THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 August 2013

Phải xin phép trước khi ghi hình CSGT: Dung túng tiêu cực?

(Dân trí) - “Văn bản mà Cục CSGT đường bộ-đường sắt gửi các cơ sở là văn bản trái pháp luật. Chỉ có thể hiểu đây là hành động bao che, dung túng cho những vi phạm, tiêu cực của cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm”.
 >>  Phải xin phép nếu muốn ghi hình CSGT đang làm việc (?)

Đó là nhận định của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - về văn bản số 1042/C67/P3 của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), Bộ Công an.
 
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh: Việt Hưng)
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh: Việt Hưng)
 
Ông Thuyết nói rõ: “Quy định người dân, nhà báo muốn chụp ảnh cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm việc phải xin phép là hoàn toàn trái nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong xã hội. Đặc biệt, quy định này trái với Luật Báo chí, thể hiện mong muốn hạn chế quyền giám sát và quyền tự do ngôn luận của báo chí, của người dân”.
Sau khi nội dung văn bản được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội đã có phản ứng gay gắt, không đồng tình với quy định C67 đưa ra. Giải thích về văn bản đã ban hành, C67 cho biết đó chỉ là văn bản nội bộ và không có ý nói cấm.
Về việc này, ông Thuyết cho biết: “Cấp Cục ban hành quy định trái luật bằng công văn là sai cả về hình thức văn bản lẫn thẩm quyền ban hành văn bản. Ở nước ta, chỉ có một cơ quan có quyền sửa đổi luật là Quốc hội. Chính phủ cũng không thể ban hành quy định như vậy được, đừng nói là cấp Cục của một Bộ”.
Vì vậy, theo ông Thuyết, văn bản này không có tính “chính danh”. Điều đó có thể hiểu như lực lượng CSGT đang thỏa thuận ngầm với nhau. Lãnh đạo Cục CSGT đang có hành động bao che, dung túng cho những vi phạm và tiếp tay cho tiêu cực của cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm. Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng sự việc dù giải thích cách nào cũng không thể chấp nhận được.
Theo ông Thuyết, C67 phải công bố thu hồi ngay văn bản và nhận khuyết điểm của mình, không tiếp tục cho ra những văn bản kiểu này.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng nhắc lại chuyện trước kia đã có lãnh đạo C67 phát biểu “anh em CSGT chỉ lấy 50.000 hay vài trăm nghìn đồng thì không phải là tham nhũng, mà chỉ là tiêu cực; phải từ 2 triệu đồng trở lên mới gọi là tham nhũng”. Theo ông Thuyết, phát ngôn như vậy chứng tỏ các vị đó không hiểu luật, bởi nhận tiền từ 2 triệu đồng trở lên là phạm tội tham nhũng, phải chịu trách nhiệm hình sự, còn dưới 2 triệu đồng vẫn là hành vi tham nhũng tuy chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị xử lý kỷ luật.
“Tôi rất thông cảm với nỗi vất vả của anh chị em CSGT và đánh giá cao đóng góp của lực lượng này trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng tôi cũng rất ngạc nhiên với C67 khi ban hành văn bản và có những lời giải thích không thể tưởng tượng được. Muốn xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, làm thay đổi cái nhìn của người dân về những hành vi tiêu cực thì phải tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ và tôn trọng nguyên tắc công khai, minh bạch, đảm bảo quyền giám sát của báo chí và người dân” - ông Thuyết nhấn mạnh.
 
Giải thích về văn bản quy định do mình ký, Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ-đường sắt - cho hay: “Mục đích ban hành văn bản số 1042 chính xác là để xây dựng lực lượng CSGT cho trong sạch vững mạnh, cảnh giác với những người lợi dụng báo chí để làm bậy, ngăn chặn các hành vi giả danh báo chí. Quy định này không phải cấm người dân quay phim, chụp ảnh”.
 
Ông Hà quả quyết, trong văn bản “không có chỗ nào ghi cấm”. Khi phóng viên đến quay phim, chụp ảnh thì nên trao đổi với nhau (với CSGT - PV) để hướng tới mục đích xây dựng. Còn cảnh sát, công an vẫn làm theo pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân, mọi thứ đều công khai minh bạch.
 
Về quyền giám sát của người dân, theo ông Hà khi người dân đến quay phim, chụp ảnh thì phải cộng tác giữa 2 bên. Cảnh sát cũng phải hỏi người quay có phải là nhà báo không? Nếu là công dân thì anh có giấy tờ gì không? Anh quay với mục đích gì? “Sợ quay xong cứ đưa lên facebook, đưa lung tung hết cả lên thì cũng mệt” - ông Hà diễn giải lí do.
 
Quỳnh Anh

Tiết lộ động trời: Xét nghiệm nước tiểu cũng bị “nhân bản”



YTE-YDUC

Sau khi sự việc “nhân bản” các xét nghiệm của BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) bị phát hiện gây chấn động dư luận, một vị GS nghỉ hưu từng giữ chức vụ trưởng khoa xét nghiệm của một BV đầu ngành TƯ (xin không nêu tên) đã tiết lộ với phóng viên LĐ&ĐS những điều “mắt thấy, tai nghe” xoay quanh câu chuyện xét nghiệm ở BV.
Vị GS khi nghỉ hưu được mời làm thêm tại một BV tư nhân Hà Nội. Sau một thời gian ngắn làm việc tại đây, ông đã vội xin nghỉ vì chứng kiến những việc trắng trợn “ăn bớt” xét nghiệm của người bệnh. Ông kể:
“Có một công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên. Sau khi kết quả khám sức khỏe được gửi về công ty, lãnh đạo công ty đó đã ‘nổi giận’ vì có 7 nhân viên nữ trong một phòng cùng có thai đúng thời điểm công ty đang có nhiều đơn hàng. Ông giám đốc này đã truy hỏi 7 cô nhân viên thì có 6 cô “ngã ngồi” khi nghe tin mình có thai, chỉ có 1 cô thừa nhận mình đang mang bầu.
Thấy có điều bất thường, công ty này đã yêu cầu BV làm rõ. Khi bị bại lộ, BV vội vã làm lại xét nghiệm cho 7 cô nhân viên thì kết quả chỉ có 1 cô đang mang thai tháng thứ hai.
Chuyện vỡ lở mới hay, mấy nhân viên ở khoa xét nghiệm đó có ý đồ kiếm chác nên đã dùng kết quả xét nghiệm nước tiểu của 1 cô rồi ”nhân bản” cho cả 7 cô. Không may nước tiểu của người được xét nghiệm lại chính của cô đang có bầu. 6 cô nhân viên ”bỗng dưng” mang bầu đã được minh oan và ông sếp đó tuyên bố ”cạch mặt” BV đó.”
Những khuất tất trong việc làm xét nghiệm tại các BV mà thường là các BV ở các huyện ngoại thành, BV tư nhân, phòng khám tư… rất khó phát hiện, chỉ những người “trong chăn” mới tỏ tường.
Vị GS này cho biết: Việc khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe để đi lao động xuất khẩu… thường bị “ăn bớt” rất tinh vi.
Do cạnh tranh giữa với nhau nên các BV đưa ra giá tiền cho mỗi gói khám khác nhau. Những người đại diện của các đơn vị đi tìm BV để tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên luôn chọn BV nào có giá rẻ nhất hoặc có tỉ lệ hoa hồng cao nhất. Để được chọn, không ít BV đã hạ giá xuống mức thấp.
Chấp nhận mức giá thấp đó nhưng vẫn phải có lãi lớn nên BV tìm mọi cách để giảm chi phí như mua lại máy xét nghiệm đã qua sử dụng, mua các loại hóa chất, vật tư xét nghiệm rẻ tiền, mỗi que thử chẻ làm đôi để dùng cho 2 người và thậm chí “nhân bản” xét nghiệm.
“Chứng kiến những việc làm đó, tôi đã vài lần lên tiếng góp ý, nhưng họ nói rằng đây là lệnh của lãnh đạo, chúng em chỉ biết thực hiện. Có người lại nói, khám sức khỏe định kỳ đâu có gì nghiêm trọng… Vì đồng lương mà không ai dám tố cáo. Với lương tâm của người thầy thuốc, tôi đã từ chối làm việc tại đây…”
Những chuyện mà vị GS này kể, vì lý do tế nhị nên không có bằng chứng cụ thể, không rõ tên BV nào, nhưng điều này chắc chắn là đang tồn tại. Phóng viên xin dẫn chứng về việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên của một cơ quan tại một phòng khám tư ở Hà Nội (xin không nêu tên). Một số người bỗng nhiên được “khoác” thêm nhiều bệnh.
Chị N.T.H sau khi nhận được kết quả xét nghiệm đã tá hỏa khi thấy bác sĩ kết luận bị viêm gan B. Lo lắng bệnh tật, chị đã đến xét nghiệm lại tại BV Bạch Mai thì kết quả ngược lại: Không mắc viêm gan B. Chỉ bởi kết quả “giời ơi” đó mà chị H. đã mất ăn, mất ngủ cả tuần. Sau khi nhận được thông báo không có bệnh, chị mới thở phào nhẹ nhõm và loan tin cho tất cả mọi người tẩy chay phòng khám tư đó.
THEO LAO ĐỘNG


Hãy nhìn vào túi tiền của người dân!



