THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 October 2013

Dịch vụ "Chim phóng sanh"!

034_1627039-305.jpg
Một người đang phóng sinh chim tại một ngôi chùa ở Việt Nam trong ngày rằm.
AFP photo
 Nhóm phóng viên tường trình từ VN - 2013-10-04
Những con chim tự do trên bầu trời, bỗng dưng một ngày nào đó, chúng bị sa vào bẫy, bị nhốt vào lồng, thi thoảng người ta tưới nước lên chúng, gọi là tắm cho mát, rồi sau đó mang đến trước cổng chùa để chờ một ai đó phát tâm từ bi mà mua đi phóng sanh. Những con chim nhỏ tội nghiệp này trở nên nhút nhát, khờ khạo và ngơ ngác khi được phóng sanh. Chúng không biết mình phải bay đi đâu và cũng không biết rằng để bị bắt và để được thả, đôi cánh nhỏ của chúng, sinh mạng của chúng phải chở cả giấc mộng áo cơm của nhân quần.
Chim tự chui vào lồng
Có thể nói rằng khắp các chùa Việt Nam, nơi nào có phóng sanh thì nơi đó có chim, cá, rùa… bị bắt mang về để phóng sanh. Đặc biệt, trước sân chùa Bà ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cảnh mua bán chim phóng sanh diễn ra chộn rộn nhất. Cả môt sân chùa toàn mùi hương và mùi lông chim, phân chim bốc lên, không tài nào ngồi quá mươi phút ở đây.
Một người bán chim tên Hưng, là thành viên lâu nay của nhóm chim phóng sanh ở chùa Bà chia sẻ với chúng tôi là ông đã làm nhà, mua xe máy và nhiều thứ cần thiết trong gia đình nhờ vào chim phóng sanh. Và mỗi ngày, ông bán được từ 20 con đến 100 con chim ổ già, chim di. Tùy vào khách sộp hay khách bình dân, giá mỗi con chim dao động từ 5 ngàn đồng đến 25 ngàn đồng. Ngày nào ông cũng ngồi bán ở đây, một mình ông làm dịch vụ này lo cho cả gia đình, ông ngồi bán từ 7h sáng đến 6h chiều.
Chúng tôi lấy làm lạ vì nếu như một mình ông làm dịch vụ này thì lấy đâu ra thời gian để đi bẫy chim về bán và nếu như ông mua lại chim của người khác bẫy thì mua với giá bao nhiêu để có thể bán dao động từ 5 ngàn đồng đến 25 ngàn đồng mỗi con. Khi nghe chúng tôi đặt câu hỏi về vấn đề mình thắc mắc, có vẻ như ông Hưng không vui, ông nói lảng sang chuyện khác và tìm cách thoái thác, không nói chuyện với chúng tôi nữa. Chúng tôi tiếp tục trò chuyện với những người bán chim khác và được biết là mức lợi nhuận từ chim phóng sanh không phải là thấp nhờ vào bầy chim mồi của họ. Nhưng vẫn chưa giải quyết được thắc mắc.
Một người bẫy chim tên Hồ, đứng phía ngoài cổng chùa, bị nhóm bên trong loại khỏi cuộc, không cho vào bán, cho chúng tôi biết rằng ông đi bẫy gần một tuần mới được ngót nghét trăm con, bây giờ nếu bán cho quán nhậu thì chúng phải chết, mà ông thì nghèo quá, không đủ dũng khí để thả bầy chim, thôi thì tìm người có lòng từ tâm họ mua thả, được cả một công đôi chuyện. Nhưng đến đây gặp tình hình này, chắc là phải bán cho quán nhậu.
Ông Hồ lắc đầu chua chát, nói thêm rằng ông đã đứng ở cổng chùa cả buổi và ngộ ra một điều là thà tự tay ông phóng sanh hoặc bán cho quán nhậu để bầy chim được chết một lần, như vậy sẽ đỡ đau khổ cho chúng hơn. Ông Hồ tiết lộ thêm là tất cả những bầy chim phóng sanh ở chùa đều rất khờ khạo và bị nghiện một số chất, trong đó có cả thuốc phiện loại nhẹ. Bầy chim đã được cho ăn thức ăn khác thường, cho uống nước đường và bả thuốc phiện, chúng đâm ra nghiện loại thức uống này nên khi được thả ra khỏi lồng, cách gì chúng cũng tìm mùi của chiếc lồng để chui vào lại. Chính vì thế, mỗi bầy chim có thể được thả cả vài trăm lần trong một năm. Chuyện con người phóng sanh đối với chúng chỉ là chuyện thả ra khỏi lồng để đi tắm nắng gì đó rồi chúng lại quay vào lồng để được uống thức uống đã nghiện.
Lúc ông Hồ kể chuyện này, bên trong sân chùa, có một người đàn ông mập mạp, trán hói và ăn mặc sang trọng, có dáng dấp quan chức đang cầm chiếc lồng chim nâng ngang trán để cầu nguyện điều gì đó, chừng mươi phút, ông này mở cửa lồng và thả chim ra ngoài. Bầy chim được thả ra không vội bay đi, chúng túa ra khắp sân chùa đứng tắm nắng và lượm những hạt gạo trong đám gạo muối vãi cô hồn vương vất khắp sân.
Ai phóng sanh?
chim-phong-sanh-o-san-chua-ba-250.jpg
Chim phóng sinh bày bán ở sân chùa Bà. RFA photo
Một Phật tử chia sẻ với chúng tôi: “Phóng sanh là tạo cho người ta một cái thiện tánh. Chứ thực ra nó cũng có cái hay và không hay. Hay là người họ bỏ tiền ra để chuộc sự sống của loài vật.
Không hay là người bán họ tội lỗi, họ cố bắt để bán lấy tiền cho người phóng sanh. Cho nên cái phóng sanh nó có lợi nếu như theo Đức Phật tức là bất khả tư nghì. Theo đạo Phật tức là làm mà đừng nghĩ đến nguyên nhân. Giống như Đức Phật đã dạy tam thực dục, không nghe, không thấy,không biết. Không nghe tiếng khóc, không nghe tiếng kêu, không nghe tiếng la. Không thấy tức là không thấy người ta giết. Không biết tức là không biết đồ vật đó là cái gì. Cho nên phóng sanh cũng vậy. Có người họ thấy con chim bị bắt, bị nhốt khổ quá, họ bỏ tiền ra mua rồi phóng sanh. Người này được phước. Nhưng người đi bắt thì rước cái tội về mình, sau này có những cái không hay với bản thân. Thường thường người phóng sanh đôi khi thấy con cá ở dưới ao nó mắc kẹt, người ta vớt con cá ra rồi đưa xuống sông thả lại. Như vậy thì cái phước lớn hơn và cũng không mang nghiệp như những người bán. Phóng sanh được cái là nó tạo từ Phước, tức là nó tạo cho con người cái từ tâm…”
Phần lớn những người đến phóng sinh ở chùa đều là người buôn bán và vợ các quan chức, thậm chí các quan chức đến chùa để phóng sinh, xin lộc cũng không phải ít. Chùa Bà vồn nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng trong việc vay lộc, hằng năm, nhất là dịp đầu năm, khách thập phương kéo về đây để mua một nhành hoa vào cúng bên trong chánh điện và cầu xin Bà ban cho lộc làm ăn. Sau khi cúng kính, khách lại rút một nhành hoa trong độc bình mang về, gọi là vay lộc Bà để làm ăn, năm sau sẽ quay trở lại để trả lộc năm cũ và tiếp tục vay lộc năm sau.
Trong dịp Tết, mỗi ngày có đến vài ngàn lượt khách đến chùa Bà để vay lộc. Thường, những người nghèo có niềm tin vào việc vay lộc rất sâu, họ thành kính mua hương đèn, hoa quả đến cúng và vay lộc, còn giới nhà giàu, quan chức thì chuộng việc phóng sanh, sau đó cúng lễ rình rang rồi mới vay lộc.
Một người tên Loan, bán chim phóng sanh lâu năm ở sân chùa Bà chia sẻ với chúng tôi rằng cô vẫn biết làm công việc của cô là trái với đạo lý luân thường, và nếu thật sự Bà linh thiêng thì Bà sẽ giận vì chuyện này. Nhưng cô vẫn hy vọng bề trên tha thứ cho cô vì cơm áo gạo tiền, đó cũng là cái lộc, cô chỉ nuôi một bầy chim, làm mồi, rồi nhờ vào lộc bà xui khiến, những quan chức và nhà giàu đến mua để thả.
Vì dù sao, theo như quan niệm của Loan, làm quan chức ở đất nước này, chẳng ông nào, bà nào mà không có tội, không mang một vết chàm nào đó trong linh hồn. Chính vì thề, việc cô bán bầy chim đã huấn luyện cho họ đến phóng sinh hằng ngày, suy cho cùng, đó cũng là liều thuốc chữa bệnh cho tâm hồn méo mó của giới nhà quan. Điều này chí ít cũng giúp họ hướng thiện đôi chút.
Và, suy cho cùng, điều cô Loan nói cũng có cái lý riêng của cô. Vấn đề là cái lý này như thế nào. Vì trong một đất nước có văn hóa, ít tham nhũng, tệ nạn quan liêu ít, thì cái lý của người dân cũng phát triển tỉ lệ, cũng là cái lý có văn hóa, có suy tư. Còn ở một đất nước nghèo nàn lạc hậu, tham nhũng, bất đạo, cái lý của người dân cũng dựa trên nền tảng bất đạo này mà phát triển.

