THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

15 November 2013

Dân “tố” công ty than đánh dân bị thương

khanhhoa-bieutinh
Giám đốc và nhiều công nhân cũng bị thương do người dân ném đá

Dân “tố” công ty than đánh dân bị thương

Sáng ngày 12/11, Mỏ than Khánh Hòa huy động một lực lượng lớn công nhân đến địa phận thôn Ngò (xã An Khánh, Đại Từ, Thái Nguyên) để lấp đường nhựa cũ từ ngã ba vào gần nhà văn hóa làng Ngò, dài khoảng 340 m; đồng thời, thay thế bằng một con đường nhánh.
Tuy nhiên, người dân làng Ngò không muốn lấp đường này nên khi công nhân mỏ cùng lực lượng chức năng san lấp con đường, hàng trăm người dân làng Ngò đã kéo đến nơi thi công; xảy ra một số va chạm giữa công nhân mỏ, lực lượng chức năng với người dân địa phương.

Sau xô xát, 3 người dân bị thương phải đi cấp cứu, trong đó có cả người tuổi đã cao. Ngoài ra, một số cán bộ công ty than Khánh Hòa cũng bị thương.


Hiện trường nơi xảy ra vụ việc
Theo phản ánh của người dân làng Ngò, mỏ than Khánh Hòa lấp đường dân sinh, thay thế bằng đường mới mà không thông báo. Người dân làng Ngò không đồng ý cho lấp đường nên đã tập trung ra đường để ngăn chặn việc này.
Sáng 12/11, đại diện Mỏ than Khánh Hòa chỉ đạo công nhân mỏ cầm gậy gộc áp đảo người dân, gây xô xát, khiến 3 người làng Ngò bị thương nhưng không đưa họ đi cấp cứu.
Theo phản ánh của người dân làng Ngò, điều đáng chú ý là sáng hôm đó, một số cán bộ nhân viên thuộc lực lượng chức năng, công an huyện Đại Từ, công an xã…có mặt nhưng không đeo biển hiệu khi thi hành công vụ.
Những nạn nhân bị thương được người dân thống kê gồm bà Nguyễn Thị Phương (SN 1925), Trương Thị Ngải, Dương Thị Thân (SN 1968)…


Nhiều người dân tố bị đánh

Giám đốc công ty mỏ bị ném đá bị thương

Phó giám đốc Công ty than Khánh Hòa là ông Nguyễn Văn Bính cho biết, việc lấp đường hôm 12/11 là công ty thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ buộc di dời toàn bộ tài sản và di dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nguyên nhân chính là người dân không muốn lấp đường giao thông chính nhưng đường liên huyện không phải đường của dân. Mặc dù để thay thế tuyến đường cũ, công ty đã làm một tuyến đường nhánh cho người dân và tuyến đường này đã đi vào hoạt động. Khi làm đường mới, người dân yêu cầu phải có điện, công ty lắp xong điện rồi nhưng dân vẫn không chấp thuận.
Nói về việc công ty điều động hàng trăm công nhân ra để áp đảo người dân, ông Nguyễn Văn Bính cho biết: “ Tổng số cán bộ, công nhân có 1100 người, làm việc 3 ca, một ca có khoảng vài trăm công nhân. Ngày 12/11, công ty huy động công nhân ra đó để giải tỏa nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhân dân quay lại đánh anh em, đến Giám đốc công ty là ông Nguyễn Văn Tuấn cũng phải đi viện vì bị đánh và ném đá vào bả vai”.
Trong vụ việc này, người bị thương nặng nhất là ông Triều, cán bộ phòng An toàn của công ty. Ông Triều khi nhảy ra can bị người dân cầm thẳng hòn đá đập vào mặt. Noài ông triều ra còn nhiều người khác bị đánh. Công ty đã báo cáo lên công an tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc công an tỉnh Thái nguyên cũng đã xuống hiện trường để trực tiếp tìm hiểu. Người dân lên phương án bắt tôi về để thỏa hiệp nhưng không bắt được, khi giám đốc công ty xuất hiện thì bị dân đuổi bắt, và ném đá vào vai”.


