Sở đã yêu cầu chủ công trình bàn giao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công trình thủy điện này về Sở Xây dựng.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Gia Lai, Sở này chỉ tham gia đóng góp ý kiến ở phần “thiết kế cơ sở”... Còn phần thiết kế, thẩm định, thi công, giám sát thi công công trình đều do chủ đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm.
Tại Sở Công thương Gia Lai, ông Huỳnh Ngọc Tục, Giám đốc Sở, nhận định ban đầu về nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập là do đập thi công kém chất lượng. 
“Dung tích hồ chứa của công trình là 9 triệu m3 nước, trước lúc vỡ đập chỉ mới tích nước tầm 50% công suất hồ chứa mà đập đã chịu đựng không nỗi dẫn đến vỡ đập?”, ông Tục nói.
Theo ông Tục, con đập này được thiết kế và xây dựng bằng đất, chỉ một vài phần được xây dựng bằng bê tông. Một trong những nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập này là do khi xây dựng “ống dẫn dòng” xong, đập được đổ đất và được sử dụng làm con đường giao thông để thi công công trình. Điều này làm ảnh hưởng đến kết cấu của “ống dẫn dòng”, làm thay đổi, phá vỡ kết cấu đập, dẫn đến sự cố vỡ đập.

Đập thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ toác - Ảnh: Trần Hiếu
Cũng theo ông Tục, Sở chỉ tham gia đóng góp ý kiến ở phần “thiết kế cơ sở”. Trước đây, thiết kế cơ sở của dự án vẫn chưa hoàn chỉnh và Sở đã có đóng góp ý kiến xong. Còn phần thiết kế, thẩm định, thi công, giám sát thi công công trình đều do chủ đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm.
Theo ông Tục, để xác định nguyên nhân chính của sự cố, phải mời Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) vào kiểm tra chất lượng công trình, từ đó mới xác định được nguyên nhân chính.
Khi chúng tôi hỏi về nhật ký thi công công trình, ông Tục cho biết Sở Công thương cũng không nắm và cho biết thêm rằng "bên Sở Xây dựng đang yêu cầu chủ đầu tư giao nộp hồ sơ".
vỡ đập thủy điện Ia Krel 2
Sau vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2, người dân cần được sớm bồi thường để ổn định cuộc sống - Ảnh: Quốc Anh
Chủ đầu tư hứa bồi thường
Ông Bạch Đức Quang, đại diện Công ty cổ phần Công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai (công ty này là chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krel 2 - PV) đã có báo cáo bước đầu về sự cố.
Theo ông Quang, phía chủ đầu tư đang phối hợp tiến hành thống kê thiệt hại để bồi thường cho người dân địa phương bị thiệt hại trong vụ vỡ đập.
Ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND H.Đức Cơ, cho biết đã tổ chức nhiều tổ công tác xuống địa bàn tiến hành thống kê thiệt hại của người dân. Sau khi thống kê xong sẽ có đoàn thẩm tra thiệt hại, tránh trường hợp các đối tượng xấu lợi dụng khai khống thiệt hại.
Liên quan đến sự kiện này, 11 giờ trưa ngày 13.6, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đã đến địa điểm xảy ra vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (làng Bi, xã Ia Dom. H.Đức Cơ, Gia Lai), sau đó sẽ làm việc với các bên liên quan, nhất là với phía chủ đầu tư, cụ thể là ông Bạch Đức Quang.

Chính phủ chỉ đạo xử lý sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao UBND tỉnh Gia Lai khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sự cố vỡ đập công trình thủy điện nhỏ Ia Krel 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao UBND tỉnh Gia Lai khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ đập công trình thủy điện nhỏ Ia Krel 2; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra sự cố và trách nhiệm các sở, ngành của tỉnh trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng tại công trình thủy điện Ia Krel 2.
UBND tỉnh Gia Lai đánh giá thiệt hại và yêu cầu chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krel 2 bồi thường thỏa đáng các thiệt hại do sự cố vỡ đập gây ra.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình thủy điện nhỏ đã và đang xây dựng trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng sự cố tương tự (theo chinhphu.vn)
Quốc Anh

Hé lộ nguyên nhân vỡ đập thủy điện khủng khiếp ở Gia Lai



Sáng 13-6, ông Bạch Đức Quang - tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai đã có báo cáo bước đầu nguyên nhân sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel.