gia-docquyen


Tuần trước Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 10397 đến các tỉnh, thành phố để đốc thúc tăng cường các biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm. Nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang chật vật đối phó với tình trạng sức mua yếu của thị trường, phải giảm giá hoặc kiềm chế tăng giá bán để giải quyết hàng tồn kho; người nông dân đang bế tắc trước nỗi lo nông sản, sản phẩm chăn nuôi bị rớt giá… thì vấn đề Công văn 10397 đặt ra hơi lạc điệu.
Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính ban hành công văn này chỉ một tuần sau quyết định điều chỉnh tăng giá điện lại cho thấy một vấn đề khác. Đó là nguy cơ gây bất ổn về giá cả, trong điều kiện thực tế hiện nay, không hẳn do quan hệ cung – cầu, mà chủ yếu đến từ quyết định điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Nguy cơ tiềm ẩn này đã được chỉ rõ trong Công văn 10397 như sau: “Giá một số mặt hàng tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình thị trường như giá điện; giá than cho sản xuất điện; giá xăng dầu thế giới diễn biến thất thường tác động đến giá xăng dầu trong nước; giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước; giá dịch vụ giáo dục (học phí)”.
Vấn đề là ở chỗ, khả năng kiểm soát các nguy cơ tiềm ẩn trên lại không nằm trong tay các địa phương, mà thuộc quyền quyết định của các bộ ở trung ương, như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế…
Đến hết tháng 7-2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước chỉ tăng 2,68% so với tháng 12 năm ngoái. Đây là con số thấp. Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào vào rổ hàng hóa để tính giá, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những nhân tố tác động mạnh nhất đến CPI bảy tháng qua chính là các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Ví dụ như chỉ số giá dịch vụ y tế tăng tới 58,43% so với tháng 12-2012. Hoặc chỉ với hai quyết định tăng giá xăng, dầu vào tháng 6-2013, lập tức đẩy chỉ số giá dịch vụ vận tải tăng 1,34% ngay trong tháng 7.
Nhìn lại chính sách điều hành giá cả những sản phẩm và dịch vụ quan trọng từ cuối năm ngoái đến nay, đặc biệt là nhóm hàng năng lượng như xăng dầu, điện, than, có thể nhận ra các cơ quan quản lý nhà nước đã tỏ ra quyết đoán và mạnh dạn hơn trong việc ra quyết định cho tăng giá.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, do chỉ số lạm phát những tháng đầu năm nay quá thấp, các bộ Tài chính và Công Thương đã có thể yên tâm với mục tiêu CPI của năm nay nên không còn phải lo đến lạm phát khi quyết định điều chỉnh giá các mặt hàng năng lượng.
Nhưng không chỉ có thế, các chính sách điều hành giá cả còn cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước đang lo cho “túi tiền” của ngân sách, của một số tập đoàn nhà nước hơn là túi tiền của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Chẳng hạn như, thay vì giảm giá xăng, dầu để giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thì Bộ Tài chính lại quyết định tăng thuế nhập khẩu và tăng giá xăng dầu. Các quyết định tăng giá than bán cho điện, tăng giá điện cũng mang mục đích như vậy.
Rõ ràng, chính sách điều hành giá cả như vậy, trong bối cảnh rất khó khăn như hiện nay, là chưa phù hợp. Nó không giải quyết được cái gốc của vấn đề, mà chỉ xử lý được phần ngọn. Thế nên, thay vì chỉ nhìn vào CPI, hay con số thu ngân sách và túi tiền của các tập đoàn Điện lực, Công nghiệp than và khoáng sản, Xăng dầu, các bộ nên nhìn vào túi tiền của người dân, của doanh nghiệp trước khi ban hành các chính sách về giá cả. Vì suy cho cùng, dân giàu thì nước mới mạnh. Túi của người dân, của doanh nghiệp có “rủng rỉnh” thì túi của ngân sách mới đầy. Doanh nghiệp có sống được thì ngành điện, ngành than mới sống được.
THEO thesaigontimes

Việt Nam: Nợ xấu bất động sản dẫn đến khủng hoảng kinh tế ?