Đường dân sinh đi qua bãi thải than rất nguy hiểm.

Theo lời ông Bính, theo luật đền bù giải phóng mặt, đất công trình phúc lợi không được đền bù. Do lệnh xuống, yêu cầu mỏ phải di dân ra vì sợ sập, công ty phải làm nhưng chưa làm ngay vì muốn đối thoại với người dân. Trước đó, ngày 4/11 công ty than Khánh Hòa mời người dân lên xã làm việc nhưng dân ko lên, chỉ có trưởng xóm lên. Trưởng xóm đưa ra yêu cầu gì chúng tôi cũng đồng ý hết.
“Còn về việc người dân bị thương vong, công nhân chúng tôi không gây ra. Người của công ty còn bị thương nhiều hơn. Khi huy động công nhân xuống, chúng tôi đã bảo công nhân xuống chân tay không. Tuy nhiên khi đó một số phụ nữ lăn ra bảo công ty đánh nhưng không ai đánh. Ngay từ đầu quán triệt không được mang theo vũ khí, không được đánh dân. Khi người ta đánh mình thì mình đẩy họ ra thôi. Nếu chủ bụng đánh dân thì khác ngay, dân sao cự được. Tôi quán triệt ngay từ đầu không được đánh dân mà chỉ cản thôi”, ông Nguyễn Văn Bính cho biết.
“Khi xảy ra sự xô xát, công ty đã không tiến hành lấp đường đó nữa. Đồng thời, ký luôn văn bản đồng ý chưa lấp đường. Sau này khi có ý kiến chỉ đạo và sự đồng thuận của bà con nhân dân chúng tôi mới lấp đường. Đoạn đường mới chúng tôi làm theo ý kiến chỉ đạo của UBND xã An Khánh. Bởi đó là chủ trương đi qua xóm Tân Bình để người dân phát triển kinh tế. Vì mục đích phát triển chung”.

Dừng lấp đường… đợi chỉ đạo

Bí thư Đảng ủy xã An Khánh, ông Trần Văn Quang khẳng định, không có chuyện đánh nhau giữa công nhân mỏ và người dân làng Ngò.
“Thời điểm xảy ra vụ việc tôi cũng có mặt, nhiều người dân bị thương bảo là do công nhân mỏ đánh. Tuy nhiên, trong khi xảy ra điểm nóng, nhiều người không giữ được bình tĩnh nên xảy ra xô xát. Nhiều người dân bị thương là do quá trình xô đẩy. Ngay cả người dân cũng không bình tĩnh được đã ném đá vào giám đốc công ty đó. Khi đó lực lượng công an huyện, xã cũng có mặt để bảo vệ. Và không thể có chuyện đánh nhau”, ông Quang cho biết.


Ông Trần Văn Quang, Bí thư xã An Khánh

Nói về việc hàng trăm công nhân có mặt ở đó, ông Quang cho rằng, số lượng công nhân giờ nói hàng ngàn hay mấy trăm thì không ai đếm được.

“Việc điều động công nhân ra là thẩm quyền của mỏ. Hiện giờ phương án đưa ra là dân yêu cầu cái gì thì chúng tôi làm cái đó. Tạm thời Mỏ, huyện, địa phương và người dân đã ký biên bản chưa được lấp đường. Khi nào lấp thì phải có chỉ đạo từ các cấp. Không ai để đường dân sinh đi qua bãi thải của mỏ than vì rất nguy hiểm. Nhưng khi nào lấp thì phải có ý kiến của cơ quan chức năng. Hiện đã có con đường mới nhưng dân không đi vì nó xa”, ông Quang cho hay.
THEO KIẾN THỨC

Khó tin: Vợ chồng đồng nát trả lại "khổ chủ" 10 cây vàng

"Trả lại vàng thế này anh chị mừng một chúng em mừng hai vì đã tìm được đúng chủ. Chúng em tuy nghèo thật nhưng của cải do chính bàn tay mình làm nên mới quý chứ của người ngoài thì không bao giờ màng".