Theo báo cáo này, lúc 3g sáng 12-6, đập thủy điện Ia Krel gặp sự cố do ống dẫn dòng phía dưới đập bị sụt lún làm nứt đoạn đập khiến nước lùa vào đoạn đập trên cống rộng 5-7m.
Trong quá trình thi công, chủ đầu tư phát hiện thêm trước đây trên bề mặt đập, lượng xe công trình có trọng tải lớn di chuyển nhiều và luôn đi qua cống, quá trình lu dung loại máy tạo áp lực lớn (khoảng 35 tấn) có thể làm rạn nứt phần trần cống dẫn đến sụt lún và xảy ra sự cố.
Cũng theo chủ đầu tư, hiện tại công ty Bảo Long đang thống kê thiệt hại, triển khai khắc phục hậu quả để hoàn thiện lại công trình trong thời gian sớm nhất.

Chủ đầu tư công trình là Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai (428, đường Cách Mạng Tháng Tám, tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai). Nhà thầu khảo sát xây dựng là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Vĩnh Đức (Lô B20, Nguyễn Hữu Dật, Quận Hải Châu, tp.Đà Nẵng).Nhà thầu lập dự án, thiết kế cơ sở được xác định là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Trí Việt – TP.HCM. Nhà thầu thiết kế xây bản vẽ thi công là Văn phòng Tư vấn thẩm định Thiết kế và Giám định Chất lượng công trình – Trường ĐH Thủy lợi.
Nhà thầu thi công xây dựng là Công ty TNHH Bảo Long và Công ty CP ĐTXD Btranco-5. Hiện tại vẫn chưa xác định được đơn vị tư vấn thẩm tra thiết kế. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng là Công ty MTV TVTK XD Kiến Hoàng Phú.
Trong khi đó, ông Lê Vinh, giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai, cũng đã có báo cáo bước đầu về sự việc vỡ thủy điện gửi Bộ Xây dựng.
Sự cố được mô tả như sau: vào thời điểm 3g sáng ngày 12-6-2013, đập thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ một đoạn thân đập khoảng 40m, lượng nước chứa trong lòng hồ tràn về vùng hạ du. Đoạn thân đập bị vỡ khoảng 40m dọc mặt đập, bề mặt đập xuất hiện 3 vết nứt ngang, một số điểm sụt lún bề mặt đập. Cống dẫn dòng bê tông cốt thép, miệng cống phía thượng lưu không thấy dấu hiện biến dạng, chuyển vị; phần nắp dọc thân cống bị phá vỡ kết cấu bê tông cốt thép, phần cuối cống khoảng 10m bị cắt rời, đẩy trôi về hạ lưu. Mái thượng lưu, hạ lưu gần đoạn đập vỡ bị phá hủy, sụt lún.
Đến sáng 13-6 vẫn chưa có thiệt hại về người, khoảng 10ha hoa màu của người dân và 20ha cao su của Công ty 74 – Binh đoàn 15 bị dòng nước quét qua, nhiều chòi rẫy, lán trại của đồng bào bị lũ quét nghiêng ngã.
Về nguyên nhân sự cố, Sở Xây dựng Gia Lai nhận định: tại đập tràn cao trình mực nước ở thời điểm xảy ra sự cố cách đỉnh tràn (cao trình 203m) khoảng 1,6m, tức là ở cao trình khoảng 201,4m, mực nước này thấp hơn mực nước chết. Do đó, yếu tố vỡ đập do lưu lượng tích nước vượt quá thiết kế được loại trừ. Hiện đơn vị này vẫn đang yêu cầu chủ đầu tư tích cực phối hợp để thống kê thiệt hại, đền bù thiệt hại cho dân và tiến hành điều tra chính xác nguyên nhân sự cố.
Trong chiều nay, đại diện Bộ Công thương sẽ vào hiện trường đoạn đập vỡ để thị sát và chỉ đạo điều tra nguyên nhân sự việc.
Theo Tuổi Trẻ


Sai sót trong lấy phiếu tín nhiệm chỉ là nhầm lẫn cơ học



nguyenthanhhai-quochoi
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải.