Vụ án hình sự trong màu sắc chính trị!

000_Hkg9055046-305.jpg
Một vị ni cô đến dự phiên tòa xử LS Lê Quốc Quân hôm 02/10/2013
AFP photo
Lê Diễn Đức
2013-10-04
Ngày 2/10/2013, Toà án Nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt anh Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam, truy thu 649 triệu đồng và phạt 1,2 tỷ đồng về tội danh "trốn thuế" theo quy định tại Khoản 3, Điều 161 Bộ Luật Hình sự.
Bản án đã gây bức xúc trong dư luận và đặt ra một số vấn đề bàn cãi dưới góc độ pháp lý.
Bà Vũ Thị Phương Anh đã viết trên Facebook:
“Tôi phản đối bản án dành cho luật sư Lê Quốc Quân. Cho đến khi nào nhà nước chứng minh được tại sao tội trốn thuế vài trăm triệu của luật sư Quân lại đáng phạt nặng hơn những tội trốn thuế lớn hơn nhiều của các đại gia cũng mang tội trốn thuế? Chúng ta hãy cùng phản đối, vì sự bất bình đẳng và tùy tiện đó có thể rơi vào chính chúng ta!".
Có lẽ sự phản đối này đã dựa trên một trường hợp khác: cùng tội danh trốn thuế, được xét xử tại Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh hôm 29/9/13, chỉ ba ngày trước khi có vụ án Lê Quốc Quân.
Trong thời gian từ năm 2007 đến 2010, Nguyễn Thạc Thanh, chủ tịch HĐQT Cty CP Vật liệu Công nghiệp Phú Thái, đã trốn thuế hơn 11 tỷ đồng, trong đó thuế doanh nghiệp hơn 7 tỷ, còn lại là thuế giá trị gia tắng. Thẩm phán Vũ Công Đồng, chủ tọa phiên tòa cho biết, "đây là hành vi vi phạm pháp luật cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đối với đời sống xã hội".
Nguyễn Thạc Thanh bị tuyên án 36 tháng tù treo, 5 năm thử thách. Lê Thị Thúy Huyền kế toán trưởn, đồng phạm giúp Nguyễn Thạc Thanh trốn thuế hơn 10 tỷ đồng – 30 tháng tù treo; Nguyễn Thị Xuân, đồng phạm giúp Nguyễn Thạc Thanh trốn thuế hơn 1 tỷ đồng - 24 tháng tù treo.
Ông Nguyễn Văn Tiến, người tố cáo Nguyễn Thạc Thanh về các hành vi trốn thuế, đã nói:
“Việc Hội đồng Xét xử tuyên Nguyễn Thạc Thanh mức án 36 tháng tù treo với tội danh trốn thuế hàng chục tỷ đồng như vậy là không hợp lý. Nó sẽ tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp trốn thuế của nhà nước để lấy vốn làm ăn, sau đó tự khắc phục và lại được… hưởng khoan hồng!”.
Rõ ràng, giữa 11 tỷ đồng và 649 triệu đồng, nếu thực sự công ty Giải pháp Việt Nam của luật sư Lê Quốc Quân "trốn thuế", cùng với mức án treo và 30 tháng tù giam, là một thước đo sòng phẳng nhất về sự công bằng xã hội. Hành vi được gọi là "trốn thuế" của Công ty TNHH Giải Pháp Việt Nam được cáo buộc dựa trên lời nhận tội của kế toán trưởng Phạm Thị Phương và Nguyễn Thị Thơm, nhân viên.
Tờ VietnamPlus của TTXVN cho hay “Lê Quốc Quân đã chỉ đạo kế toán, thủ quỹ thực hiện các hành vi sai phạm như nhờ một số người thân quen có bằng cấp kế toán, tài chính... để lấy thông tin của họ rồi đưa vào các hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn với Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam, lập khống hợp đồng tư vấn môi giới thương mại, mua hóa đơn giá trị gia tăng khống, sau đó sử dụng để kê khai tại Chi cục thuế quận Cầu Giấy, gồm: Tờ khai thuế giá trị gia tăng; bảng kê hóa đơn; chứng từ hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra; tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính; tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân; báo cáo tài chính... do Lê Quốc Quân ký và đóng dấu nộp tại Chi cục thuế quận Cầu Giấy".
"Bằng thủ đoạn trên, chỉ tính riêng trong hai năm 2010 và 2011, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam đã lập và ký hợp đồng với chín chuyên gia tư vấn nhằm tăng chi phí và giảm thu nhập cho Công ty với số tiền là 1,75 tỷ đồng. Số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp Công ty này đã trốn là hơn 649 triệu đồng".
"Cũng trong năm 2010 và 2011, thông qua Phạm Thị Phương và Nguyễn Thị Thơm, Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam đã mua nhiều hóa đơn giá trị gia tăng khống của nhiều Công ty với nhiều mặt hàng, qua đó khai tăng chi phí doanh nghiệp nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp".
Tại phiên tòa, Phạm Thị Phương, kế toán trưởng và Nguyễn Thị Thơm cùng một số đối tượng liên quan "đã nhận thức được sai phạm và khai rõ toàn bộ hành vi sai phạm", theo VietnamPlus.
Như vậy, các lời nhận tội này chỉ là tư liệu để  nghiên cứu, tham khảo, không có cơ sở pháp lý để xác lập tội, bởi vì trước sức ép của áp lực, bị mớm cung, các nhân chứng có thể khai không đúng sự thật. Muốn chứng tỏ những điều khai đúng với sự thật, phải chứng minh đầy đủ với sự có mặt của tất cả các nhân chứng liên đới khác.
Thanhle-250.jpg
Thánh lễ cầu nguyện cho LS Lê Quốc Quân trước phiên xử. Photo by JB. Nguyễn Hữu Vinh
Cũng theo VietnamPlus, "những người là chuyên gia tư vấn cho Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam cũng trình bày rõ, họ không tham gia làm gì cho Công ty này, không nhận số tiền hàng trăm triệu đồng như phiếu chi mà chỉ ký hợp đồng, phiếu thu, phiếu chi hợp thức cho Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam", là không có giá trị, nếu như "những người là chuyên gia tư vấn" không có mặt tại phiên toà với tư cách nhân chứng.
Bản thân anh Lê Quốc Quân đã bác bỏ sự cáo buộc này.
Nhóm các tổ chức nhân quyền và luật sư "Media Legal Defence Initiative", đã gửi thỉnh nguyện thư cho Nhóm công tác về việc giam giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, nêu trường hợp ông Quân, nhấn mạnh:
“Nếu không có bất cứ chứng cứ rõ ràng giải thích cho những cáo buộc về việc trốn thuế của ông Quân, thì những tuyên bố của chính phủ không đáng tin, cũng chẳng thể làm mất uy tín đôi với sự biện hộ của những tổ chức ký tên cho rằng, những cáo buộc thế này thường được chính phủ Việt Nam sử dụng để bịt miệng những lời chỉ trích”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế ở London, ra thông cáo:
“Đây là bản án lố bịch, và lại là một ví dụ rõ rệt cho thấy giới chức Việt Nam quấy rối và bỏ tù những người chỉ trích hòa bình có quan điểm khác. Rất khó để không kết luận rằng Lê Quốc Quân bị nhắm tới vì hoạt động nhân quyền – như nhiều lần trước đây”.
Các tổ chức quốc tế đặt nghi vấn vụ án mang màu sắc chính trị hoàn toàn đúng.
Anh Lê Quốc Quân, sau khi kết thúc khoá học ở Mỹ về nước năm 2007 đã bị bắt và cáo buộc tội "chống phá nhà nước" theo điều 79, Bộ Luật Hình sự, nhưng đã được trả tự do sau 100 ngày. Anh còn bị bị bắt vì tham dự phiên toà xét xử Cù Huy Hà Vũ trong năm 2011, từng bị côn đồ hành hung với nghi ngờ có bàn tay của an ninh.
Anh Lê Quốc Quân là một nhà hoạt động xã hội, nhân quyền, bảo vệ dân oan, là một người bất đồng chính kiến có tiếng, có ảnh hưởng và uy tín, đặc biệt với giáo dân. Anh là cái gai trong mắt mà lúc nào nhà cầm quyền cũng muốn nhổ đi.
Từ các động thái khám xét công ty, bắt giam, gây khó cho việc tiếp cận với luật sư và toàn bộ phiên toà bất minh, cho thấy đây là một đòn trả thù của nhà cầm quyền nhắm vào những tiếng nói phản kháng ôn hoà, nhằm mục đích bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.
Anh Lê Quốc Quân sẽ kháng cáo và vụ án sẽ còn đưa ra toà phúc thẩm.
Trong ngày 2/10, hàng trăm thậm chí có nguồn tin nói tới hàng ngàn người ủng hộ luật sư Quân đã biểu tình phản đối tại Hà Nội. Chưa có một phiên toà nào mà người tham gia nhiều như vậy. Lực lượng cảnh sát chìm nổi dày đặc đã nỗ lực ngăn chặn mọi người tới phiên toà được gọi là công khai.
Hãng AFP viết rằng, “tầm mức cuộc biểu tình thật bất thường ở đất nước cộng sản”.
Số lượng đông đảo giáo dân Hà Nội, từ các địa phương đổ về Hà Nội, cũng như sự có mặt của dân oan, những người quý mến luật sư Lê Quốc Quân, cho thấy tình đoàn kết chia sẻ rộng lớn trước sự thật và công lý.
Bản án ở toà phúc thẩm có thể thay đổi nếu như cuộc tranh đấu của dân chúng, cũng như quốc tế tiếp tục được thực thi mạnh mẽ hơn nữa.
*Bài viết trích tư trang blog Lê Diễn Đức. Nội dung không phản ảnh quan điểm của RFA.