Anh Nguyễn Tiến Bắc (thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội) cắm mặt vào đám đồng nát vợ vừa chở về nơi góc vườn để phân loại. Mùi mốc hăng hăng, mùi tanh lợm giọng, mùi thối thum thủm của đủ thứ rác rưởi xộc qua lượt khẩu trang dày cộp lên mũi, xuống họng, bóp nghẹt hai lá phổi.

Lúc đang nhặt nhạnh mớ giấy vụn, bỗng một cái túi nylon nặng nặng văng ra, cứ tưởng mấy cái ốc vít nên anh Bắc đá sang một góc vườn rồi lại dọn tiếp. Hai hôm sau, khi đã vãn việc, anh Bắc mới sực nhớ đến cái túi, bèn tò mò giở ra xem. Trong cái túi có một gói khăn mặt cũ. Mở gói khăn mặt cũ ra lại có một gói giấy, lột hết lớp giấy lộ ra một dây vàng 5 cây dính liền nhau kèm theo 5 cây vàng lẻ. Định thần nhìn kỹ lại, trên mỗi cây vàng đều có ký hiệu của nhà sản xuất, kèm cả giấy tờ mua bán viết tay, chứng tỏ là vàng thật.

Anh Bắc vội cất 10 cây vàng ở xó nhà rồi hỏi vợ: “Mẹ nó có nhớ mấy ngày trước từng mua đồng nát của những ai không, người ta làm cả đời mới được ngần đấy”. Chị Nguyễn Thị Thuật, vợ anh Bắc, bảo: “Cả đời gì?”. Anh đáp: “Vàng chứ gì, những mười cây, người ta bỏ sót trong đống giấy vụn”.
Chị Thuật với công việc hàng ngày là thu gom giấy vụn, phế liệu.
Chị Thuật với công việc hàng ngày là thu gom giấy vụn, phế liệu.

Nghe đến đoạn đó, cái chổi trong tay chị Thuật bỗng rơi cạnh xuống nền nhà. Miệng chị như díu lại: “Chết chết, vàng đâu rồi, đưa tôi xem nào, chắc là vàng giả chứ làm gì có thật”. Từng ngón tay chị run run gỡ từng lượt bọc của cái túi nơi xó nhà, đúng là vàng thật rồi.

Ngồi trên đống vàng mà thêm run, hai vợ chồng chụm lại bàn nhau cách đem trả. Giờ mà đánh tiếng dễ có cả chục người nổi máu tham mà nhận vơ, chẳng biết đâu mà lần đã đành lại không chừng đám lưu manh kề dao vào cổ mà cướp mất. Mười cây vàng được chị Thuật đem chia ra làm hai gói cất ở hai nơi cho thật kín đáo.

Nửa tháng sau, một buổi anh Bắc đang ở nhà thì có đôi vợ chồng lạ tìm đến, mắt họ cứ ngó chăm chăm vào đống giấy vụn nơi góc vườn. Anh hỏi tìm gì thì họ bảo tìm vàng: “Khổ quá em có ít vàng để vào thùng giấy carton vỏ tủ lạnh, ở nhà chồng không biết đã đem bán đồng nát mất”. Anh buông một câu thăm dò tiếp: “Đồng tiền đi liền với ruột, ai lại cất vàng vào hộp giấy? Thế nhiều hay ít?”. Chị phụ nữ mắt đỏ hoe: “Mười cây anh ạ”.

Đúng lúc ấy, chị Thuật đạp xe về đến ngõ liền mau mắn: “Thế thì không phải tìm kiếm gì nữa, anh chị cứ vào đây uống nước đã”. Mười cây vàng được đem trả lại cho chủ nhân trong sự ngỡ ngàng của đôi vợ chồng kia.

Người vợ một mực rút từ tay ra một cái nhẫn vàng mà rằng: “Đây là cái duyên của chị em mình gặp nhau, em cầm lấy hai chỉ này coi như là lời cảm ơn của anh chị” khiến chị Thuật cứ phải chối đây đẩy như phải bỏng.
Hai anh chị chỉ trông vào đống phế liệu mà nuôi hai đứa con ăn học.
Hai anh chị chỉ trông vào đống phế liệu mà nuôi hai con ăn học.