1. Sai sót trong lấy phiếu tín nhiệm chỉ là nhầm lẫn cơ học

Theo Lao Động
Trong việc lấy phiếu tín nhiệm, đã xảy ra một số sai sót trong công tác thống kê số phiếu đối với 3 vị bộ trưởng. Dù ngay sau khi sai sót này được các vị ĐBQH phát hiện, Ban kiểm phiếu đã đính chính và đưa ra lời xin lỗi, tuy nhiên rất nhiều bạn đọc đã thắc mắc nguyên nhân của sai sót.
Lao Động trao đổi với Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải bên hành lang QH, bà Hải cho biết: Đây là một nhầm lẫn cơ học. Có thể do sức ép trong một thời gian ngắn phải thống kê cho 47 chức danh, mỗi chức danh lại bao gồm nhiều thông số từ số phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cao, phiếu tín nhiệm, phiếu tín nhiệm thấp, rồi kèm đó là các thống kê tỉ lệ phần trăm. Phải nói là thời gian rất gấp, lại là ngoài giờ hành chính cho nên tôi nghĩ những sơ suất thuộc về vấn đề văn phòng. Nhưng tôi nghĩ, sau lần đầu này sẽ rút ra được kinh nghiệm và những lỗi nhỏ này sẽ được khắc phục, hoàn thiện.

2. Văn phòng Quốc hội nói về sai sót lấy phiếu tín nhiệm

Theo Infonet
“Phải nói là thời gian rất gấp, làm toàn ngoài giờ hành chính cho nên tôi nghĩ những sơ suất thuộc về vấn đề văn phòng có thể xảy ra”.
Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nói như vậy về sai sót nhỏ trong công tác thống kê số phiếu tín nhiệm đối với 3 vị bộ trưởng.
Trong việc lấy phiếu tín nhiệm đã xảy ra một số sai sót nhỏ trong công tác thống kê số phiếu tín nhiệm đối với 3 vị bộ trưởng. Dù ngay sau khi sai sót này được các vị đại biểu Quốc hội phát hiện, ban kiểm phiếu đã đính chính và đưa ra lời xin lỗi, tuy nhiên nhiều người đã thắc mắc nguyên nhân của sai sót.
Về vấn đề này, Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đoàn đại biểu Quốc hội Hòa Bình) đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 12/6.
- Thưa bà, trong đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua có sự nhầm lẫn trong công tác kiểm phiếu khiến cử tri và người dân rất quan tâm, bà có thể giải thích với cử tri về sự nhầm lẫn này?
- Đây là một nhẫm lần cơ học. Có thể do sức ép trong một thời gian ngắn phải thống kê cho 47 chức danh, mỗi chức danh lại bao gồm nhiều thông số từ số phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cao, phiếu tín nhiệm, phiếu tín nhiệm thấp, rồi kèm đó là các thống kê tỷ lệ %. Phải nói là thời gian rất gấp, làm toàn ngoài giờ hành chính cho nên tôi nghĩ những sơ suất thuộc về vấn đề văn phòng có thể xảy ra.
- Sự nhầm lẫn phiếu bầu phải chăng do quá trình nhập số liệu?
- Trong một thời gian ngắn ban kiểm phiếu phải làm việc để công bố công khai ngay sáng hôm sau, hơn nữa, ban kiểm phiếu không phải là những người chuyên nghiệp, đã phải bổ sung tới 9 người, nhưng đây là lần đầu tiên nên có sơ suất.
Trong khâu kiểm phiếu rồi sau đó chuyển sang thành nghị quyết của Quốc hội có thể có nhầm lẫn. Nhiều khi chỉ 2 người nói với nhau thế này mà chữ A còn có thể nghe thành chữ B. Nhưng tôi nghĩ sau lần đầu này sẽ rút ra được kinh nghiệm và những lỗi nhỏ này sẽ được khắc phục, hoàn thiện. Tôi cho rằng việc bỏ phiếu đã diễn ra rất tốt đẹp, những người được lấy phiếu chắc chắn sẽ khắc phục, chỉnh sửa trong công tác để có chuyển biến tốt hơn lên
Đến giờ, mọi sai sót đã được sửa chữa ngay và công bố công khai trước Quốc hội.

ĐƠN KÊU CỨU KHẨN CẤP: Công an An Dương Hải Phòng đánh GIÁM ĐỐC đi cấp cứu!



congan-laptop

Nghi án công an đánh dân đến bất tỉnh? 3
Phạm Ngọc Khánh mê man bất tỉnh trong phòng cấp cứu BV Việt Tiệp