lamphat-batdongsan
Gần đây báo chí trong nước đã tỏ ra bất ngờ về tỉ lệ nợ xấu bất động sản, có thể lên đến 33-35% dư nợ thuộc lãnh vực này. Các con số thống kê của nhiều cơ quan khác nhau đưa ra chênh lệch cho đến nỗi, dư luận hết sức lo ngại nếu không đánh giá đúng tình hình, thì không thể nào đưa ra quyết sách đúng đắn, dẫn đến những hậu quả nặng nề cho đất nước.
RFI Việt ngữ đã trao đổi với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề trên.
RFI : Xin chào Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã vui lòng dành thì giờ cho RFI Việt ngữ. Anh nhận xét như thế nào về tỉ lệ dư nợ bất động sản có nhiều con số khác nhau, mà theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) thì lên đến 33-35% dư nợ ?
TS Phạm Chí Dũng : Con số của UBGSTCQG là một con số bất ngờ và đột biến, tức là đến 33-35% là nợ xấu trong dư nợ thuộc lĩnh vực bất động sản. Con số này được công bố lần đầu tiên, phát lộ vào năm 2013. Điểm hết sức đặc biệt là con số của ủy ban này lại hoàn toàn trái ngược với số báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 5/2013 chỉ là 5,68%.
Như vậy là, ngay giữa hai cơ quan quản lý mà độ chênh biệt của hai con số đã lên đến 6 lần. Sự khác biệt chưa từng thấy này nói lên điều gì? Nó làm cho người ta có cảm giác Việt Nam đang đứng trước một khúc ngoặt của những vấn đề nhạy cảm kinh tế – chính trị đang có chiều hướng bắt buộc bị bạch hóa dưới ánh sáng mặt trời.
Những quan chức can đảm của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đã bạch hóa thế này: dư nợ bất động sản và và nợ xấu bất động sản thực chất cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng. Và khi một tổ chức của chính phủ phải công bố điều đó, tức tình hình tài chính – bất động sản đang rất nguy ngập rồi.
Cần nhắc lại, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đã có một báo cáo rất chi tiết về các ngân hàng dính dáng đến nợ xấu và nợ xấu bất động sản vào cuối năm 2011. Song khi đó, con số nợ xấu ở nhiều ngân hàng mới chỉ dừng ở mức 10-15% thôi – như vậy đã gọi là cao rồi. Tất nhiên, nhiều ngân hàng vẫn cố giấu kín thực chất nợ xấu của họ. Những gì còn lẩn khuất trong bóng tối vẫn cố thu mình.
Nhưng sau công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã làm cho công luận cùng giới bất động sản trong nước kinh ngạc và cho là sát thực tế hơn nhiều các cơ quan khác, bầu không khí số liệu lại trở về thói quen khép miệng của nó. Vào tháng 8/2013, Bộ Xây dựng lại nêu ra một con số mới về tỉ lệ nợ xấu bất động sản chỉ có 6,5% – tức là có cao hơn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gần 1%. Rõ ràng, người ta vẫn quyết tâm phong tỏa số liệu nhằm bưng bít một cuộc khủng hoảng bất động sản – ngân hàng rất có thể sẽ xảy ra.
RFI : Năm 1997, Thái Lan cũng đã bị khủng hoảng tài chính và cũng có nợ xấu như Việt Nam bây giờ. Liệu Việt Nam có đang tái lập kịch bản của người Thái?
TS Phạm Chí Dũng : Có thể. Không khí trái ngược giữa các con số báo cáo và con số thực về nợ xấu ở Việt Nam rất dễ làm người ta nhớ lại trường hợp Thái Lan năm 1997. Trước khủng hoảng, tỉ lệ nợ xấu bất động sản tại quốc gia này được báo cáo chỉ có 5%, nhưng đến khi xảy ra khủng hoảng thì tỉ lệ này đã tăng vọt đến 50%, tức gấp đúng 10 lần.
Chính người Anh đã cung cấp cho giới điều hành mơ màng của Việt Nam cái minh chứng không hề mơ màng đó. Vào đầu năm 2013, John Sheehan – thành viên của tổ chức giám định bất động sản Hoàng gia Anh (FRICS), đã có một chuyến thăm Việt Nam, và đã cung cấp một kinh nghiệm là tỉ lệ nợ xấu thực bao giờ cũng cao gấp ít nhất 4 lần con số báo cáo.
Trong thực tế điều hành và của điều được gọi là “minh bạch hóa” số liệu ở Việt Nam, tỉ lệ nợ xấu được báo cáo thường dao động chỉ từ 6-10%. Nhưng vào cuối năm 2011, trong khi giới chuyên gia bất động sản bắt đầu nói toạc ra rằng có đến 50% nợ bất động sản là nợ khó đòi hoặc không thể đòi được, thì giới ngân hàng cũng bắt đầu thầm thì về chuyện có đến phân nửa nợ xấu ở các ngân hàng A, B nào đó là không thể đòi được.
Có đến hàng chục ví dụ cho những lời phát ngôn hoặc báo cáo mang tính bất nhất hoặc thiếu trung thực của các bộ ngành liên quan ở Việt Nam, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, khiến người dân và giới bình luận kinh tế quốc tế hầu như không thể có nổi một chút niềm tin bền vững vào cái thực trạng mà người ta gọi là “giả số liệu”.
Người Thái hay người Philippines trong cùng khu vực Đông Nam Á là những bài học nhãn tiền cho Việt Nam. Do phủ nhận sự minh bạch trong kiểm soát thị trường, họ đã phải nhận lãnh tai họa.
RFI Việc thiếu minh bạch thì lâu nay Việt Nam vẫn bị chỉ trích. Không biết là có mối liên hệ nào giữa tính minh bạch ấy với việc Việt Nam đang chuẩn bị tham gia Hiệp định TPP?
TS Phạm Chí Dũng : Chắc chắn là có, vì tính minh bạch là một trong những điều kiện đầu tiên để Việt Nam có thể tham gia TPP. Nhưng ở Việt Nam thì thái độ thiếu minh bạch đã phải trả giá. Sự chênh lệch giữa các số liệu của nền kinh tế Việt Nam đã góp một phần rất ấn tượng làm chậm bước tiến vào vòng chung kết TPP của chính nền kinh tế quốc gia này.
Chẳng hạn, trong khi số liệu báo cáo của chính phủ Việt Nam về nợ công quốc gia chỉ là 55%, thì các phản biện của giới chuyên gia độc lập lại lộ liễu hơn nhiều. Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân vào tháng 4/2013 tại Nha Trang, một số chuyên gia phản biện người Việt ở Ba Lan đã tính toán tỷ lệ nợ công quốc gia lên đến 95%. Ngay lập tức con số này nhận được sự đồng cảm của khá nhiều chuyên gia và cả quan chức Việt Nam. Trước đó vào cuối năm 2012, phản biện đối với báo cáo nợ công của chính phủ, ông Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên tài chính của Liên Hiệp Quốc, đã tính toán về tiêu chí nợ nần này lên đến 106%.
Minh bạch lại là một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam được tham dự vào bàn ăn TPP. Cho dù lộ trình thông qua TPP đối với Việt Nam đã được nước chủ nhà là Hoa Kỳ hứa hẹn “có thể sớm nhất vào cuối năm 2013”, nhưng giới quan sát quốc tế có lẽ đã thừa trải nghiệm để hiểu rằng TPP không chỉ gắn với điều kiện minh bạch về thị trường và cơ chế quản lý kinh tế, mà còn liên hệ mật thiết với các điều kiện về dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Còn trong lĩnh vực bất động sản, vẫn có thêm những minh họa khác về tính bất nhất. Trong khi những báo cáo được công bố hầu như liên tục của Bộ Xây dựng chỉ cho thấy con số tồn kho căn hộ vào khoảng 40.000 căn, thì con số thống kê của một số hãng tư vấn bất động sản quốc tế có văn phòng ở Việt Nam như CBRE hay Savills lại xác thực hơn nhiều. Nhìn chung, có thể đang tồn đến 200.000 căn hộ thuộc các phân khúc, trong đó có đến 70% thuộc về phân khúc cao cấp và trung cấp. Một số chuyên gia và doanh nhân bất động sản cũng xác nhận có đến chừng đó căn hộ đang tồn kho ở Việt Nam.
Một lần nữa, tính chênh lệch của số liệu báo cáo đã lộ diện: con số tồn kho nhà đất thực tế cao gấp 5 lần số báo cáo. Nếu so lại hai con số chênh nhau đến 6 lần về nợ xấu bất động sản giữa Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia với Ngân hàng Nhà nước thì mọi chuyện đều rất logic.
Logic đến nỗi mà nếu cuối năm nay Việt Nam được gia nhập TPP với tính minh bạch tồi tệ như hiện thời, nhiều người dân và giới bình luận sẽ nhìn rõ một sự phi logic không thể hiểu nổi.
RFI : Khi các con số khác biệt quá lớn như vậy thì thị trường bất động sản Việt Nam thực chất đang trong tình trạng như thế nào?
TS Phạm Chí Dũng : Tôi xin nêu một minh họa để đối chứng. Chuyên gia người Anh John Sheehan đã dành cho thị trường bất động sản Việt Nam một lời bình đặc biệt: “Tôi chia thị trường thành ba giai đoạn: sau khi xảy ra khủng hoảng gọi là giai đoạn phủ nhận, thường khoảng 2 năm; giai đoạn xử lý vấn đề nợ xấu mất khoảng 4 năm; cuối cùng là khi thị trường phục hồi, mất chừng 6 năm. Việt Nam đang ở nấc “phủ nhận””.
Một cách chính xác, thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn “phủ nhận” với việc người tiêu dùng mất niềm tin và quay lưng với thị trường. Nếu không vượt qua được hai năm 2013-2014 và không giải quyết được ít nhất một nửa núi hàng tồn kho căn hộ cao cấp và trung cấp, chưa cần hết giai đoạn phủ nhận sẽ có không biết bao nhiêu đại gia bất động sản phải chính thức ký vào “bản án tử hình” dành cho mình. Sông Đà, Vinaconex, Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Phát Đạt… đều là những cái tên một thời danh giá, nhưng cho đến giờ đều thật khó để hình dung về thân phận của họ sẽ ra sao nếu thị trường không được “giải cứu”.
Muốn giải phóng núi căn hộ tồn kho đến 200.000 căn hộ, thị trường bất động sản Việt Nam có thể phải kiên tâm chờ đợi đến hàng chục năm, nếu quả thực nó muốn chờ và có thể làm được điều đó.
Nhưng kết quả thời gian đến hàng chục năm như vậy lại hoàn toàn có thể khiến thị trường… tự sát.
Bởi nửa đầu của năm 2013 đã trôi qua mà hệ số tiêu thụ căn hộ vẫn hầu như không nhích lên được bao nhiêu. Nếu vào năm 2012 hệ số này chỉ khoảng 5-10% theo thống kê của những hãng tư vấn bất động sản có uy tín, tình hình trong nửa đầu năm 2013 tuy có chuyển biến đôi chút song vẫn là quá ít so với những kích thích tố được tung ra từ phía Nhà nước và sự cố gắng của các doanh nghiệp bất động sản.
Các ngân hàng cũng vì thế đang rơi vào chính cái bẫy do họ giương ra từ năm 2011. Họ đã bắt các doanh nghiệp sản xuất và cả nền kinh tế trở thành con tin, nhưng cuối cùng chính họ cũng không thoát khỏi cái vòng kim cô tham lam vô cùng tận.
RFI : Như vậy số phận của các ngân hàng sẽ như thế nào, liệu có chết theo lãnh vực bất động sản hay không ?
TS Phạm Chí Dũng : Rất có thể. “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”, ngân hàng sẽ không thoát khỏi nghiệp chướng mà họ là một tác nhân gây ra.
Giữa năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã bắt buộc phải một lần nữa “tái cơ cấu nợ vay” cho các doanh nghiệp bất động sản, chuyển nhóm nợ từ xấu sang nhóm đỡ xấu hơn, và do vậy các ngân hàng vẫn còn thời gian để thu xếp việc thanh toán với con nợ đến giữa năm 2014, chứ không nhất thiết phải siết nợ thẳng thừng.
Dù cố giấu diếm, nhưng từ gần giữa năm 2012, khối ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu phải tiết lộ về những con số nợ vay bất động sản, và sau đó vấn đề này trở thành một làn sóng rộng khắp các ngân hàng, biến thành tiếng kêu cứu ai oán của nhóm lợi ích đậm đặc này.