Ba năm trước, vợ chồng Bắc - Thuật vẫn thuộc hộ nghèo, anh làm nghề chẻ tre đan sọt lợn đem ra chợ huyện bán còn chị cấy vài ba sào ruộng. Khi nghề đan sọt ế ẩm, chị bàn với chồng đạp xe đi đồng nát khắp huyện, tính ra mỗi ngày lời lãi 50.000 - 70.000 đồng. Thấy bán hằng ngày cho mối không được lãi mấy, chị Thuật chở đồng nát về nhà rồi cùng chồng phân loại, đợi số lượng nhiều mới bán.

Tiếng là chủ vựa nhưng quy mô nhỏ đến mức chỉ có hai vợ chồng tự mua, tự phân loại chứ không quy tập được đội quân vài chục người thu gom, bỏ mối như các ông chủ khác. Hàng hóa của họ thì thập cẩm. “Nhựa chết” - loại nhựa tái chế cứng quào bán 3.000 đồng/kg, “nhựa sống” bán 7.000 đồng, giấy vụn bán 3.000 đồng, sắt bán 6.500 đồng/kg.

Cứ nửa tháng, họ xuất kho đồng nát của mình một lần, mỗi kilôgram phế liệu chỉ được 300-400 đồng lãi. Hai vợ chồng cứ lăn ra mà làm không dám có một ngày thứ bảy, chủ nhật, tối 30 Tết vẫn lọc cọc kéo xe bò đồng nát về nhà. Tính ra, hai vợ chồng chỉ kiếm được cỡ hơn 3-4 triệu đồng một tháng. Số tiền ấy cũng chỉ vừa đủ trang trải cho hai con đi học - một đứa học đại học còn một đứa học cấp 1.

Lúc đứa con đầu vào đại học, chiếc xe máy duy nhất của gia đình cũng nhường để cho con. Buổi nào gần, chị kéo xe đi, buổi nào xa thì mượn xe máy hàng xóm rồi móc vào chiếc xe bò thay cho sức người kéo…

Ngay ngôi nhà cấp bốn xây gạch ba banh mái lợp rơm bố mẹ hồi môn cho anh chị trên mảnh đất ở rìa làng, chắt bóp, tằn tiện mãi họ mới mua được ít ngói lợp thay thế. Của cải anh chị chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế tre cũ kỹ tự đóng, cái thùng phuy sắt hoen gỉ đựng thóc ăn, cái quạt, cái đài đồng nát nhặt về đến cả những quyển sách giáo khoa, sách nâng cao cho hai đứa con cũng từ đồng nát…
Ngay khi thấy vàng của khách bỏ quên trong túi rác, anh chị đã cất vào nơi bí mật, chờ chủ nhân đến nhận lại.
Ngay khi thấy vàng của khách bỏ quên trong túi rác, anh chị đã cất vào nơi bí mật, chờ chủ nhân đến nhận lại.

Chị Đỗ Thị Oanh (ở khu Thương mại thị trấn Quốc Oai) chính là "khổ chủ" mất vàng hy hữu nọ. Chỗ vàng đó được chị Oanh bí mật cất trong đám vỏ thùng carton để trên tủ đứng, bí mật đến nỗi ngay cả chồng con cũng không biết.

“Lúc đó tôi có việc phải đi miền Nam một thời gian. Hôm nhà có giỗ, khóa cái tủ đứng rồi cất chìa lên nóc, giật mình sờ mãi không thấy hộp đựng vàng đâu. Sực hỏi chồng thì nghe anh bảo đã bán đồng nát tự bao giờ”.

Chết điếng người, nghĩ mười mươi mất của rồi nhưng chị Oanh không dám khóc to cũng không dám nói ngay đến chuyện giấu vàng vì sợ bệnh tim của chồng tái phát đột ngột. Phải đợi lúc bình tĩnh nhất, chị mới lựa lời thông báo cho chồng. Dò hỏi mãi mới biết là chồng mình đã bán đám đồng nát ấy cho chị Thuật.