Video Giám đốc tố bị công an đánh tại trụ sở


Kính gửi:
Tên tôi là: Phạm Văn Khương
Sinh năm: 1958
Trú Quán: 180E Chùa Hàng – Hồ Nam – Lê Chân – Hải Phòng
Tôi có người con là cháu : Phạm Ngọc Khánh, sinh năm 1984, trú quán 180E Chùa Hàng – Hồ Nam – Lê Chân – Hải Phòng.Hiện tạo cháu mở công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ VIETSTAR, có trụ sở tại số nhà 180E Chùa Hàng – Hồ Nam – Lê Chân – HP, được nhà nước cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mua bán trao đổi máy vi tính và máy văn phòng.
Xong vào hồi 0 giờ 30 phút ngày 06/6/2013 công an huyện An Dương cùng đồng chí Lưu Văn Xoa tổ trưởng khu phố đến nhà tôi yêu cầu tôi mở cửa vào làm việc. Các anh có thông báo bắt được một đối tượng cướp laptop, nó có khai bán cho công ty này.
Tôi gọi con tôi xuống vì cháu làm giám đốc, con tôi có trả lời cháu ở đây kinh doanh người mua và bán ra vào nhiều cháu không nhớ. Công an An Dương đưa tên tội phạm vào nhà tôi cho con tôi xem mặt. Lần thứ hai cháu có nhận ra là có mua và có hợp đồng mua và bán , trong hợp đồng có nội dung bên bán cam kết máy laptop của mình và cam kết không phải là do phạm tội mà có, nếu sai bên bán chịu trách nhiệm. Con tôi đồng ý mua với giá 700.000 đồng (vì laptop bị vỡ) chỉ lấy linh kiện chứ không còn giá trị gì hết.
Sau đó công an huyện An Dương lập biên bản lời khai đến 2 giờ 30 phút thì xong. Lúc này anh công an huyện An Dương bảo tôi và mọi người bình tĩnh chờ chút nữa. Tôi thấy một anh công an vào đọc lệnh khám nhà khẩn cấp đến 5 giờ 30 phút ngày 06/6/2013 công an huyện An Dương có thu của công ty con tôi 17 máy laptop và yêu cầu con tôi đi ngay.
Tôi bảo các anh chưa có lệnh chưa được đưa con tôi đi xong đồng chí Trường công an An Dương có tuyên bố tôi có quyền bắt con anh đi. Tôi đề nghị anh Trường cho con tôi được ăn sáng và uống thuốc rồi cháu sẽ đi vì cháu đang viêm họng và sốt nhưng công an huyện An Dương không đồng ý, bắt đi ngay từ 5 giờ 30 phút ngày 06/6/2013 cho đến 16 giờ ngỳ 10/6/2013 tôi thấy con tôi không về, công an An Dương không thông báo cho tôi biết tội danh con tôi là gì và không có lệnh tạm giam giữ.
Tôi làm đơn kêu cứu lên các cấp, tôi gửi đơn trực tiếp cho anh Hợp trưởng công an huyện An Dương tại nhà riêng và yêu cầu anh Hợp kiểm tra và trả lời cho tôi biết. Vào lúc 19 giờ ngày 10/6/2013 đến 7 gờ 30 ngày 11/6/2013 toi gửi đơn lên Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện An Dương – anh Quáng đã nhận đơn.
Đến 8 giờ 30 tôi có chuyển đơn tới Viện Kiểm Soát thành phố, anh Thòong đã nhận đơn và điện cho phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện An Dương. Sau đó anh Thòong có trả lời tôi là con anh( tức cháu Phạm Ngọc Khánh) hiện tại Viện Kiểm Sát An Dương không phê chuẩn lệnh giam giữ vì chưa đủ yếu tố đề nghị công an An Dương hoàn chỉnh hồ sơ thu thập chứng cớ và anh Thòong bảo tôi hiện tại kiểm tra nơi giam giữ con anh không có ở đó, chỉ khi nào cháu về anh mới biết cháu ở đâu.
Anh Thòong điện cho Viện Kiểm Sát An Dương nói báo cáo anh Quáng thành lập đoàn xuống kiểm tra đột xuất và lập biên bản. Sau đó tôi về công an thành phố vào phòng tiếp dân chuyển 2 đơn cho phòng tiếp dân đề nghị phòng tiếp dân chuyển đơn kêu cứu khẩn cấp của tôi cho giám đốc công an thành phố và chánh thanh tra công an thành phố. Tôi ra về đến 12 giờ mang cơm cho cháu, cơm chỉ cầm đến phòng trực ban chờ người ra lấy chứ tôi không được cầm vào. Đến 18 giờ tôi cầm cơm cho cháu và lấy đồ của cháu về giặt cho cháu, tôi phát hiện quần áo chưa thay tôi có nghi ngờ và tôi hỏi trực ban và người đưa cơm vào cho con tôi “cháu ơi Khánh thế nào rồi”, họ trả lời vẫn bình thường.
Tôi quay xe ra cổng nghe một số người dân xì xèo là có một người bị công an đánh đưa đi cấp cứu.
Tôi phóng xe xuống trung tâm y tế An Dương thì thấy con tôi nằm bất tỉnh nhân sự. Tôi bảo “các anh sao đánh con tôi như vậy” và tôi điện cho mọi người trong gia đình. Khi tôi ra về cô y tá bảo lát nữa con anh chuyển Việt Tiệp. Tôi điện thoại kêu gọi cơ quan báo chí bảo vệ quyền lợi cho con tôi vào cuộc làm sáng tỏ sự việc trên và tôi vào chờ cháu ở phòng cấp cứu. Cháu vẫn chưa tỉnh, trên vai phải có nốt thâm quầng, ở mang tai trái có vết rách và đầy máu, vùng bụng bị sưng to, toàn bộ cơ thể bị tổn thương, bộ phân sinh dục bị thâm tím. Cháu bị mất cảm giác đái , đái dầm ra giường và phải đóng bỉm. Cháu hiện bất tỉnh và sốt cao.
Qua sự việc trên tôi thấy việc làm của công an huyện An Dương trái với pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vi phạm đến nhân quyền của công dân. Hành động trên không thể chấp nhận được làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của người công an nhân dân “ vì nước quên thân, vì dân quên mình”.
Tôi đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan báo chí làm rõ và trả lại sự công bằng cho con tôi và gia đình tôi.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Hải Phòng, ngày 12 tháng 06 năm 2013
Kính đơn