Vào thời điểm tháng 4/2012, số nợ vay được tái cơ cấu là 250.000 tỉ đồng. Nhưng mà trong hơn một năm qua, điều đáng buồn là chẳng ai làm được phần “hậu sự” cho các ngân hàng lẫn con nợ. Thậm chí nợ vay còn tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng, đưa con số hiện thời lên khoảng 272.000 tỉ đồng.
Nếu ngân hàng – chủ nợ lớn nhất của bất động sản – còn phải lâm vào vòng túng quẫn, người ta có thể hình dung tình thế đã trở nên bĩ cực đến mức nào. Những con số và tỉ lệ nợ xấu về bất động sản cho đến nay vẫn liên tiếp nhảy múa mà chưa chịu dừng chân. Cái chết đã lộ hình ở phía trước con đường.
RFI : Theo anh hậu quả sẽ ra sao?
TS Phạm Chí Dũng : Hậu quả chưa hẳn xảy ra tức thì đối với giới ngân hàng, nhưng đã hiện hữu đối với giới chủ đầu tư. Vào cuối năm 2011, hàng loạt vụ bể tín dụng đen bất động sản đã xảy ra ở Hà Nội, sau đó lan ra một số tỉnh thành khác. Vào giữa năm 2013, giám đốc doanh nghiệp Vĩnh Hưng, được xem là một trong những đại gia kinh doanh bất động sản ở Hà Nội, đã bị bắt liên quan đến những bê bối về nợ nần, và đây là một vụ rúng động.
Câu hỏi đang được rốt ráo đặt ra là sau vụ Vĩnh Hưng, liệu có xảy ra những cú đổ vỡ nào khác? Và liệu có xảy ra một làn sóng dây chuyền đổ vỡ liên quan đến nhiều doanh nghiệp bất động sản, tất yếu kéo theo một số nhà băng liên quan về nợ vay?
Dĩ nhiên với nhiều chủ đầu tư bất động sản ở Việt Nam, đây là một thời buổi kinh hoàng, thời buổi mà họ chỉ “mong một cuộc sống không nợ nần”.
Vào năm 2011, báo chí bắt đầu đề cập những câu chuyện về đại gia chứng khoán phải tự tử hoặc nhập viện tâm thần vì thiếu nợ hoặc phá sản. Còn đến năm 2012, câu chuyện tương tự được tiếp nối với một số đại gia bất động sản. Hiện tượng xã hội đặc thù này đang như khuấy động một cơn khủng hoảng sắp tới ở Việt Nam.
Còn giờ đây, hiện tượng đang trở thành bản chất khi khó có thể kềm giữ những gì sẽ phải phát nổ.
Khác nhiều với thị trường bất động sản Mỹ và cũng khác khá nhiều với thị trường nhà ở Irland với nguồn cung tồn kho hạn chế, bất động sản Việt Nam đã ở vào thời kỳ cầm cự cuối cùng. Theo rất nhiều dự báo, thời kỳ đó sẽ không thể kéo dài đến hết năm 2014.
RFI : Không biết so sánh liệu có khập khiễng hay không, nhưng anh có thể nêu vài so sánh giữa thị trường bất động sản Việt Nam và Mỹ?
TS Phạm Chí Dũng : Có một “đồng pha” rất rõ trong “quan hệ bang giao” giữa hai thị trường bất động sản Mỹ và Việt Nam. Phất lên vào năm 2006 và đạt đỉnh vào năm 2007, thị trường nhà ở Mỹ đã có mức giá cao gấp đôi so với năm 2000. Còn với Việt Nam, tuy sóng nhà đất cũng đồng pha với Mỹ về thời gian và kể cả thời điểm, nhưng chuyện tăng giá thì hơn Mỹ nhiều, và có thể nói là theo đuôi…Trung Quốc. Đó chính là việc giá nhà ở tại Bắc Kinh đã tăng đến 800% chỉ trong 5 năm từ 2003 đến 2007. Trong khi đó, giá nhà đất ở Việt Nam cũng không hề kém cạnh, bốc lên tương đương với mức tăng chẵn một chục lần của giá vàng trong nước từ năm 2000 đến 2011.
Một “đồng dạng” khác là từ năm 2007 đến nay, chỉ số giá nhà đất S&P/Case-Shiller của Mỹ đã giảm khoảng 25-30%, trong khi mức giảm này cũng được các quan chức ngành xây dựng Việt Nam “định giá” cho mặt bằng giá nhà đất tại đây. Và gần đây hãng tư vấn bất động sản Saville ở Việt Nam cũng đã tính là giảm khoảng 30%. Dĩ nhiên với trường hợp thị trường ở Việt Nam, phần lớn các con số thống kê chỉ mang tính tương đối, thậm chí nặng về cảm tính và độ tin cậy là rất đáng nghi ngờ. Hiện tượng “loạn số liệu tồn kho bất động sản” diễn ra trong thời gian gần đây là một minh chứng hùng hồn.
Đúng ra, thị trường nhà ở Mỹ đã hồi sinh trước thị trường bất động sản Việt Nam ít nhất một năm rưỡi, tính đến giờ phút này. Từ cuối năm 2011, cùng với việc nền kinh tế Mỹ tiếp nhận những kết quả bắt đầu khả quan, số lượng nhà phát mãi của Mỹ cũng bắt đầu xuất hiện tín hiệu giảm, trong khi số nhà khởi công mới dần tăng lên. Đà tăng răng cưa này đã diễn biến lặng lẽ trong suốt năm 2012, để đến cuối năm ngoái, giới phân tích Mỹ đã chính thức xác nhận rằng thị trường nhà ở quốc gia này đã chính thức “thoát khỏi suy thoái”.
Khác hẳn với Việt Nam, thị trường nhà ở Mỹ không hề có bong bóng, cho dù các đảng phái ở quốc gia này thỉnh thoảng vẫn nhắc lại từ ngữ bóng bẩy đó như một ẩn ý chính trị đối với đảng cầm quyền. Bất chấp số nhà ở bị niêm phong và đưa vào diện phải phát mãi là “khủng khiếp” trong năm 2008, chính sách tài chính hơn 900 tỉ USD của chính phủ Mỹ đã bắt đầu tỏ ra hiệu nghiệm. Tình trạng trì trệ lui dần.
Tới nay, 87% các thành phố ở Mỹ có giá nhà tăng, dẫn đầu là Sacramento thuộc bang California và Atlanta thuộc bang Georgia với mức tăng 39%, tiếp đó là Fort Myers thuộc bang Florida 36%, Reno thuộc bang Nevada tăng 33%, và Las Vegas thuộc bang Nevada tăng 31%. Đó cũng là lý do vì sao các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng tiến không ngưng nghỉ trong thời gian gần đây.
Nhưng với thị trường bất động sản Việt Nam lại hoàn toàn khác. Khoảng thời gian cuối năm 2011 chỉ là khởi đầu cho tan vỡ. Còn nguyên năm 2012 lại chứng kiến sự thê thảm không khác gì tình trạng vỡ bong bóng. Tuy không phải tất cả các phân khúc, nhưng chỉ riêng chuyện gần 200.000 căn hộ các loại tồn kho từ Bắc vào Nam đã là một cái gì đó không thể cứu vãn nổi.
Lúng túng và chậm lụt, các cơ quan và chính sách “giải cứu” thị trường bất động sản ở Việt Nam đã không làm được một việc gì có ý nghĩa từ năm 2010, khi tình trạng nợ xấu bất động sản vẫn chưa quá xấu, và cho đến nay – vào lúc mọi chuyện đã trở nên cám cảnh đến mức có giám đốc công ty kinh doanh nhà đất phải ra đường bán trà đá.
Tình hình như thế đã cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng và nền kinh tế của nước này nói chung đã bị lệch pha rất lớn so với đà phục hồi thị trường nhà đất và nền kinh tế Mỹ. Điều đó cũng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam đã rất yếu ớt, như một người bệnh thâm căn cố đế và không còn sức đề kháng trước cơn ung thư di căn đang hoành hành.
Nếu không giải quyết được nợ xấu bất động sản, nền kinh tế Việt Nam sẽ không có khả năng nào đối ứng với hiệp định TPP, cho dù có được chấp nhận tham dự vào bàn tiệc này.
RFI : Vậy theo anh thị trường bất động sản Việt Nam mất bao lâu mới có thể phục hồi được?
TS Phạm Chí Dũng : Như phân tích của một tổ chức nghiên cứu quốc tế, thị trường nhà ở Mỹ đã phải mất hơn 6 năm kể từ khi khủng hoảng để phục hồi trở lại, cũng như phải mất hơn 4 năm kể từ khi các chính sách giải cứu được áp dụng rộng rãi để thị trường tăng trưởng trở lại.
Còn với thị trường và cơ chế ở Việt Nam thì sao?
Một số nhà phân tích nêu ra một cách nhìn lạc quan hơn, căn cứ vào tính chu kỳ trong lịch sử vận động của thị trường bất động sản Việt Nam tính từ năm 1995. Khởi phát từ năm đó, thị trường này đã sôi trào vào năm 1997, để sau đó lần đầu tiên rơi vào suy thoái trong khoảng 4 năm. Đến năm 2001, bất động sản Việt Nam lại một lần nữa bật dậy. Chu kỳ tiếp theo chìm lắng suốt từ năm 2002 đến năm 2006. Như vậy, tính bình quân cho khoảng lắng giữa các đợt tạo sóng là thời gian khoảng 5 năm.
Cho đến nay, đã 6 năm trôi qua kể từ năm 2007, vượt hơn cả một chu kỳ suy thoái trong dĩ vãng. Nếu theo cách suy diễn này, thị trường tất nhiên có đầy đủ cơ sở để phục hồi.
Tuy thế, làm sao để tạo “sóng” lại là một câu chuyện hoàn toàn lạ lùng và có lẽ còn trở nên dị hợm trong bối cảnh đương đại, khi trong 20 năm qua, giá nhà đất tại những thành phố lớn trên cả nước đã tăng đến 100 lần. Như vậy những người có nhu cầu thực tế về nhà ở sẽ nhìn vào cái cấp số nhân đó để tính toán cho phép thử cung – cầu trên thị trường hiện nay.
Đó cũng là tất cả những gì mà hệ quả của nợ xấu đang tác động, và trở thành tác động có tính quyết định.
Với tất cả những gì bất cập đến mức không thể chấp nhận trong lịch sử tồn tại của thị trường bất động sản, không ai có thể trả lời được câu hỏi sẽ mất bao lâu để phục hồi nó.
Chỉ biết rằng nếu bất động sản không được “siêu thoát” trong năm nay và cùng lắm trong năm sau, không biết nền kinh tế còn bị “phủ nhận” đến bao giờ.
RFI : Nếu dùng từ của anh là nền kinh tế bị “phủ nhận”, liệu xã hội Việt Nam liệu có lâm vào một cuộc khủng hoảng?
TS Phạm Chí Dũng : Rất có thể. Hiện thời, giới điều hành đầy quan liêu cùng các nhóm lợi ích ở Việt Nam đang phải đối diện với một phương trình có quá nhiều ẩn số.
Muốn giải quyết nợ xấu nói chung và nợ xấu bất động sản nói riêng thì phải xử lý tồn kho nói chung và tồn kho bất động sản nói riêng; muốn xử lý tồn kho bất động sản lại phải làm tăng tổng cầu và niềm tin tiêu dùng cho nền kinh tế. Nhưng ai cũng biết rằng muốn tăng tổng cầu kinh tế thì phải bơm tiền, trong khi nguồn tiền đang có dấu hiệu cạn kiệt do bị tồn kho và không giải quyết được nợ xấu. Chưa tính tới yếu tố bơm tiền hoàn toàn có thể sinh ra lạm phát…
Đây chính là một cái vòng luẩn quẩn mà sẽ dẫn tới “thời điểm Minsky” – tức thời điểm nền kinh tế phải chịu cảnh đổ vỡ dây chuyền, bắt đầu từ khối doanh nghiệp con nợ và ngân hàng chủ nợ không thu hồi được các món nợ, dẫn tới khả năng sụp đổ kinh tế.
Theo một số chuyên gia phản biện độc lập như Bùi Kiến Thành và Nguyễn Trí Hiếu, triển vọng giải quyết tồn kho bất động sản sẽ rất chậm và phải kéo dài ít nhất 4-5 năm. Nhưng ngay trong ngắn hạn năm 2013 và năm 2014, tình trạng nợ khó đòi của các doanh nghiệp bất động sản lại luôn có thể tạo nên sang chấn bùng vỡ cho giới ngân hàng chủ nợ, mà có thể kéo theo một làn sóng sụp đổ dây chuyền giữa một số ngân hàng lớn.
Nếu không thể giải quyết núi tồn kho bất động sản vào thời hạn “Minsky” giữa năm 2014, hoặc chậm lắm đến cuối năm 2014, rất nhiều khả năng nợ xấu bất động sản sẽ làm bùng vỡ nợ xấu quốc gia và đẩy các ngân hàng vào thế tồn vong. Thế tồn vong đó cũng có thể gây tác động tiêu cực không nhỏ đến chân đứng của một nền chính trị vốn đang chịu nhiều xáo động.
Nếu không tự thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của mình, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng rơi vào một cơn khủng hoảng mới còn ghê gớm hơn cả khủng hoảng 2008 và đợt suy thoái kéo dài suốt ba năm qua. Khủng hoảng kinh tế lại rất dễ dẫn đến khủng hoảng xã hội – một phạm trù vốn đã tiềm ẩn nhiều mầm mống được thể hiện trên nhiều đường phố. Khi đó, liệu một chính khách cao cấp nào – tổng bí thư, chủ tịch nước hay thủ tướng – có thể dám chắc là không xảy ra một cơn địa chấn về chính trị?
RFI : Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
THEO RFI