Tìm đến nhà hỏi về cái thùng giấy, vơ chồng chị Oanh chết điếng khi nghe họ đã bán một đợt hàng đi Bắc Ninh tái chế. Chị thất thần, giơ hai tay bưng mặt. Đất dưới chân chị như cũng chênh chao. Những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má sạm đen cho đến khi chị được thông báo lại chỉ thùng giấy đã bán đi còn số vàng thì không hề suy suyển.

Chị Oanh còn nhớ như in câu nói của vợ chồng người ân nhân nghèo rằng: “Trả lại vàng thế này anh chị mừng một chúng em mừng hai vì đã tìm được đúng chủ. Chúng em tuy nghèo thật nhưng của cải do chính bàn tay mình làm nên mới quý chứ của người ngoài thì không bao giờ màng”.

VIDEO - Phản đối công an bắt người quay phim chụp hình

“Thiết thực lập thành tích” mừng Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền

“Thiết thực lập thành tích” mừng Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền






Hoàng Trúc (Danlambao) - Chỉ khoảng một tuần trước khi Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhân viên an ninh đã lại tiếp tục đến nhà hăm dọa cụ bà Bùi Thị Thiện Căn, 73 tuổi, mẹ của nhà báo Đoan Trang - một trong các thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam.

Được biết, vào thứ ba tuần trước, nữ nhân viên an ninh tên Tuyết, tự giới thiệu là người của Tổng cục 2, Bộ Công an, đã gọi điện hẹn “làm việc” với cụ bà Thiện Căn vào buổi sáng thứ tư, 6/11. Ngay từ đầu, cô này đã tỏ rõ ý định trấn áp khi nhấn mạnh “sẽ đến để hỏi về các hoạt động hiện nay của Đoan Trang”, và đe dọa: “Lần này không phải là để trao đổi thân tình, thăm hỏi như lần trước nữa đâu, mà là để làm việc. Bác có tiếp không? Nếu bác không tiếp thì để chúng tôi gửi giấy mời lên phường”.

Tuyết còn cẩn thận dặn dò thêm: “Lần này mà bác còn mời các bạn của Trang đến như lần trước thì sẽ gặp phiền phức đấy”.



Cụ bà Bùi Thị Thiện Căn


Cụ bà Thiện Căn vốn là nhà giáo hưu trí, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, học ĐH Sư phạm I và từng dạy học tại nhiều trường ở thủ đô; bản tính hiền lành, nho nhã và mô phạm, cho nên không quen với những lời lẽ và giọng điệu hăm dọa, chỉ nói: “Cô có đến thì cứ đến, việc gì phải căng thẳng như vậy?”. Tuyết hẹn sáng hôm sau sẽ tới.

Trên thực tế, tới chiều hôm sau cô nhân viên an ninh mới đến nhà dân, báo hại bà cụ phải chuẩn bị trà nước, chờ đợi lòng vòng suốt buổi sáng và trưa. Bà Thiện Căn rất bực mình, vì với thói quen đúng giờ của một nhà giáo, bà không ưa thói sai hẹn, và bà quyết định không tiếp nhân viên công quyền nữa. Gần 3 rưỡi chiều cô này mới tới, tình cờ cũng đúng lúc một người con dâu của bà Thiện Căn đến nhà thăm mẹ chồng. Hai người trao đổi, và cô Tuyết tiếp tục có những lời lẽ hăm dọa một cách rất vô luật, không giống chút nào với một người vốn được coi như đại diện của pháp luật.