Blogger Phạm Viết Đào bị bắt



120913145225_phamvietdao_304

Ông Phạm Viết Đào có nhiều bài viết chỉ trích chính quyền
Thông tấn xã Việt Nam nói công an Hà Nội bắt “khẩn” blogger Phạm Viết Đào và ông này có “thái độ chấp hành”.
Hãng tin chính thức của Việt Nam nói: “Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Lệnh khám xét khẩn cấp và Lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Phạm Viết Đào, sinh ngày 10/4/1952 tại Nghệ An; hiện thường trú tại…Hà Nội.”
“Ông Phạm Viết Đào có hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
Thông tấn xã Việt Nam nói ông Đào đã có “thái độ chấp hành” và công an đang “tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm” của blogger này.
Hôm 9/6 ông Đào đã bình luận với BBC về đợt lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên của Quốc hội và nói đây là “thử thách cho nền chính trị của Việt Nam” và rằng “Quốc hội nào Chính phủ ấy”.
Bình về các cố gắng thay đổi nền chính trị Việt Nam, ông Đào nói ông không hy vọng có “đột phá” nhưng “méo mó có hơn không”.
Blogger cũng nhận xét và dự đoán về chiều hướng kết cục của cuộc sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được Chính quyền và Đảng cộng sản vận động từ đầu năm tới nay.

Trấn áp blogger

Ngay sau khi tin ông Đào bị bắt được đưa ra tối 13/6, trang có quan điểm bảo vệ chính quyền Bấmnguyentandung.org đã có ngay bài viết dài mang tên “Phạm Viết Đào là ai”.
Trang này nói ông Đào từng công tác tại Vụ Điện ảnh của Bộ Văn hóa và sau đó là Thanh tra của bộ này cho tới năm 2007.
Sau đó ông còn là Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Trang nguyentandung.org nói ông Đào là Hội viên Hội nhà văn và cũng từng dịch nhiều tác phẩm sang tiếng Romania, nước ông đã tới du học và tốt nghiệp đại học ngành văn chương.
Trang này đặt câu hỏi “điều gì đã khiến một con người từng được coi là mạnh tay trong việc xử lý những sai phạm trong báo chí lại sa lầy vào con đường mà bản thân dư sức hiểu là lầm lỗi….?” và dẫn lời một blogger khác gọi ông Đào là “Phạm Viết Bừa”.
Ông Đào là blogger thứ hai bị bắt trong chưa đầy một tháng qua.
Một blogger có tiếng khác, cựu nhà báo Trương Duy Nhất, cũng đã Bấmbị bắt tại Đà Nẵng hôm 26/5 và bị đưa ra Hà Nội để tiếp tục điều tra ngay trong ngày.
Các tổ chức quốc tế cũng cáo buộc Việt Nam bỏ tù hàng chục cây viết khác trong thời gian gần đây trong khi Việt Nam luôn nói họ chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.
Theo BBC