Bác Giáp Đóng Phim Star Wars

Master Yoda, Star Wars


Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu: Lao Động/TTXVN)
Tướng Giáp nhà cộng

Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn lâm nguy!

000_Hkg8682851-305.jpg
Một cánh đồng lúa ở ngoại thành Hà Nội hôm 11 tháng 6 năm 2013.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-10-04
Tam nông Nông nghiệp Nông dân Nông thôn trong tình trạng báo động là sự kiện được trình bày với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi ông làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chiều 2/10 ở Hà Nội.

Nông dân chán ruộng, bỏ ruộng

Theo báo điện tử Dân Việt, các lãnh đạo của Hội Nông dân Việt Nam trình bày rằng: “Nông dân hiện có nhiều cái nhất, như thiệt thòi nhất, nghèo nhất, thu nhập thấp nhất trong khi sản xuất, đời sống lại đối mặt với quá nhiều rủi ro, bấp bênh, phập phù. Tình trạng nông dân bỏ ruộng, chán ruộng rất đáng lo ngại.”
Trả lời Nam Nguyên, Bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nhận định về những vấn đề chủ yếu, cần chú tâm khi tái cơ cấu nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân. Đó là vấn đề người nông dân không thực sự làm chủ ruộng đất của mình do Hiến pháp qui định đất đai sở hữu toàn dân, cũng như nhu cầu bức thiết phải tổ chức lại sản xuất. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh:
“Nếu như trong trường hợp không thể sửa được Hiến pháp và Luật Đất đai lần này theo hướng công nhận quyền sở hữu tư nhân của nông dân đối với đất đai nông nghiệp, thì ít nhất cũng phải đảm bảo quyền sử dụng của họ dài hạn thay vì 20 năm như trước lên 50 năm. Thứ hai phải bảo đảm quyền sử dụng đó là quyền được luật pháp công nhận như là một quyền tài sản và đã là quyền tài sản thì là bất khả xâm phạm. Ai muốn sử dụng tài sản của họ kể cả Nhà nước thì phải mua chứ không phải thu hồi. Vì vậy cho nên trong Hiến pháp điều qui định vể đất đai cũng như Luật Đất đai phải rất chú trọng điều về thu hồi đất.”
Lâu nay nhiều khi nông dân bị những sức ép này khác khiến họ không có được quyền tự chủ bao nhiêu và vì vậy trên mảnh đất.
-Bà Phạm Chi Lan
Theo lời bà Phạm Chi Lan, Nhà nước thu hồi đất vì mục tiêu quốc phòng thì điều đó có thể hiểu được, người dân kể cả những người nông dân có thể chấp nhận được. Nhưng Nhà nước lại muốn giữ quyền của mình kể cả thu hồi đất vì các dự án kinh tế xã hội thì là điều mà rất nhiều ý kiến không đồng tình, kể cả ý kiến của đại biểu Quốc hội. Vì qui định như vậy nó sẽ quá rộng và sẽ gây ra tình trạng bao nhiêu người có thể nhân danh Nhà nước mà lấy lại đất của nông dân. Nếu còn điều đó thì sẽ rất khó cho người nông dân yên tâm với đất đai lâu dài được. Bà Phạm Chi Lan tiếp lời:
“Đấy là vấn đề thiết yếu nhất, còn thứ hai về tổ chức sản xuất nông nghiệp thì phải tổ chức lại trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ của nông dân trên mảnh đất của họ, hoặc là trong các công việc canh tác của họ và tăng cường đầu tư hỗ trợ đối với nông dân. Chứ còn lâu nay nhiều khi nông dân bị những sức ép này khác khiến họ không có được quyền tự chủ bao nhiêu và vì vậy trên mảnh đất của mình thì rốt cục những năm gần đây cho thấy là thu nhập của nông dân cứ sa sút đi và thậm chí bây giờ tình trạng bỏ ruộng đang tràn lan.”
Thật ra tình trạng tam nông tụt hậu, nông dân nghèo hoàn nghèo trong khi gạo, cá tôm xuất khẩu chục tỷ USD mỗi năm, có thể đã phải được báo động từ nhiều năm trước, nếu Hội Nông dân VN và Mặt trận Tổ quốc làm đúng vai trò phản biện, giám sát của mình, thay vì làm kiểng và nói theo Đảng, như cách nói của Giáo sư Tương Lai tại Hội nghị Trung Ương MTTQVN lần thứ 6 vừa qua.
Báo cáo của Trung ương Hội Nông dân VN vẽ ra một bức tranh u tối của nông nghiệp, nông dân nông thôn. Đó là nông dân sản xuất qui mô nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo cao, mức thu nhập tăng chậm hơn tăng vật giá; tình hình nông dân mất đất, chán ruộng, bỏ ruộng; những bất cập trong quản lý liên quan đến nông dân như đất đai, vốn tín dụng, vật tư nông nghiệp, việc làm, chất lượng và thị trường nông sản.
000_Hkg9006656-250.jpg
Một cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội hôm 18 tháng 9 năm 2013. AFP PHOTO.
Đồng bằng sông Cửu Long khu vực cung cấp 90% gạo xuất khẩu của cả nước, nơi cuộc sống được cho là dể thở hơn người làm lúa miền Trung, miền Bắc. Nhưng nông dân cũng gặp muôn vàn khó khăn, những người sống được nhờ cây lúa chỉ là thiểu số. Một Nông dân Cần Thơ tâm sự:
“Theo như em nghĩ mấy ổng ăn ngủ tối ngày không quan tâm đến người dân không thấy cái khổ của người dân. Mấy doanh nghiệp lớn xuất khẩu gạo con ông cháu cha nhiều lắm, đâu có ai làm hai lúa đi trồng lúa đâu.”
Người nông dân này tính toán lời lỗ của người trồng lúa khá rành mạch, nếu hộ nào nhiều đất làm giỏi thì còn có chút đồng lời chứ người ít đất rất khó trang trải cuộc sống.
“Chi phí đầu vào từ lúa giống, tiền làm đất, vật tư nông nghiệp phân thuốc, gặt đập liên hợp sau thu hoạch cộng các cái luôn 1 công tầm cắt 1.296 m2 mất ba triệu đồng vị chi 1 mẫu tầm lớn 12.960 m2 chi phí 30 triệu, trên dưới một triệu đồng tùy theo phát sinh như vấn đề dậm lúa. Những người làm được 6 tấn lúa tươi thì lỗ nặng luôn không có đường… còn em làm hơn 9 tấn lúa tươi một mẫu lớn thì trừ chi phí 30 triệu cũng còn được chục triệu.”