Chẳng hạn, Tuyết yêu cầu gia đình cho biết thông tin về “các việc làm hiện nay của Đoan Trang” - có ý nói tới phong trào Tuyên bố 258 của Mạng lưới Blogger Việt Nam phản đối Điều 258 Bộ luật Hình sự. Tuyết cũng yêu cầu gia đình khuyên nhủ, tác động để Đoan Trang chấm dứt các hoạt động sai trái, chống phá Nhà nước (?!), và đe: “Nếu Đoan Trang tiếp tục thì sẽ gây ảnh hưởng đến mẹ, và không chỉ mẹ mà cả hai anh trai và chị dâu. Gia đình sẽ phải chịu hoàn toàn hậu quả”.

Chị Thư, chị dâu của Đoan Trang, cũng phải thấy bực mình trước những lời hăm dọa vô lý và vô luật đó, nên lên tiếng nhắc nhở Tuyết: “Cụ nhà tôi già rồi, còn cô Trang cũng là công dân trưởng thành, trên 18 tuổi lâu rồi, tự chịu trách nhiệm về việc mình làm. Cô để yên cho bà cụ thì hơn. Cụ làm sao biết cô ấy đang làm gì”. Tuyết nhấn mạnh: “Bà ấy là mẹ, phải biết”.

Thông điệp chung của buổi “làm việc” mà Tuyết lặp đi lặp lại và muốn thân nhân của Đoan Trang phải hiểu, là Đoan Trang phải ý thức được sự sai trái của mình và chấm dứt viết những bài nhạy cảm, “chống phá”. Đồng thời, an ninh cũng muốn gia đình hợp tác cung cấp thông tin về Đoan Trang: đang ở đâu, làm gì, có dự định gì; và yêu cầu cả nhà có trách nhiệm khuyên nhủ, thuyết phục để Đoan Trang “đi đúng đường”. Nếu không, cả mẹ và các anh chị của cô sẽ phải trả giá.



Nhà báo / blogger Đoan Trang cùng với blogger/Nguyễn Anh Tuấn, đại diện MLBVN trao
Tuyên bố 0258 cho đại diện Văn phòng /Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền


Nhà báo Đoan Trang vốn là phóng viên của báo điện tử VietNamNet, báo Pháp luật TP.HCM. Cô cũng là một trong các thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam. Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, cô đã cùng một số blogger trong Mạng lưới đem Tuyên bố 258 đi trao cho đại diện của Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền (OHCHR) khu vực Đông Nam Á và một số tổ chức quốc tế khác, như Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch), Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA), Ủy bao Bảo vệ Ký giả (CPJ), Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), v.v... Vào ngày 9/8, khi cô đang ở Bangkok, nhân viên an ninh cũng đã đến “làm việc” với gia đình nhằm mục đích khai thác thông tin và bắt đầu bắn tín hiệu đe dọa...

Cần nói rõ rằng những việc này xảy ra khi Nhà nước Việt Nam đang hối hả tranh cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Gọi là “tranh cử” không hẳn đúng, vì chỉ có bốn thành viên vận động để được ngồi vào bốn ghế của khu vực châu Á.

Trong một diễn biến khác, ngay sau khi Việt Nam trở thành “tân thành viên” của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tại khóa học “Quyền con người và phát triển xã hội” do Đại học Oslo (Nauy) phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, nhân viên an ninh đã gây sức ép, buộc các học viên không phải là sinh viên của trường phải bỏ dở khóa học sắp hoàn thành mà không thông báo lý do, dù việc đăng ký và tham gia của họ là hoàn toàn hợp thức. Phải chăng vì họ nghĩ người dân Việt Nam hiểu về nhân quyền rồi nên không cần học nữa?



Hoàng Trúc
danlambaovn.blogspot.com

Báo Nga: Năm 2014, Hải quân Nga có thể trở lại Cam Ranh

Báo Nga: Năm 2014, Hải quân Nga có thể trở lại Cam Ranh


Trường Sơn - theo Trí Thức Trẻ | 15/11/2013 08:08

(Soha.vn) - Theo báo Độc lập (Nga), trạm hậu cần ở Cam Ranh có thể là điểm tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm, bảo dưỡng và sửa chữa cho chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Báo Độc lập của Nga mới đây đăng một bài viết cho rằng, tới cuối năm 2014, một điểm hậu cần (E&P) của Hải quân Nga có thể sẽ được thành lập tại Cam Ranh.