'Làm việc 18 tiếng, ăn uống khổ cực nên nhảy xuống biển'



Lao động vất vả, ăn uống kham khổ với thực phẩm chủ yếu là cá mồi đã thối, xin về nhà không được, thuyền viên Việt Nam lên kế hoạch nhảy xuống biển để trốn.

Sáng nay, 4 thuyền viên Đào Ngọc Trung (27 tuổi), Trần Văn Dương (31 tuổi), Hồ Thanh Tùng (30), Lê Văn Chính (20 tuổi, cùng ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có mặt quê sau những tháng ngày mệt mỏi nơi xứ người.
Anh Trung kể, ngày 16/6/2012 cùng với anh Dương lên tàu Cheng Cheng Shipping của ông chủ người Đài Loan. 7 tháng sau, anh Chính và Tùng tiếp tục lên con tàu này cùng một số thuyền viên nước khác. Trên tàu có tất cả 25 người, trong đó 16 người Philippines, 4 người Trung Quốc, 4 người Việt Nam, một người Indonesia.
Tàu bắt đầu ra khơi đánh cá ngừ. Anh Trung làm đầu bếp còn 3 thuyền viên người Việt khác làm mồi, kéo câu trên tàu. Theo 4 thuyền viên, công việc của họ bị quá tải, chủ tàu quản lý rất chặt chẽ. "Hầu như ngày nào cũng làm việc 18 giờ một ngày. Nếu không làm việc đúng giờ thì chủ tàu dọa không chấm công", anh Trung kể.
Các thuyền viên kể lại hành trình trở về (Ảnh Hải Bình)
Các thuyền viên kể lại hành trình trở về. Ảnh: Hải Bình.
Làm việc quá sức, nhiều thuyền viên sút cân, chán nản nhưng vẫn phải cố gắng. "Nhiều hôm em làm việc đến kiệt sức, xin nghỉ nhưng chủ tàu không đồng ý nên vẫn phải cố gắng hoàn thành", anh Dương kể.
Không chỉ làm việc nhiều giờ, các thuyền viên cho hay, còn phải ăn uống kham khổ. Buổi sáng chủ yếu là ăn cháo, buổi trưa và tối hầu như ăn cơm với cá mồi câu đã bị tanh ươn. Nhiều con cá làm mồi câu đã hôi thối nhưng chủ tàu vẫn ra lệnh nấu lên để ăn. Lâu lâu họ mới được ăn vài cọng rau, miếng thịt gà. Hoặc hôm nào câu được nhiều cá thì chủ tàu cho đổi bữa.
Làm việc mệt nhọc, ăn uống khổ cực khiến nhiều thuyền viên chán nản. Các thuyền viên nước ngoài xin nghỉ việc để về nước thì được tàu đồng ý, riêng đề nghị của các thuyền viên Việt Nam lại không được chủ chấp thuận. Bốn người tâm sự với nhau rằng, nếu duy trì tình trạng này thì "đến khi hết hợp đồng không biết có còn xác để trở về nữa hay không". Và họ lên kế hoạch chạy trốn.
Anh Trung cho biết, ý tưởng nhảy xuống biển trốn đã được cả 4 người bàn bạc từ trước lúc tàu vào kênh Panama. Họ ngồi chú ý tới các tàu thuyền qua lại quanh con tàu mình ở để căn khoảng thời gian nhảy xuống sẽ được cứu. 0h đêm 14/8, khi thấy con tàu tiến đến gần cột báo hiệu trên biển, 4 người mặc áo phao, cầm can nhựa nhảy xuống biển.
thuyền viên Đào Ngọc Trung bên vợ con (ảnh Việt Hùng)
Anh Đào Ngọc Trung hạnh phúc bên vợ con. Ảnh: Việt Hùng.
"6 giờ lênh đênh trên biển, có lúc chân tay lạnh cóng, tôi nghĩ mình sẽ chết. Nhưng nghĩ đến con nhỏ chưa đầy 1 tuổi và vợ ở quê nên tôi gắng hết sức. Khi được tàu cảnh sát Panama cứu tôi mới biết mình sẽ có cơ hội gặp vợ con", anh Trung ôm con trai vào lòng và kể lại.
Được cứu lên bờ, cả 4 người bày tỏ nguyện vọng được trở về nước. Ngày 17/8, 4 người lên máy bay và chiều 19/8 đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Trước thông tin các lao động này nhảy khỏi tàu để đi làm việc nơi khác, cả 4 người đều cho rằng, nhảy xuống biển rất nguy hiểm nên không thể đánh liều với tính mạng của mình. Hơn nữa, họ đang bị công ty nợ lương.
Cụ thể, anh Trung bị nợ 2 tháng cùng 5 triệu tiền cọc phá vỡ hợp đồng. Lương thực của anh Trung là 500 USD nhưng gia đình nhận được 400 USD. Anh Trần Văn Dương bị nợ 4 tháng lương (mỗi tháng gia đình nhận 6 triệu đồng). Anh Tùng còn 3 tháng lương (mỗi tháng 7 triệu đồng). Số tiền họ nộp cho công ty xuất khẩu lao động là 11-17 triệu đồng mỗi người.
Ít tuổi nhất trong số 4 thuyền viên, Trần Văn Dương giọng buồn rầu: "Đây là lần đầu em mang mộng làm giàu để đi xuất khẩu. Nhưng có lẽ đây cũng là lần cuối vì không ngờ lại cực như thế. Bây giờ trước mắt có lẽ em chỉ ở nhà đi biển với anh em người thân ở quê, được con tép thì ăn tép, được tôm thì ăn tôm chứ không dám nghĩ tới xuất khẩu lần nữa đâu", Dương nói và mong muốn được công ty thanh toán hết tiền lương để anh trả nợ và trang trải cuộc sống.
Hải Bình - Việt Hùng

Tràn lan phích Trung Quốc có 'chất lạ'

(TNO) Sau khi phát hiện những chiếc phích nước 'Made in China' có 'chất lạ' tại xã Tiên Phong, H.Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, Thanh Niên Online đã khảo sát thị trường Hà Nội và phát hiện, loại phích với 'chất lạ' ở đáy này được bán tràn lan với giá khá rẻ.
Không khó để tìm mua những chiếc phích “Made in China” ở chợ Đồng Xuân. Chỉ vài phút mặc cả với người bán, chúng tôi đã mua được những chiếc phích bề ngoài giống hệt những chiếc phích chứa "chất lạ" mà bà con ở xã Tiên Phong, H.Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam mới phát hiện gần đây. Chủ yếu là loại phích có dung tích 0,35 lít với giá chỉ 55.000 đồng/chiếc.
Chủ cửa hàng tên A.T cho biết nếu mua số lượng trên 20 chiếc, chỉ còn 50.000 đồng một chiếc. Loại dung tích lớn hơn, 0,5 lít thì giá bán 70.000 đồng/chiếc, mua nhiều chỉ còn 65.000 đồng.
Người bán hàng tên Th. ở chợ Đồng Xuân cho biết phích nước loại này có mặt ở chợ Đồng Xuân ít nhất là 3 năm nay.
Hà Nội tràn lan phích Trung Quốc có chất lạ
Chiếc phích nước được mua tại Hà Nội có hình dáng bề ngoài giống hệt những chiếc phích chứa "chất lạ" mà bà con xã Tiên Phong, H.Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam phát hiện mới đây
Hộp chiếc phích có ghi dòng chữ tiếng Anh “High grade vacuum flash” (tạm dịch: Phích nước chân không chất lượng cao), không ghi nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đáy hộp ghi rõ “Made in China”.
Hà Nội tràn lan phích Trung Quốc có chất lạ
Gói chất lạ được buộc sơ sài trong một chiếc túi tìm thấy dưới đáy phích
Chiếc phích làm bằng hợp chất, bề ngoài sáng như nhôm nhưng cực kỳ nhẹ. Có nắp, phần nhựa ở trên miệng phích để khi nhấn tay vào nước chảy ra. Lắc nhẹ chiếc phích có thể thấy rõ tiếng kêu lạo xạo ở dưới đáy.
Không hề mất chút công sức nào, chúng tôi lấy đầu mũi kéo lay nhẹ vào phần đáy chiếc phích, phần đáy đã bung ra, chất lạ được buộc sơ sài trong một cái túi nilon rơi xuống.
Hà Nội tràn lan phích Trung Quốc có chất lạ
Chất lạ gây mùi khó chịu từ trong đáy phích
Chúng tôi đã thử mở phích và ngửi thấy ruột phích có mùi rất khó chịu, cảm giác nôn nao, đau đầu.
Phần chất giống như bột có màu nâu cà phê, mềm, mịn như cát và khi ngửi cũng thấy có mùi khó chịu không kém. Phần chất lạ này chỉ được buộc trong một cái túi nilon rất đơn giản. Khi lắc mạnh tay chiếc phích nhiều lần, phần nilon này dễ dàng bung ra.