Hội Nông dân làm nhiệm vụ chính trị?

Hội Nông dân Việt Nam là một thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, nhưng cũng như cơ quan cấp trên của nó không được người dân hoặc nông dân đánh giá cao. Mặc dù người nông dân nào có nơi cư trú hợp lệ đều trở thành hội viên Hội Nông dân Việt Nam, đóng một khoản hội phí và được cấp thẻ hội viên. Thay vì phải phản biện việc thực hiện chính sách nông nghiệp không mang lại hiệu quả từ nhiều năm qua, hoặc phải lên lên tiếng về những oan sai đất đai như vụ người nông dân nổi dậy Đoàn Văn Vươn, vụ Văn Giang Ecopark, nhưng đến nay Trung ương Hội đứng cuối sổ báo cáo bức tranh tam nông u tối.
Nếu Nhà nước thực thi điều 69 Hiến pháp cho phép công dân có quyền tự do lập hội, thì loại tổ chức mang tính hình thức như Hội Nông dân Việt Nam không có lý do tồn tại. Thay vào đó là hội, là nghiệp đoàn của những người sản xuất theo ngành nghề thực sự lo lắng cho quyền lợi nông dân.
Hội Nông dân Việt Nam làm nhiệm vụ chính trị tổ chức quần chúng ủng hộ chính quyền trong việc xây dựng xã hội, còn sản xuất ngành nghề thì họ không thể lo nổi.
-Ông Nguyễn Vịnh
Ông Nguyễn Vịnh, một người trồng cà phê ở Tây nguyên cũng là nhà tư vấn của nông dân sản xuất tiêu và cà phê nhận định:
“Hội Nông dân Việt Nam là một tổ chức chính trị mang tính xã hội rộng rãi chứ không phải một hiệp hội sản xuất, cái đó khác nhau về bản chất. Hội Nông dân Việt Nam làm nhiệm vụ chính trị tổ chức quần chúng ủng hộ chính quyền trong việc xây dựng xã hội, còn sản xuất ngành nghề thì họ không thể lo nổi.”
Từ tháng 6 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững và tăng thu nhập cho nông dân. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Việt Nam dường như chưa thấy được lối ra trong tình hình bế tắc khủng hoảng hiện nay. Tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo hướng có lợi cho nông dân sau 25 đổi mới sẽ vẫn là một chặng đường dài ở Việt Nam. Tổ chức lại sản xuất để thực hiện theo chuỗi ngành hàng từ nông dân tới chế biến kinh doanh tiêu thụ xuất khẩu phải mất rất nhiều năm dù thành công.
Theo nhận định của TS Phạm Văn Tấn chuyên gia công nghệ sau thu hoạch ở TP.HCM, trước mắt để giữ cho nông dân có dân có thu nhập cần chú ý một số vấn đề. Ông nói:
“Để có thể phát triển bền vững một sản phẩm nông nghiệp, hay một ngành nông nghiệp nói chung thì phải có thị trường. Tất cả các đối tác trong chuỗi ngành hàng đó phải căn cứ vào nhu cầu thị trường để sản xuất ra hàng hóa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Có như thế thì mới nâng cao được thu nhập của nông dân nói riêng và các đối tác trong chuỗi cung ứng nói chung. Để làm được việc này thì Nhà nước cần có sự hỗ trợ hơn nữa trong việc củng cố và phát triển hệ thống thông tin thị trường sản phẩm nông nghiệp. Thông tin thị trường phải được cập nhật thường xuyên và từng đối tác trong chuỗi cung ứng kể cả nông dân phải được tiếp cận.”
Câu chuyện tam nông với nhiều vấn đề đáng lo tiềm ẩn sự nguy hiểm,  được Trung uơng Hội Nông Dân báo cáo lên lãnh đạo cấp trên là ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, tân Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc ngày 2/10/2013 tại Trung ương hội Nông dân VN đã nhấn mạnh tới vai trò phản biện giám sát của Mặt trận Tổ Quốc cũng như Hội Nông dân. Các tổ chức này hầu như né tránh trước các vấn đề lớn gây bức xúc trong xã hội trong nhiều năm qua.
Được biết, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc vào ngày 5/9 tại Hà Nội, trước sự hiện diện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một diễn giả là GS Tương Lai nói rằng, chỉ khi nào đảng Cộng sản thay đổi nhận thức về vai trò, về sứ mệnh của Mặt trận thì lúc ấy Mặt trận Tổ quốc mới thôi đóng vai trò cây kiểng làm dáng, mà là phong trào hoạt động thực sự của một tổ chức xã hội dân sự rộng lớn như nó cần phải có.

Chạy trường và tham nhũng trong giáo dục!

000_Hkg421319-305.jpg
Học sinh tiểu học tại một trường ở Hà Nội, ảnh chụp trước đây.
Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-10-04
Truyền thông Việt nam lại lên tiếng về vấn nạn chạy trường lớp và tham nhũng trong giáo dục. Kính Hòa có cuộc trò chuyện với ông Trần Hữu Dũng, nguyên Giáo sư kinh tế Đại Học Dayton, Ohio, Hoa Kỳ về vấn đề này. Giáo sư Trần Hữu Dũng có trang thông tin Viet-studies dẫn nhiều tin tức về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam. Vừa qua Giáo sư cũng có tham gia một cuộc thảo luận về xã hội hóa giáo dục do thời báo kinh tế Sài gòn tổ chức.