Theo bài viết của báo Độc lập, điểm hậu cần này có các chuyên gia Nga và các dịch vụ, thiết bị dự trữ để sửa chữa cho các tàu chiến của Hải quân Nga. Cơ sở này sẽ phục vụ như một điểm tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm, bảo dưỡng và sửa chữa cho các nhóm chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương sang vịnh Aden hoặc di chuyển theo hướng ngược lại.

Theo báo Độc lập, Nga và Việt Nam có thể sẽ thảo luận về việc E&P được cho thuê và sử dụng như thế nào. Theo dự đoán, phí thuê E&P sẽ được tính qua các thỏa thuận hợp tác kinh tế và kỹ thuật - quân sự giữa Nga và Việt Nam.

 
Sắp tới, một điểm hậu cần của Hải quân Nga sẽ được thành lập tại Cam Ranh

Cam Ranh là một trong những vịnh nước sâu nhất và lớn nhất thế giới, nắm giữ vị trí địa lí chiến lược. Từ năm 1979 đến năm 2001, theo một thỏa thuận giữa Moscow và Hà Nội, tại căn cứ Cam Ranh đã có một cơ sở của Hải quân Liên Xô (sau này là cơ sở hậu cần 922 của Hạm đội Thái Bình Dương). Cơ sở này có diệt tích khoảng 100km2, bao gồm một sân bay quân sự, cho phép cất và hạ cánh được tất cả các loại máy bay các kích cỡ của Nga. Tuy nhiên, tới năm 2002, vì những lý do tài chính nên Hải quân Nga đã quyết định rút khỏi Cam Ranh. Sau này, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng đó là một trong những sai lầm lớn của hải quân nước này nhưng đã quá muộn.

Sau khi Nga rời khỏi cơ sở hải quân tại căn cứ Cam Ranh, Việt Nam tuyên bố sẽ không cho bất kỳ nước nào đặt căn sở quân sự tại đây.

Hiện nay, Cam Ranh là một cụm du lịch lớn của Việt Nam, sân bay quân sự ở đây cũng đã được đầu tư thành cảng hàng không quốc tế. Nhưng theo thời gian thay đổi, và với mối quan hệ ngày càng nồng ấm của hai nước, Hải quân Nga đang hy vọng có thể thiết lập một cơ sở đảm bảo hậu cần ở Cam Ranh.

Báo Độc lập cũng nhắc lại rằng, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố rằng Nga sẽ giúp Hà Nội xây dựng một hạm đội tàu ngầm của riêng mình.

     Trong tương lai, Việt Nam có thể sản xuất các thiết bị quân sự tiên tiến theo giấy phép của Nga.




Tàu ngầm Kilo đầu tiên đã được Nga bàn giao cho Việt Nam

Vào hôm 7/11 vừa qua, tại nhà máy đóng tàu Admiralty ở St Petersburg đã diễn ra lễ ký kết biên bản kỹ thuật chuyển giao chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên được xây dựng cho Hải quân Việt Nam. 5 chiếc tàu ngầm còn lại đang ở trong các giai đoạn chế tạo và thử nghiệm khác nhau, chiếc cuối cùng sẽ được bàn giao cho Việt Nam vào năm 2016. Trong tháng 7/2013, công ty Cổ phần NGO Aurora của Nga cũng đã bắt đầu xây dựng một trung tâm huấn luyện mô phỏng tích hợp tàu ngầm cho hạm đội tàu ngầm, đặt tại quân cảng Cam Ranh cho Hải quân Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua của Nga tổng cộng 32 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 12 tàu tên lửa Molniya, 4 tàu hộ tống tên lửa Gepard 3.9, một số tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU1, các hệ thống tên lửa cơ động trên bờ biển Bastion trang bị tên lửa chống tàu siêu âm Yakhont, cùng nhiều loại vũ khí khác.