Khác với kết cấu của phích thông thường
Theo một kỹ sư phòng Quản lý chất lượng của một công ty chuyên về bóng đèn, phích nước, cấu tạo của ruột phích được làm bằng lớp thủy tinh mạ Nitơrát bạc để phản chiếu bức xạ nhiệt.
Bên ngoài là lớp vỏ bằng kim loại hoặc bằng nhựa. Chính giữa là chân không để không bị truyền nhiệt. Sau khi hút hết không khí để tạo chân không, nhà sản xuất hàn đáy bình thủy tinh lại, tạo thành "nốt ruồi" thủy tinh ở đáy bình, nếu nốt bị vỡ, không khí tràn vào, giữa 2 thành của ruột bình sẽ bình mất tác dụng. Ngoài ra, để bình không bị vỡ, phần đáy bình giữa lớp trong và ngoài là đệm mút cao su.
“Việc thay lớp đệm cao su bằng chất bột là hơi lạ. Khả năng đây là loại bình chất lượng kém, nhà sản xuất Trung Quốc dùng lớp bột thay thế cao su để hạ giá thành. Tuy nhiên, việc đặt chất lạ vào bên trong có thể gây phát tán ở nhiệt độ thường và nhiệt độ cao. Nếu thẩm thấu vào nước có thể gây mất an toàn, độc hại cho người sử dụng. Muốn biết đây là chất gì cần phải đưa đến phòng thí nghiệm hóa học để kiểm tra”, vị kỹ sư này nói.

Chất lạ trông giống như cát
Đó là nhận định sơ bộ ban đầu của tiến sĩ Trần Thượng Quảng, Viện kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội về chất lạ dưới đáy phích Trung Quốc.
Tiến sĩ Quảng cho hay, nguyên lý hoạt động của những chiếc phích nước giữ nhiệt này phải có lớp chân không. Nhà sản xuất phải rút toàn bộ không khí trong phích ra, đảm bảo vỏ ngoài của chiếc phích thật kín để nhiệt không thể tản ra ngoài. Nhưng việc này đảm bảo kỹ thuật cao và giá thành cao.
“Túi cát có thể giảm tỏa nhiệt. Thứ nữa, nhiệt truyền từ nước vào túi cát rồi giữ ở đó, khiến tay chúng ta sờ vào phích lúc nào cũng thấy ấm, ta tưởng là nước trong phích nóng. Đó là một sự đánh lừa người tiêu dùng”, ông Quảng nói. (Thu  Hằng - Thúy Hằng)
Thúy Hằng (thực hiện)

Chuẩn bị nhiều phương án sơ tán công dân Việt Nam tại Ai Cập

(TNO) Chiều nay (20.8), Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đào Thành Chung về tình hình Ai Cập cũng như khả năng sơ tán công dân Việt Nam khi xảy ra tình hướng xấu.
Đại sứ Đào Thành Chung: Kể từ sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ hôm 30.6 đến nay, tình hình Ai Cập có những diễn biến hết sức khó lường. Ngày 14.8 quân đội đã tiến hành cuộc trấn áp nhằm giải tán hai cuộc biểu tình của những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi. Bạo lực đã nổ ra và số người chết, người bị thương rất lớn. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập có tới 557 người chết, trên 3.000 người bị thương. Phía Ai Cập nói đây là sự việc đáng tiếc vì mong muốn của họ là giải tán biểu tình trong hòa bình. Trong những ngày qua đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo động, đốt phá lan rộng.
Sau khi Ai Cập ban bố tình trạng khẩn cấp cùng với hàng loạt biện pháp an ninh được triển khai thì Cairo đã tạm thời yên tĩnh. Tuy nhiên, theo tôi đây cũng chỉ là sự yên tĩnh tạm thời. Tình hình vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các cuộc xung đột, đụng độ có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (MB) tuyên bố họ sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình trong khi Chính phủ lâm thời coi các hành động biểu tình, đốt phá là “khủng bố” và khẳng định sẽ đối phó một cách cứng rắn và kiến quyết .
* Tình hình này đã ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập?
Đại sứ Đào Thành Chung: Theo số liệu mà chúng tôi nắm được, hiện có 81 công dân Việt Nam đang sinh sống làm việc tại Ai Cập. Trong đó chủ yếu cán bộ, nhân viên đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao và các thành viên gia đình đi theo. Ngoài ra, còn có một số học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường của Ai Cập.
Bên cạnh đó là một số lao động và người Việt có vợ hoặc chồng đang làm việc cho các công ty, tổ chức quốc tế. Ngoại trừ một số chị em lấy chồng Ai Cập đang sống ở các vùng nông thôn thì hầu hết mọi người đều đang sống tại thủ đô Cairo.
Theo các thông tin hiện tại thì rất may mắn là chưa có sự vụ nào đáng tiếc xảy ra đối với cộng đồng người Việt.
Đại sứ quán vẫn thường xuyên liên hệ với cộng đồng người Việt để thông báo và cảnh báo về tình hình. Chúng tôi đã khuyến nghị các công dân Việt Nam nên tránh xa các khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an ninh, an toàn. Bên cạnh đó, cần giữ liên lạc với đại sứ quán để cập nhật tình hình. Đại sứ quán cũng đồng thời khuyến nghị công dân nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa; tích trữ lương thực, thực phẩm đề phòng bạo loạn xảy ra.
Đại sứ quán cũng thường xuyên được chỉ đạo sát sao từ Bộ Ngoại giao. Hiện chúng tôi đang xây dựng phương án cho những trường hợp xấu nhất xảy ra, kể cả việc đóng cửa Đại sứ quán và sơ tán cộng đồng người Việt. Bộ Ngoại giao cũng sẵn sàng có những hình thức hỗ trợ khi cần thiết.
* Ông có thể cho biết các phương án cụ thể là như thế nào không?
Đại sứ Đào Thành Chung: Hiện có nhiều phương án, cụ thể thế nào sẽ thực hiện theo tình hình cụ thể cũng như ý kiến chỉ đạo từ trong nước. Do số lượng người Việt ở Ai Cập khá ít nên các phương án của ta cũng linh hoạt. Một số nước có số lượng công dân lớn ở Ai Cập như Thái Lan (khoảng 2.000 người) vừa qua đã có quyết định đưa máy bay sơ tán công dân khi tình hình bạo lực leo thang. Một số nước ASEAN có sinh viên theo học ở Ai Cập như Brunei, Singapore,  Malaysia, Indonesia, Philippines cũng đã bắt đầu sơ tán công dân của mình.
Hiện tại chúng tôi khuyến nghị các sinh viên đã hoàn thành chương trình học tập tại Ai Cập nhanh chóng thu xếp để về nước. Các công việc, thủ tục còn lại, Đại sứ quán sẽ cử đại diện liên hệ với nhà trường để giải quyết. Đối với các sinh viên đang tiếp tục theo học, Đại sứ quán đã đề nghị với các trường bố trí các em vào ở trong các khu ký túc xá để đảm bảo an toàn. Chúng ta cũng có một số lao động hiện đang làm việc tại một nhà hàng Việt Nam ở một địa điểm du lịch nổi tiếng, tuy nhiên khu vực này tương đối ổn định, không có xảy ra biểu tình, bạo động.
Ngoài ra, còn một số công dân Việt Nam khác có vợ hoặc chồng đang làm việc cho các công ty, tổ chức quốc tế cũng cho biết đã có chuẩn bị phương án riêng của mình.
* Ông dự đoán như thế nào về tình hình trong thời gian tới?
Đại sứ Đào Thành Chung: Như tôi đã nói ở trên, sau khi xảy ra sự kiện 30.6 dẫn đến cuộc phế truất Tổng thống Morsi thì tình hình Ai Cập rất khó lường. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (MB) là một lực lượng chính trị rất lớn ở Ai Cập hoạt động từ hơn 80 năm qua. Chủ trương của họ trước nay là không có sự thỏa hiệp. Trong bối cảnh hiện tại, việc sắp tới MB sẽ quyết định như thế nào vẫn còn là một ẩn số. Vẫn chưa rõ họ sẽ tiếp tục con đường đấu tranh bạo lực hay có những biện pháp hòa bình và tham gia vào chính phủ mới. Không có gì rõ ràng ở thời điểm này nhưng tình hình tiềm ẩn rất nhiều bất ổn.  
Sau khi Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, duy trì lệnh giới nghiêm thì tình hình có vẻ như đã có lắng dịu. Quân đội Ai Cập thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc đưa tình hình an ninh trở lại ổn định. Chính quyền đã tiến hành rất nhiều vụ bắt bớ, ước tính có hơn 1.000 nhân vật chủ chốt của MB đã bị bắt giữ. Tin mới nhất là giáo chủ số 1 của MB là Mohamed Badie đã bị bắt sáng nay 20.8.
* Xin Đại sứ cho biết hiện tinh thần của cộng đồng người Việt hiện như thế nào trước những diễn biến phức tạp tại Ai Cập?
Đại sứ Đào Thành Chung: Có lẽ nếu theo dõi các thông tin được cập nhật liên tục trên các phương tiện truyền thông thì nhiều người sẽ nghĩ rằng tình hình rất xấu. Nhưng là những người trong “tâm bão” thì chúng tôi vẫn cảm thấy bình thường. Trừ những khu vực xảy ra biểu tình thì mọi sinh hoạt ở Cairo vẫn diễn ra khá bình thường. Ai Cập là như vậy. Tình hình hiện nay cũng tương tự như cuộc cách mạng 25.1 (2011), nơi nào có biểu tình thì tập trung rất đông người và có khả năng xảy ra đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát trong khi những nơi khác vẫn hoàn toàn bình thường. May mắn là hiện nay chưa xảy ra các cụ cướp phá như năm 2011 do quân đội Ai Cập vẫn có khả năng đảm bảo được an ninh, an toàn cho các công sở cũng như người dân. Tất nhiên nguy cơ bạo lực tiếp diễn vẫn có thể xảy ra.
* Xin cảm ơn Đại sứ.