Quá ít trường tốt

Kính Hòa: Thưa Giáo sư, vừa qua truyền thông Việt Nam có đưa tin là để có thể vào một trường tiểu học danh tiếng thì phải tốn khoảng 3.000 đô la. Câu hỏi đầu tiên xin đặt ra cho Giáo sư là Giáo sư là hình như vấn đề này đã được đặt ra từ rất lâu nhưng chưa thấy có lối ra, một người quan tâm nhiều đến giáo dục Việt Nam có nhận định gì về việc này?
Vì cha mẹ thì ai cũng muốn con mình học trường tốt, mà trường tốt thì ít quá, nên phải chạy, đứng về mặt xã hội thì nó không công bình nhưng mà cá nhân thì nó như thế.
-GS Trần Hữu Dũng
GS Trần Hữu Dũng: Tôi nghĩ đó là một chuyện bình thường trong xã hội như Việt Nam vì cha mẹ thì ai cũng muốn con mình học trường tốt, mà trường tốt thì ít quá, nên phải chạy, đứng về mặt xã hội thì nó không công bình nhưng mà cá nhân thì nó như thế. Nếu tôi mà ở Việt Nam thì chắc tôi cũng chạy. Đứng về phương diện cá nhân thì không thể trách họ làm như vậy được.
Kính Hòa: Thưa Giáo sư khi chúng ta nhìn trên toàn xã hội thì nó sinh ra nhiều vấn đề như vấn đề về đạo đức, rồi sự xáo trộn trong cách tổ chức trường lớp… công luận cũng như từ phía nhà nước Việt Nam cũng nói rằng đây là vấn đề cần phải giải quyết nhưng tại sao không thể giải quyết được trong chừng ấy năm?
GS Trần Hữu Dũng: Nó ngày càng tệ hơn, cái nguyên nhân nó là cả một thể chế chứ không phải duy nhất giáo dục, nhìn trên toàn xã hội có cả các vấn đề giao thông, rồi y tế… Giáo dục chỉ là một mảnh của xã hội thôi, nó không thể tránh được. Thực trạng là như thế.

000_Hkg2799216-250.jpg
Hội chợ giáo dục Đại học Hoa Kỳ tại Hà Nội vào ngày 28 tháng 9 năm 2009. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Kính Hòa: Cũng có ý kiến cho rằng do cái mà ở Việt nam hay gọi là bệnh thành tích, tạo nên một sự hiếm hoi các trường tốt, thưa giáo sư?
GS Trần Hữu Dũng: Nếu mình dùng luật cung cầu của kinh tế thì nếu mà tăng số trường tốt lên thì giá nó sẽ giảm xuống thôi. Cái lỗi cụ thể của nhà nước là có quá ít trường tốt, còn thì là tệ và quá tệ.
Kính Hòa: Vậy thì câu hỏi kế tiếp sẽ là làm cách nào để tăng số trường tốt lên thưa Giáo sư?
GS Trần Hữu Dũng: Tôi nghĩ là chế độ hiện giờ thì mặc dù họ nói quan tâm đến giáo dục nhưng họ chỉ quan tâm đến cá nhân chức vụ thôi. Nếu họ thực tâm dẹp bỏ lợi ích cá nhân của mình thì có thể khá hơn.

Cần một cuộc cách mạng

Kính Hòa: Thưa nhà nước Việt Nam mang tên là xã hội chủ nghĩa, tức là về nguyên tắc phải tạo phúc lợi cho số đông, nhưng do cơ chế thế nào đó mà rõ ràng là giáo dục không phải là phúc lợi cho số đông phải không thưa giáo sư?
GS Trần Hữu Dũng: Vâng tôi nghĩ như vậy. Ai thì cũng nói hay, mà tôi cho là họ cũng thực sự tin rằng họ đang làm điều lợi cho xã hội, nhưng thực tế không phải như vậy. Mà tôi cũng có nói nhiều lần, con cái họ đưa ra nước ngoài học cả, thì đâu quan tâm đến con cái những người thấp cổ bé miệng nữa.
Phải có sự thay đổi toàn diện, phải có một sự sáng suốt, một sự can đảm. Nếu một hay hai người cấp trên thì cũng không làm gì được, vì cả tập thể là như vậy.
-GS Trần Hữu Dũng
Kính Hòa: Vậy thì phải chăng là phải có một cải cách sâu rộng liên quan đến nền tảng của xã hội, đến thể chế?
GS Trần Hữu Dũng: Vâng tôi nghĩ như vậy, từ trên xuống dưới, vì tất cả dính liền với nhau. Cái tư duy của những người lãnh đạo, nói người lãnh đạo thì có vẻ hẹp hòi quá, mà là thành phần ưu tú ngày càng tư lợi.
Kính Hòa: Vậy thì có phải chăng là, nếu ta có thể nói, sự suy thoái của thành phần ưu tú là do cái thể chế chính trị không tạo điều kiện cho một sự cạnh tranh để quần chúng bên dưới tuyển chọn cho mình những thành phần ưu tú?
GS Trần Hữu Dũng: Cũng có thể nghĩ như vậy. Ưu tiên của họ là nắm quyền càng lâu càng tốt, mà họ cũng thực tâm nghĩ là chỉ có họ mới cứu vãn được nước Việt nam thôi. Họ nghĩ rằng họ là cứu tinh của dân tộc, đó là cách biện minh của họ.
Kính Hòa: Như vậy thì vấn đề chạy trường chạy lớp mà chúng ta cứ khơi lại mỗi năm tựu chung lại cũng chỉ là vấn đề thể chế, mà phải cần có một cải cách một quyết tâm chính trị sâu sắc để có thể làm thay đổi?
GS Trần Hữu Dũng: Đúng rồi đó, tôi muốn dùng từ cách mạng dù cái từ cách mạng nó bị lạm dụng nhiều quá, nhưng mà phải có sự thay đổi toàn diện. Phải có một sự sáng suốt, một sự can đảm. Nếu một hay hai người cấp trên thì cũng không làm gì được, vì cả tập thể là như vậy, cho nên tôi không đổ lỗi cho ông nào cả, giả sử như tôi có làm Bộ trưởng thì tôi cũng chẳng làm gì được.
Kính Hòa: Xin cám ơn Giáo sư đã dành thì giờ cho buổi trao đổi ngày hôm nay.

Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh ủy gặp nạn trên đường đi công tác


   

(Dân trí) - Khoảng 14 giờ ngày 3/10, một vụ tai nạn liên hoàn nghiêm trọng đã xảy ra trên QL1A đoạn qua xã An Hiệp (Châu Thành) khiến 3 người nhập viện; trong đó có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng và Giám đốc Công ty công trình đô thị Sóc Trăng.

Chiếc xe chở Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng biến dạng
Chiếc xe chở Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng biến dạng
 
Một phụ nữ bán cà phê ở ngay khu vực xảy ra tai nạn cho biết, thời điểm đó xe du lịch 7 chỗ mang BKS 83A-031.40 chạy bên lề phải từ Sóc Trăng lên hướng Cần Thơ, một xe tải khác chạy từ Cần Thơ về Sóc Trăng; bất ngờ có xe gắn máy chạy từ lề đường ra. Do bất ngờ tránh xe gắn máy nên xe tải lách về bên lề trái, đâm vào xe 7 chỗ. Cú đâm mạnh gây ra một tiếng nổ lớn, sau đó cả 3 phương tiện đều không còn nguyên vẹn. Xe gắn máy nằm lọt dưới đầu xe tải, 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu.

Tài xế Hồ Hoàng Hai (35 tuổi, ngụ Cần Thơ), người điều khiển xe tải mang BKS 67M-2771, cho biết, anh đang chạy xe tới đoạn đường trên thì bất ngờ một chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều lấn đường khiến anh lạc tay lái, đâm sang bên kia đường, đụng vào 2 xe máy. Lúc này ô tô 7 chỗ chở ông Lê Minh Bảy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng và ông Lâm Hữu Tùng, Giám đốc Công ty công trình đô thị Sóc Trăng, đi chiều ngược lại đã đâm vào hông xe tải. Ngoài 2 cán bộ trong ô tô bị thương, một trong 2 người chạy xe máy bị nạn là anh Trần Út Hiền (20 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) nhập viện trong trình trạng chấn thương nặng, máu chảy nhiều.
 