Không có lao động Việt Nam tại Ai Cập
Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết Ai Cập thuộc khu vực Trung Đông - một thị trường lao động mới, rất tiềm năng, và hiện tại một số công ty đang triển khai đưa người lao động sang các nước thuộc khu vực này. Ngay tại Lybia, nước láng giềng với Ai Cập, hiện có hàng ngàn lao động (LĐ) Việt Nam đang làm việc.
Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Ai Cập chưa ký kết hiệp định hợp tác lao động nên có thể khẳng định, tại Ai Cập không có LĐ Việt Nam. Cục cũng chưa cấp phép cho các công ty đưa LĐ sang thị trường này. Nếu có là chỉ có sinh viên và những người Việt sinh sống lâu năm tại đây. (Thu Hằng)
Trường Sơn (thực hiện)

Học sinh tố cô giáo lừa đưa làm nhân viên massage

(TNO) Ngày 20.8, trao đổi với Thanh Niên Online, thượng tá Trịnh Minh Tăng, Phó trưởng Công an H.Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết hiện công an huyện đang điều tra vụ hai nữ sinh của Trường THCS xã Hà Bình, H.Hà Trung (Thanh Hóa) tố cáo một giáo viên của trường này 'lừa' đưa ra Quảng Ninh để làm nhân viên massage và phục vụ trong quán karaoke.
Trước đó, Công an xã Hà Bình, H.Hà Trung đã nhận được đơn tố cáo của N.T.P (14 tuổi, vừa bỏ học) và N.T.H (14 tuổi, học sinh lớp 8) cùng gia đình tố cáo một cô giáo của Trường THCS xã Hà Bình đã có hành vi “lừa” đưa ra Quảng Ninh để làm nhân viên massage và phục vụ trong quán karaoke. 
“Ban đầu, cô giáo H. nói đưa các cháu lên TP.Thanh Hóa bán hàng, nhưng sau đó cô ấy đã lừa, đưa chúng cháu ra Quảng Ninh. Khi ra đến nơi, cô ấy nói là làm nhân viên massage, chỉ đấm bóp cho khách thôi. Nhưng thực tế, trong phòng massage, khách họ bắt cháu làm những chuyện rất ghê tởm. Họ còn bắt cháu quan hệ tình dục, nhưng cháu không cho. Biết mình bị lừa, cháu đã âm thầm nhắn tin cho gia đình để trình báo với công an đưa cháu về nhà”, cháu H. nói.
Vụ việc sau đó được chuyển lên cho Công an H.Hà Trung điều tra, xử lý.
Tuy nhiên, tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên Online, cô giáo H. chỉ thừa nhận bản thân có mượn cháu P. là học sinh cũ (hiện đã bỏ học) lên TP.Thanh Hóa giúp bán thực phẩm chức năng (cô H. hiện tham gia vào một công ty bán hàng đa cấp hoạt động tại Thanh Hóa).
Sau đó, do người thân ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) cần người giúp việc nên cô H. đã đưa P. ra Quảng Ninh. Còn việc cháu P. rủ cháu H. (học sinh lớp 8) như thế nào cô này không biết. Cô này cũng phủ nhận đưa các cháu học sinh đi làm nhân viên massage và phục vụ trong quán karaoke.
Còn bà Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Bình, thì đề nghị cơ quan công an sớm làm rõ sự thật để nhà trường có hướng xử lý.
“Hôm nay, Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường đã yêu cầu cô H. làm tường trình vụ việc. Nhà trường mong rằng, cơ quan công an nhanh chóng điều tra để sớm có kết luận vụ việc. Nếu cô H. thực sự có hành vi như các cháu học sinh và gia đình tố cáo, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, đưa cô ấy ra khỏi ngành giáo dục. Còn nếu cô ấy không có hành vi như thế, thì cũng nên sớm có kết luận rõ ràng để cô H., nhà trường và ngành giáo dục đỡ mang tiếng…”, bà Nhung nói.
A.C

Hàng ngàn người đội mưa, chen lấn tại chùa làm lễ Vu lan ở Hà Nội

(TNO)Tối 20.8 (tức 14 tháng 7 âm lịch), bất chấp cơn mưa nặng hạt, hàng ngàn người vẫn đội mưa, chen lấn vào chùa Phúc Khánh (phố Tây Sơn, Q.Đống Đa, Hà Nội) để làm lễ Vu lan báo hiếu mẹ cha.

Từ lúc 17 giờ, lối dẫn vào cổng chùa Phúc Khánh đã ken cứng người đi lễ. Vì trời mưa nặng hạt nên ai cũng lỉnh kỉnh áo mưa, nón mũ đội lễ vào chùa; nhiều người đến từ rất sớm để giữ chỗ.
Người đứng, người ngồi khắp ở điện thờ, sân chùa, bậc cầu thang… không còn một chỗ trống. Dòng người đổ về chùa càng lúc càng đông hơn. Vì chỉ có một lối vào duy nhất nên nhiều người sốt ruột chen lấn, xô đẩy vào chùa làm lễ sớm tại cửa chính dẫn vào điện thờ.
Nhân viên bảo vệ nhà chùa đã rất vất vả đóng cửa tạm thời để ổn định trật tự. Nhiều người không thể chen chân vào chùa phải ngồi tràn lên cầu vượt Ngã Tư Sở làm lễ ngoài đường.
Đến 19 giờ, hàng ngàn người cùng làm lễ tụng kinh, hướng lòng thành lên đấng linh thiêng để cầu kính.
Thanh Niên Online ghi lại hình ảnh hàng ngàn người đội mưa, chen lấn làm lễ Vu Lan tại chùa Phúc Khánh:
 Vu lan 1 Hàng ngàn người đội mưa đến chùa Phúc Khánh làm lễ Vu lan
Vu lan 2
Trong khuôn viên chùa ken cứng người, không còn một chỗ trống
Vu lan 3
Tại điện thờ chính, từ cuối giờ chiều đã có rất nhiều người đến làm lễ sớm
Vu lan 4
Bất chấp trời mưa nặng hạt, nhiều người vẫn mặc áo mưa chắp tay khấn vái
Vu lan 6
Nhân viên bảo vệ nhà chùa đã rất vất vả đóng cửa tạm thời
Vu lan 8
Nhiều người không thể chen chân vào chùa phải ngồi tràn lên cầu vượt Ngã Tư Sở làm lễ ngoài đường
Nguyễn Tuấn - Xuân Bùi

Bị đòn vì cự cãi CSGT

Thời gian gần đây, Báo Thanh Niên tiếp nhận nhiều đơn thư, phản ánh của người vi phạm giao thông bức xúc về việc họ bị xử “oan”, nhưng sau khi tranh cãi với CSGT thì đa phần là thua, thậm chí bị ăn đòn.

Phản ánh tới Thanh Niên, có người cho biết vụ việc của họ mới xảy ra gần đây; có trường hợp xảy ra cũng đã lâu, nhưng thấy báo chí đăng tải thông tin người vi phạm giao thông bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT xảy ra tại Q.Tân Phú, TP.HCM, nên bức xúc đi phản ánh.
 

Mời bạn đọc bấm vào đây để xem clip CSGT đứng nhìn người vi phạm giao thông bị đánh.

Liên quan đến vụ đánh chết người vi phạm giao thông tại Q.Tân Phú, mặc dù 2 hung thủ đã bị bắt và vụ án đang trong vòng điều tra song dư luận không khỏi băn khoăn, thắc mắc vì sao hung thủ lại ra tay tàn nhẫn đến như vậy. Vụ việc, theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, diễn biến như sau: chiều 9.4, ông T.V.Hiền (42 tuổi) cùng hai người thân rủ nhau đi nhậu tại quán Phượng Cát trên đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú. Đến 21 giờ cùng ngày, khi cả 3 điều khiển xe gắn máy (mỗi người đi 1 xe) ra khỏi quán một đoạn thì ông Hiền bị CSGT thổi lại lập biên bản vi phạm về nồng độ cồn. Do bị tạm giữ phương tiện nên ông Hiền đã cự cãi với CSGT và dọa lấy ĐTDĐ chụp hình. Sau hơn 30 phút cãi nhau với CSGT, ông Hiền để xe lại, đón xe ôm về nhà, nhưng đi được khoảng 300 m thì bị Lê Thanh Bằng (36 tuổi, ngụ Bến Tre) và Lê Văn Tòng (18 tuổi, ngụ Tiền Giang) đi xe gắn máy đuổi theo đánh ông té ngã, đầu đập xuống đường. Người lái xe ôm hoảng sợ đã bỏ đi… Mặc dù được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng ông Hiền không qua khỏi do bị chấn thương sọ não. Hơn 1 tuần sau, Bằng, Tòng ra đầu thú tại Công an Q.Tân Phú. Bước đầu, 2 người này khai do thấy ông Hiền cự cãi với CSGT nên bức xúc chặn đường đánh “dằn mặt” ông Hiền cho hả giận (?!)…

Bị đòn vì cự cãi CSGT Người đàn ông to con đánh người vi phạm
“Mày chống đối à ?”
May mắn hơn trường hợp trên, anh Phùng Viết Cần (35 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) trực tiếp đến tòa soạn nhờ báo lên tiếng phản ánh anh cũng bị người lạ hành hung sau khi phản ứng lại CSGT. Theo anh Cần trình bày: vào cuối năm 2012, khi điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (từ hướng cầu Thủ Thiêm về cầu Sài Gòn), đến đường giao nhau ở gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), anh cho xe qua giao lộ này khi đèn tín hiệu vừa chuyển qua màu vàng ở giây đầu tiên thì bị 2 CSGT ra hiệu dừng xe với lỗi vượt đèn đỏ. Anh Cần chấp nhận để CSGT lập biên bản vi phạm, nhưng ghi vào phần ý kiến (của người vi phạm) là xe của anh vượt đèn vàng giây đầu tiên. Lập biên bản xong, CSGT yêu cầu anh Cần xóa 2 chữ “…đầu tiên…” nhưng anh không đồng ý. Viên CSGT đã tự tay lấy bút xóa, rồi yêu cầu anh Cần ký biên bản vi phạm nhưng anh vẫn cự tuyệt. Sau một hồi cự cãi, viên CSGT đã ném giấy tờ xe xuống đất. Anh Cần lượm lên bỏ đi thì bất ngờ CSGT xông vào giật chìa khóa xe và lấy ĐT gọi cho ai đó. Đợi 10 phút sau, anh Cần đến yêu cầu CSGT lập biên bản, nếu không thì trả chìa khóa lại để anh đi, nhưng viên CSGT vẫn không nói gì. Bức xúc, anh Cần rút ĐT gọi điện cho tổng đài xin số đường dây nóng của báo chí nhờ can thiệp. Nghe vậy, 2 CSGT này ném trả lại chìa khóa, lên xe bỏ đi.
“CSGT vừa đi, tôi đã bị một người đàn ông lạ xông vào giật ĐTDĐ của tôi, tháo pin vứt đi, rồi vừa đánh vừa nói: “Sao mày không chịu chung, mày chống đối à?”. Sau đó, người này yêu cầu tôi gọi ĐT xin lỗi 2 CSGT hồi nãy, nếu không sẽ bị đâm chết. Người này gọi cho ai đó nói: “Tao xử nó rồi. Bây giờ nó muốn xin lỗi…”. Nhưng khi tôi cầm máy định xin lỗi thì đầu dây bên kia cúp máy”, anh Cần nhớ lại.
Bị đòn vì cự cãi CSGT Người đàn ông này cầm đá tấn công và ném anh Hùng
CSGT thờ ơ nhìn cảnh đánh người
Từ những phản ánh của bạn đọc về chuyện "bị đòn" sau khi cự cãi với CSGT, một nhóm PV Thanh Niên vào cuộc tìm hiểu hiện tượng này. Chọn cung đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1, TP.HCM), qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện có một người đàn ông to con đi chiếc xe gắn máy màu đỏ thường bám theo một tổ CSGT lập chốt trên tuyến đường này, khi tổ CSGT di chuyển đến đâu thì người đàn ông nói trên đều theo đó.
Vào khoảng 10 giờ 20 ngày 28.6, chúng tôi thấy người đàn ông trên “sánh đôi” cùng tổ CSGT trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn gần cầu Thị Nghè II). 25 phút sau, tổ CSGT di chuyển đến gần giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng (Q.1) và người này cũng nhấn ga chạy theo. Hơn 1 giờ theo dõi, chúng tôi thấy người này không hề mời chào, chở khách đi xe ôm, mà chỉ đứng liếc ngang liếc dọc; thỉnh thoảng hỗ trợ xe gắn máy chở hàng quá khổ, cồng kềnh bị CSGT vịn lại.
Bị đòn vì cự cãi CSGT 1 CSGT quay lưng, 1 CSGT đứng nhìn cảnh đánh nhau
Nghiêm trọng hơn, 11 giờ 42 cùng ngày, chúng tôi đã ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc người đàn ông này (đi xe gắn máy màu đỏ, mặc áo quần màu xanh) cùng một người đàn ông khác mặc áo sơ mi trắng, quần jeans xanh đuổi đánh một thanh niên vừa bị thổi lại. Điều đáng nói, tổ CSGT đứng nhìn cảnh đánh nhau ngay trước mặt mình mà không hề có bất cứ phản ứng ngăn chặn hay can thiệp nào. Người đi đường vô cùng bức xúc trước hình ảnh phản cảm này. Vụ việc diễn ra khoảng 2 phút mới có CSGT vào can ngăn. Mặc dù CSGT can ngăn nhưng người đàn ông mặc quần áo màu xanh vẫn hung hăng, nhặt đá ven đường tiếp tục đuổi đánh và ném người vi phạm. Hoảng sợ, người thanh niên bị đánh băng qua đường tháo chạy một mạch về hướng đường Tôn Đức Thắng và không dám quay lại. Sau đó, CSGT đã trả giấy tờ cho người đi cùng xe với người bị đánh.
Tiếp xúc với chúng tôi, người thanh niên bị đánh cho biết tên là T.V.Hùng (29 tuổi, ngụ Nam Định, công tác tại một công ty xuất nhập khẩu ở Q.Bình Thạnh). Theo lời anh Hùng kể, sau khi đi giải quyết công việc ở cảng Tân Thuận về, anh điều khiển xe gắn máy (BKS: 49M1 - 007.6...) chở đồng nghiệp tên T.V.Tuấn (22 tuổi, ngụ Đà Lạt) lưu thông trên đường Tôn Đức Thắng, khi rẽ phải vào đường Nguyễn Hữu Cảnh thì bị CSGT thổi lại. Sau khi đưa giấy chứng nhận đăng ký xe, GPLX cho CSGT kiểm tra và được thông báo phạm lỗi không bật đèn xi nhan, anh Hùng không đồng ý và phản ứng gay gắt vì cho rằng anh có bật đèn xi nhan. Sau một hồi cự cãi, CSGT không lập biên bản vi phạm nhưng chỉ trả giấy chứng nhận đăng ký xe, không trả GPLX với lý do không giữ GPLX. Lúc đó, một cô gái khác bị thổi lại, cự cãi một hồi cũng được cho đi nhưng không thấy chìa khóa xe. Anh Hùng quá bức xúc nên mới nói với cô gái để anh gọi báo chí đến ghi nhận vụ việc. Nghe vậy, 2 người đàn ông nói trên xông vào đánh anh Hùng như đã trình bày ở trên và toàn bộ vụ việc hành hung này đã lọt vào ống kính của PV Thanh Niên.
Sau khi anh Hùng bị đánh và bỏ chạy, CSGT đã đưa trả GPLX của anh Hùng cho anh Tuấn (người đi cùng…
Bị đòn vì cự cãi CSGT Người đàn ông hay song hành cùng tổ CSGT - Ảnh: Nguyên Bảo - Mã Phong
Theo một người dân sống gần giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng, hằng ngày họ đều thấy người đàn ông nói trên hay đi theo CSGT. Hễ thấy ai đến gần CSGT, nghi ngờ có ý đồ quay phim chụp hình là ông này tìm cách đuổi đi. Sau vụ việc đánh anh T.V.Hùng, 12 giờ 40 ngày 4.7, chúng tôi tiếp tục ghi được hình ảnh người này “tháp tùng” tổ CSGT ở đường Nguyễn Hữu Cảnh đang chốt chặn thổi xe trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (giữa đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và cầu Thị Nghè), Q.1...
Nguyên Bảo - Mã Phong

VIDEO - Anh Lê Quốc Quyết bị CA mật vụ nện đá vào đầu suýt chết




CSGT chặn xe cho AN giả dạng côn đồ cướp phá và đánh người

Đoạn clip ghi lại vào sáng ngày 20/8/2013 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Lê Quốc Quyết ‪#‎LeQuocQuyet‬ bị cảnh sát giao thông chặn xe gây sự. Lợi dụng lúc anh Quyết quay đi chỗ khác, một tên mật vụ giả dạng côn đồ bất ngờ lao đến, trên tay cầm theo một hòn đá to đập một cú cực mạnh vào đầu anh Quyết (Facebook Quyet Le Quoc).

Đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh lúc anh Quyết bị nện đá vào đầu. Trước mặt CA mà những tên côn đồ này dám tác oai tác quái như vậy chứng tỏ bọn chúng đã được bảo kê.

Video quay chậm cho thấy tên côn đồ được CA bảo kê đã ra tay hết sức tàn bạo bằng một đòn đánh lén hèn hạ.


Đoạn video làm việc của CA TP.Bà rịa và VKS đến làm việc sau vụ việc trên


Buổi làm việc với CA


Buổi làm việc với CA

Cũng may là anh Quyết đã kịp lui đầu, cú đập của tên côn đồ vì thế đã đập mạnh vào phần cổ và vai của nạn nhân. Nếu không tránh kịp chắc có lẽ anh Quyết sẽ phải nhập viện vì chấn thương sọ não.

Ngoài việc bị đánh, những tên côn đồ được CA bảo kê đã đập phá và tấn công chiếc xe của anh Quyết. Trên xe lúc đó có chị Trần Thị Nga và con nhỏ.

Anh Lê Quốc Quyết là em trai của luật sư Lê Quốc Quân, hiện đang bị giam giữ vối tội danh cáo buộc mang tên 'trốn thuế'.

Đoạn video toàn cảnh vụ hành hung đang được biên tập lại và sẽ sớm đưa lên.

Video được trongsg biên tập lại từ đoạn clip do bạn bè anh Lê Quốc Quyết phổ biến trên youtube