Không phương tiện nào còn nguyên vẹn

Không phương tiện nào còn nguyên vẹn
Không phương tiện nào còn nguyên vẹn

Ông Nguyễn Hoàng Lương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng xác nhận, ông Lê Minh Bảy bị nạn trên đường đi công tác. Theo tin từ Bệnh viện tỉnh Sóc Trăng, tình trạng sức khỏe của hai vị cán bộ nói trên đã ổn định, không nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng làm rõ.

PV

Nhà tù cộng sản VN không cho tù nhân đi trị bệnh!


VRNs (05.10.2013) – An Giang – Vào ngày 30.09.2013, ông Võ Văn Bửu, chồng của bà Mai Thị Dung, tù nhân lương tâm Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) đang thọ án tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai, cho biết: “Tôi mới vừa thăm vợ tôi xong. Tinh hình rất nguy kịch. Vợ tôi đã tuyệt thực ba ngày qua nên sức khỏe rất kém”.
Bà Mai Thị Dung bị tòa án cs VN kết án 11 năm tù với tội danh “gây rối trạt tự công cộng”. Từ ngày thọ án đến nay đã hơn 8 năm, bà đã mắc nhiều chứng bệnh dạ dày, sỏi túi mật… Gia đình bà Dung gởi nhiều thư yêu cầu lãnh đạo trại giam và các cơ quan chức năng đưa bà Dung đi điều trị, nhưng nhà cầm cs VN vẫn làm ngơ, không để ý đến lời kêu cứu trên.
Bà Mai Thị Dung quá bức xúc nên đã tuyệt thực để sớm kết thúc cuộc đời của bà, còn hơn sống bị bệnh mà không được đi điều trị.
Ông Bửu cho biết thêm: “Vợ tôi hôm nay không nhận tiền và thực phẩm của gia đình gởi vào. Tôi rất lo! Vợ tôi nói một là chết, hai là được đi chữa bệnh”.
Ông Nguyễn Văn Thơ Hội trưởng Giáo hội PGHH Thuần túy tỉnh Đồng Tháp cùng đi chung với ông Bửu trong chuyến thăm gặp này. Nhưng ông Nguyễn Văn Thơ đi thăm nuôi vợ ông là bà Dương Thị Tròn, một tù nhân lương tâm PGHH khác.
Nhận xét về tình hình sức khỏe của bà Mai Thị Dung, bà Dương Thị Tròn nói với ông Thơ: “Tôi thấy sức khỏe của cô Dung kém hơn lúc trước rất nhiều. Đi ra phải có hai người kè”.
Ông Thơ nói: “Trong thời gian qua, trong trại giam, các tù nhân lương tâm là tín đồ PGHH bị bệnh nhưng trại giam không cho đi điều trị. Các tù nhân lương tâm này chữa bệnh nhờ thuốc của người nhà gởi vào. Bản thân tôi cũng đã ở tù và cũng gặp hoàn cảnh như trên”.
Cụ Hội Trưởng Trung Ương Giáo hội PGHH Thuần Túy Lê Quang Liêm đã nhiều lần lên tiếng với nhà cầm quyền cs VN về sức khỏe của bà Mai Thị Dung.
Hầu hết các tín hữu PGHH bị kết án nặng về tội “gây rối trật tự” đều do họ tổ chức hoặc tham gia một buổi lễ cầu siêu, cầu an hay một lễ nghi tôn giáo khác của PGHH, sau đó nhà cầm quyền đã thuê côn đồ đến phá buổi lễ, các tín hữu PGHH ra can ngăn thì bị họ tấn công. Kế đó, công an bắt những tín đồ này và kêu án nặng, trong khi đó, những côn đồ, thậm chí là an ninh mặc thường phục gây rối thì không bị kết án gì.
Nhà cầm quyền cộng sản luôn có những hành vi thô bạo đối với các tín hữu PGHH, hầu tiêu diệt tôn giáo này.
Nhóm Pv PGHH

Tại sao phải chửi công an cộng sản Việt Nam?!


VRNs (05.10.2013) – Hà Nam – Theo thông báo, ngày 02/10/2013 tòa án TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa công khai xử LS Lê Quốc Quân vì tội “trốn thuế”.
“Công khai” theo ngôn ngữ tiếng Việt thì ai cũng có quyền được đến xem và theo dõi. Nhưng đảng cộng sản đã dùng lực lượng công an là thanh kiếm, lá chắn của đảng “theo lời tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng” đến bao vây, khống chế không cho mẹ con tôi đón xe bus lên Hà Nội. Không chấp nhận để chúng cướp QUYỀN TỰ DO ĐI LẠI tôi quyết định đẩy xe đẩy đưa con từ Hà Nam lên Hà Nội với quãng đường 60km trong sự kèm cặp của chúng.
1
CSGT Nguyễn Ngọc Ánh 347-220
Đi khoảng 10km người dân hiếu kỳ hỏi han. Lúc này một thằng CSGT nói “em thua chị rồi” và chúng phóng xe đi. Mẹ con tôi đón xe bus đi tiếp quãng đường còn lại.
Sáng 02/10 mẹ con tôi cùng đoàn dân đi đến Tòa án TP Hà Nội. Tới ngã tư Lê Duẩn – Trần Nhân Tông thì bị một lũ ô hợp lề Đảng với đủ các thể loại công an, côn đồ đeo băng đỏ chúng ngoắc tay nhau làm hàng rào chặn đường, bao vây cướp quyền tự do đi lại của chúng tôi.
2
3
Tên an ninh này bảo tôi “con nhỏ thế này không ở nhà mà còn đi làm gì?”
- Không đi để chúng mày tùy tiện bách hại dân à?
An ninh: đi thế này bị tai nạn thì sao?
- À, thì ra chúng mày đã chuẩn bị hãm hại dân rồi à?
Một an ninh khác: thôi mà chị Nga.
Bị ách tắc trong vòng vây của chúng mấy tiếng đồng hồ, hơn 10g chúng tôi đành đi theo đường Hồ Ba Mẫu để về nghỉ trưa. CA lại dùng xe ô tô chắn ngang đường với mục đích xé lẻ để bắt người, khi người dân yêu cầu chúng di dời cái xe gọn vào thì thằng dân phòng này túm cái “tự do” của nó vung vẩy vào mặt dân với những từ thô tục. Lúc này lề dân bắt đầu chửi lề đảng, khi bị chửi bọn an ninh mật vụ, công an, dân phòng mới chịu đẩy xe trả lại lề dân quyền tự do đi lại.
4
Tới đường Xã Đàn một CSGT xúi người đàn ông này gây sự với lề dân và cuộc khẩu chiến lại bắt đầu.
Tới đầu đường Đàn Xã Tắc bọn lề Đảng biểu dương lực lượng thành vòng tròn bao vây lề Dân vào giữa.
Tới khi Viên chỉ huy này ra lệnh cho lề Đảng rút quân sang bao vây bên kia đường thì lề Dân mới được về nhà nghỉ trưa.
5
6

7
Ngôn ngữ tiếng Việt thuần túy đã bị lề Đảng đánh tráo khái niệm, chúng biến một phiên tòa công khai thành cơ hội để chúng tước đoạt quyền con người của lề Dân. Đó chính là lý do TẠI SAO TÔI PHẢI CHỬI CÔNG AN CỘNG SẢN VIỆT NAM.

Trần Thị Nga

Cảnh cáo phó chủ tịch xã dùng bằng giả

- Ông Lê Ngọc Kiên- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế), sử dụng bằng giả vừa bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.

Liên quan đến vụ ông Lê Ngọc Kiên- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế), sử dụng bằng giả mà Dân Việt đã phản ánh, ngày 3.10, ông Huỳnh Cư- Bí thư Huyện ủy Phú Vang, cho biết, cơ quan này vừa kỷ luật cảnh cáo ông Kiên về mặt Đảng và có văn bản yêu cầu UBND huyện kỷ luật ông Kiên về mặt nhà nước với hình thức cảnh cáo.
Theo ông Cư, sở dĩ ông Kiên chỉ bị kỷ luật cảnh cáo là do ông này sử dụng bằng giả sau khi đã lên chức Phó Chủ tịch xã và việc dùng bằng giả chỉ nhằm phục vụ cho việc học hành. Ông Cư cũng nói sai phạm của ông Kiên “chưa đến mức phải cách chức” vì ông này “không sử dụng bằng giả để được lên chức”.

Những dự án bất động sản thu hàng trăm tỉ đồng nhưng vẫn là... bãi cỏ

(TNO) Kêu gọi góp vốn hàng trăm tỉ đồng nhưng không thi công công trình đúng tiến độ, không bàn giao nhà…, thậm chí, đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống là 'thủ đoạn' được nhiều chủ đầu tư áp dụng để chiếm dụng vốn của người khác. 
 b5 cầu diễn
Dự án B5 Cầu Diễn vẫn là bãi cỏ rậm sau gần 3 năm triển khai - Ảnh: Anh Đan
Dự án B5 Cầu Diễn 
B5 Cầu Diễn là dự án chung cư do liên danh giữa Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội và Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) thực hiện.
Từ năm 2010, hàng trăm khách hàng đã góp vốn vào dự án nói trên, người ít vài trăm triệu đồng, nhiều lên tới cả tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng. Ước tính, có đến 400 người đã góp hàng trăm tỉ đồng vào dự án này. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn "đắp chiếu".
Ông Nguyễn Văn Tuẫn, lãnh đạo của Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội vừa bị bắt, sau khi không thu hồi được khoản tiền đã huy động của dân để đầu tư ra ngoài. Trong khi đó, phía Housing Group, đơn vị còn lại chịu trách nhiệm thực hiện xây dựng dự án, cũng chưa tiến hành thi công khiến dự án này vẫn chỉ là bãi đất được vây tôn, cỏ mọc um tùm.
Hiện tại, phía Housing Group cho hay đang gấp rút triển khai khoan cọc móng đại trà. Tuy nhiên, nhiều khách hàng mua nhà vẫn đang lo lắng, đặt câu hỏi về “số phận” căn nhà mình định mua trong dự án.
Anh Nguyễn Văn Cường, một khách hàng mua nhà tại dự án nói trên, cho biết ngay cả khi Housing Group đảm bảo thực hiện dự án, thì câu hỏi liệu đến khi nào dân mới được nhận nhà vẫn khiến người dân băn khoăn.
“Trước đó, cả hai đơn vị cùng huy động vốn từ dân, một mang đi đâu không rõ, một bảo vẫn thực hiện nghiêm túc việc đầu tư vào dự án. Nhưng thực tế, đến nay, phần móng còn chưa đâu vào đâu, thì khả năng hoàn thiện đúng tiến độ liệu có chuẩn như dự kiến hay không”, anh Cường đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, lãnh đạo Housing Group cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện. Phương án trước mắt là làm trước 4 tòa thay vì 6 tòa như dự kiến, xong móng trong năm 2013 và khoảng năm 2015 sẽ bàn giao nhà.
Dự án Binh đoàn 12
Đây là dự án gây tai tiếng trên thị trường bất động sản (BĐS) đã gần 2 năm nay. Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần kiến trúc đô thị Nam Thăng Long phối hợp với Binh Đoàn 12 xây dựng trên lô đất 4.000 m2 ở thôn Ngọc Đại, xã Đại Mỗ, H.Từ Liêm, Hà Nội. Chủ đầu tư hợp tác với Công ty TNHH quản lý bất động sản Thế kỷ do bà Trần Thị Thanh Bình làm giám đốc để tìm khách hàng, thu hút vốn.
Với “chiêu” ký hợp đồng vay vốn có trả lãi, trong thời gian không dài, kèm theo đó là điều khoản được mua căn hộ ở dự án chung cư Binh Đoàn 12 với giá 14 triệu đồng/m2, dự án đã hút được nhiều tỉ đồng của khách hàng từ năm 2010. Song thực tế, tháng 10.2011, UBND TP.Hà Nội mới phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 tại khu đất Binh đoàn 12 thuộc xã Đại Mỗ. Lúc này, người dân đã góp tiền mới biết trước đó đóng tiền cho một dự án đang còn nằm trên giấy.
Tuy nhiên, đến nay, quá thời hạn giao nhà đã hơn 1 năm (quý 1/2012) nhưng dự án chung cư này vẫn chỉ là bãi đất trống, số tiền cho bà Bình vay cũng mất hút. Nhiều người góp vốn cho dự án thất vọng, không ít lần kéo đến đòi nợ, căng băng rôn, khẩu hiệu vây công ty làm áp lực.
Mới đây nhất, ngày 28.9, rất đông khách hàng bỏ tiền vào dự án Binh Đoàn 12 đã tập trung tại trụ sở Công ty CP tập đoàn Thế kỷ (Cen Group) do ông Nguyễn Trung Vũ (chồng bà Bình) làm giám đốc để đòi tiền vì cho rằng đơn vị này có liên quan đến công ty của bà Bình khiến nhiều khách hàng của Cen Group “chạy mất dép”.
Đại diện của Cen Group đã phải ra mặt thanh minh rằng hai công ty không liên quan đến nhau, dù ông Vũ và bà Bình có quan hệ vợ chồng, trước đây, hai người cũng cùng làm lãnh đạo Cen Group. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng, để trốn nợ và không ảnh hưởng đến hình ảnh Cen Group nên vợ chồng ông bà Vũ - Bình đã dàn xếp tách riêng hai công ty về mặt thủ tục pháp lý. 
Về phía bà Bình, bà cũng thừa nhận có nợ nhiều tỉ đồng của không ít khách hàng và đang cố gắng thu xếp trả theo phương thức… “nhỏ giọt” mỗi tháng 10-20 triệu đồng/khách hàng do không có tiền trả một lúc.
Theo bà Bình, số tiền vay được đã chuyển cho chủ đầu tư, nay chưa đòi được nên chưa có tiền trả.
Còn về phía chủ đầu tư là Công ty cổ phần kiến trúc đô thị Nam Thăng Long, công ty này cho rằng vẫn đang triển khai thủ tục để khởi công dự án, nhưng chưa biết khi nào xong vì đang chờ phê duyệt. Phía công ty này cũng thừa nhận đang nợ công ty của bà Bình hơn 38 tỉ đồng và hứa trả theo lộ trình.
Dự án Tricon Towers
Cùng là một trong những dự án căn hộ cao cấp đình đám, huy động tiền người dân rồi chủ đầu tư tháo chạy, Tricon Towersdo Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt làm chủ đầu tư.
 tricon towers
Hơn 400 tỉ đồng của 128 khách hàng chôn vào dự án Tricon Towers nhưng nay chỉ là khối bê tông và cọc thép hoen gỉ, chủ đầu tư đã trốn ra nước ngoài - Ảnh: Lê Quân
Sự việc nói trên thậm chí còn được truyền thông nước ngoài mổ xẻ, vì số tiền mà chủ đầu tư “ôm” của dân để tháo chạy đã lên tới xấp xỉ 18 triệu USD.
Cụ thể, từ tháng 11.2009, hàng trăm khách hàng đã nộp hơn 400 tỉ vào công ty này để mua nhà tại tòa tháp Tricon với giá 1.500-1.800 USD/m2. Người ít đã nộp 8-10 tỉ đồng, nhiều lên tới 13-14 tỉ đồng. Song đến nay, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Việt đã bỏ trốn ra nước ngoài, cùng toàn bộ số tiền nói trên. Trụ sở công ty này đóng cửa, nhân viên đi đâu không rõ. Dự án với phối cảnh hoành tráng nằm ven Đại lộ Thăng Long vẫn trơ khung thép, bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng, trong đó có Công an H.Hoài Đức, địa bàn xây dựng dự án, cho biết vẫn đang điều tra, khi nào có kết quả sẽ thông báo người dân. Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên, trong văn bản gửi đến Công ty CP đầu tư Minh Việt vào tháng 9.2012 khi nhận được khiếu nại của người dân, cho biết sẽ yêu cầu đơn vị này giải quyết và báo cáo lại.
Song đến hiện tại, đã hơn 4 năm kể từ ngày đóng tiền tỉ cho dự án Tricon Towers, người dân vẫn chưa đòi được tiền, và không rõ tăm tích của ông Edward Chi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Việt - ở đâu. Nhiều người "lỡ" nộp tiền dự án này đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Dự án tháp Doanh nhân 
Được khởi công từ đầu năm 2010, huy động hàng chục tỉ đồng từ người dân, nhưng hiện tại, dự án tòa tháp cao nhất Q.Hà Đông vẫn còn là bãi đất trống.
Chủ đầu tư của tháp Doanh nhân là Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô cam kết công trình sẽ hoàn thiện móng sau một năm, phần thô sau 2 năm và hoàn thiện hoàn toàn sau 3 năm. Tiến độ đóng tiền của dự án này được chia thành 4 đợt, đợt một khách hàng phải đóng 50% giá trị căn nhà khi ký hợp đồng. Ba đợt còn lại, hai đợt 20% và một đợt 10%. Tin vào dự án có vị trí đắc địa và tiến độ dự kiến nhanh, nhiều người dân đã bỏ tiền vào góp vốn, thậm chí trước thời hạn chủ đầu tư huy động vốn.
Cuối năm 2011, người mua nhà ngã ngửa khi Thanh tra xây dựng quận Hà Đông công bố dự án chưa có giấy phép xây dựng. Sau đó, đến đầu năm 2012, Thanh tra Bộ Xây dựng xử phạt hành chính Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô 35 triệu đồng do khởi công công trình khi chưa có giấy phép.
Đến tháng 9.2013, tháp Doanh nhân vẫn chỉ là khu đất trống, cỏ mọc um tùm và được che chắn bằng hàng rào tôn.
Anh Đan - Lê Quân

Sản phụ nghèo 'chôn sống' con trong lùm cây



Nhà nghèo, không có tiền mua quần áo cho con nên chị Trúc bị cho là đã "chôn sống" núm ruột vừa mới chào đời vào lùm cây sau khi tự vượt cạn.

Sáng 4/10, trung tá Phan Thanh Hồng, Trưởng công an phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết đã xác định được cha mẹ bé gái sơ sinh được cho là bị "chôn sống" trong lùm cây ở xóm Ngã Cái là vợ chồng chị Cẩm Trúc, 39 tuổi, ngụ khu vực 8, phường An Bình.
Chị Trúc thừa nhận do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chị không nghề nghiệp, còn chồng phụ hồ chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng mỗi ngày nên không đủ lo cho 2 đứa con ăn học. 19h ngày 2/10, lúc chồng không có nhà, chị Trúc một mình vượt cạn, sinh con thứ 3 rồi bỏ bé gái vào túi ni lông, quấn bên ngoài một lớp bao loại đựng gạo mang ra lùm cây cách nhà hơn 10 m bỏ.
ba-Cong-4998-1380869573.jpg
Theo quan hệ họ hàng, đứa bé bị bỏ rơi gọi vợ chồng bà Công bằng bác. Ảnh: Trà Giang
Đần 21h ngày 2/10, ông Trương Văn Duyên đi mua thuốc lá ngang lùm cây nghe tiếng khóc trẻ thơ. Ông này soi đèn vào phía sau hàng rào cây cảnh phát hiện đứa bé bị "chôn sống" dưới lớp đất mỏng, chỉ còn nhô ra khuôn mặt. Ông này gọi mẹ và hàng xóm xung quanh tìm cách cứu cháu bé. Sau đó vợ chồng bà Đỗ Thị Công đã mang bé sơ sinh đến trạm y tế gần đó cấp cứu. Ngày 3/10, bà Công đưa bé về nhà, đặt tên là Trúc Mai vì "phát hiện gần nhà chị Trúc, bé nằm dưới gốc mai". Người phụ nữ này cũng cho biết, nếu không có ai đến nhận bà sẽ đến phường làm thủ tục nhận bé gái làm con nuôi.
Sáng 4/10, cơ quan chức năng đã làm rõ thân phận bé gái, song vợ chồng bà Công vẫn chưa giao Trúc Mai cho cha mẹ ruột dù 2 gia đình là họ hàng của nhau.
Khai với công an địa phương, chị Trúc bảo "sinh con mà không có tiền mua quần áo cho bé nên quẫn trí", nghĩ đến chuyện bỏ đi đứa bé. Lúc túm con mới sinh ra lùm cây, chị Trúc mang theo con dao để đào một chút đất, bỏ bé gái xuống rồi vội vào nhà. Lúc mọi người phát hiện bé gái, vợ chồng chị Trúc không có mặt. Hôm sau sản phụ này ra sân chặt củi nhằm đánh lừa láng giềng xung quanh rằng chị không sinh con.
"Sức khỏe chị Trúc rất yếu, chưa khai báo được nhiều. Công an quận đang thụ lý điều tra xem có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không. Trước mắt vợ chồng bà Công muốn nuôi đứa bé, khi nào có quyết định của cơ quan chức năng về việc giao lại cho cha mẹ ruột thì chấp hành", vị Trưởng công an phường cho biết thêm.
Duy Khang

Hơn 300 công nhân ngộ độc sau bữa trưa



Ở các phòng của khoa Cấp cứu không còn giường trống nên nhiều bệnh nhân phải ngồi tạm ở các ghế nhựa để các bác sĩ sơ cứu; nhiều người đã bị ngất xỉu.
Sáng 4/10, Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Tiền Giang tràn ngập bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Các bệnh nhân này đều đến từ công ty may Wondo Vina.
Bên ngoài, bệnh nhân dồn dập được chuyển đến bệnh viện bằng xe cấp cứu và cả xe khách.
 Khoa cấp cứu Bệnh viên đa khoa tỉnh Tiền Giang quá tải do có quá nhiều bệnh nhân bị ngộ độc được đưa đến. 
Trong khi đó, tại Bệnh viện Chợ Gạo cũng đang điều trị cho hàng trăm công nhân khác.
Giám đốc, các phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Tiền Giang có mặt trực tiếp tại khoa cấp cứu để chỉ đạo việc chữa trị cho bệnh nhân.
Đến khoảng 9 giờ, Bệnh viện đa khoa Tiền Giang không còn chỗ nên bác sĩ, Giám đốc bệnh viện Hoàng Thọ Mẫn chỉ đạo các xe cấp cứu chuyển bớt bệnh nhân tới Bệnh viện TP.Mỹ Tho và Bệnh viện K.120.
Thông tin ban đầu cho biết, hôm qua (3.10), các công nhân của Công ty may Wondo Vina, trụ sở tại xã Long Bình Điền, H.Chợ Gạo, đã ăn trưa với các món canh cải, thịt heo kho chung với cá viên và dưa cải.
 Nhiều bệnh nhân được sơ cứu ngay tại hành lang bệnh viện
Đến chiều và tối, nhiều người bị triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy. Đến sáng 4/10, hàng loạt công nhân bị triệu chứng tương tự và đồng loạt nhập viện.
Bác sĩ Hoàng Thọ Mẫn cho biết hiện chưa thể thống kê chính xác số bệnh nhân nhập viện là bao nhiêu.
Tuy nhiên, bác sĩ Trần Thanh Thảo, Phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, có mặt tại Bệnh viện Chợ Gạo nói: “Ước chừng hơn 300 công nhân nhập viện”.
Trong khi đó, nhiều thông tin ban đầu cho biết con số công nhân bị ngộ độc có thể nhiều hơn vì công ty này có gần 2.600 công nhân.
Tại bệnh viện, chúng tôi ghi nhận có cả nữ bảo vệ cũng bị ngộ độc.
Theo Thanh Niên