Theo văn bản được công bố vào đêm trước của chuyến viếng thăm Hà Nội của mình, ông Putin đã viết rằng, "Nga và Việt Nam sẽ cùng nhau hướng tới chân trời hợp tác mới". Trong đó nhấn mạnh lĩnh vực hợp tác trong các kỹ thuật quân sự với quốc gia Đông Nam Á không chỉ bao gồm xuất khẩu.

"Việt Nam, với sự tham gia của các công ty Nga, sẽ tiến hành sản xuất theo giấy phép các thiết bị quân sự tiên tiến", - Đài Tiếng nói nước Nga trích dẫn đoạn văn trong bài viết về những mục tiêu mới trong mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia của Tổng thống Putin.
Phát biểu với Đài Tiếng nói nước Nga sau cuộc hội đàm ở Việt Nam hôm 12/11, ông Putin cũng nhấn mạnh rằng, nước Nga sẽ tiếp tục tăng cường cung cấp các thiết bị quân sự hiện đại cho Quân đội Việt Nam. Bộ Quốc phòng hai nước đã ký kết một thỏa thuận mới trong lĩnh vực này, trong đó dự định cung cấp cho Việt Nam các loại máy bay chiến đấu, xe bọc thép và vũ khí hạng nhẹ của Nga. Đồng thời, Nga sẽ huấn luyện cho hải quân và các lực lượng vũ trang của Việt Nam.
Theo các chuyên gia phương Tây, tỷ lệ vũ khí của Nga bán cho Việt Nam trong giai đoạn 2011-2014 sẽ tăng thêm 97% (giai đoạn 2003-2010 là 87,4%).

Nghi CSGT rượt đuổi gây tai nạn, dân bao vây đốt xe

(NLĐO)- Cho rằng CSGT truy đuổi khiến người vi phạm ngã xuống cống, lại còn ra tay đánh nạn nhân bất tỉnh, hàng trăm người dân ở xã Gia An, huyện Tánh Linh, Bình Thuận đã bao vây các chiến sĩ CSGT, bắt giữ trung úy Nguyễn Ngọc Tuấn, đốt cháy xe máy và giữ xe bán tải BKS 86B 0214 của nhóm CSGT.

Ông Đinh Văn Lê (thôn 5, xã Gia An, Tánh Linh) người tự nhận chứng kiến toàn bộ sự việc cho biết: Vào lúc 19 giờ 30 ngày 14-11, hai CSGT trên xe Exciter biển số 86B7.0007 đuổi theo anh Hồ Ngọc Khoa (SN 1993, trú thôn 7, xã Gia An, huyện Tánh Linh) chở theo 2 bạn gái, cả 3 đều không đội mũ bảo hiểm. Đến ngã tư thôn 5, xã Gia An thì Khoa ngã xe xuống cống nước và bị 2 CSGT lao vào dùng cùi chỏ, dùi cui (cao su) đánh đập.

Bức xúc trước hành động đó, ông Lê đã lao vô can ngăn thì bị một CSGT ngăn lại.  Ông vội truy hô. Hàng trăm người dân thôn 5 và vùng lân cận đã kéo đến bao vây 2 CSGT. Sau đó 1 CSGT điều khiển xe Exciter mang BKS 86B7.0007  và 3 CSGT nữa trên xe bán tải BKS 86B 0214 chở trên thùng xe 2 chiếc xe đã bắt của người vi phạm trước đó, chạy tới.

Thấy người dân bức xúc vây quanh nên tất cả CSGT đã bỏ toàn bộ xe ở lại thoát thân. Chỉ có 1 CSGT tên Tuấn chạy vào nhà ông Nam (cách chỗ xảy ra sự việc 200m). Tuấn bị ông Nam cùng người dân bắt giữ, bắt viết biên bản về việc truy đuổi gây té xe và đánh đập người vi phạm giao thông. Anh Tuấn không viết nên bị người dân giữ tầm 15 phút thì được ông Hồ Văn Thành (bí thư xã) cùng công an xã đến giải cứu.

Hồ Ngọc Khoa nằm bất tỉnh dưới mương nước sau đó đã được người dân đưa đến trạm xá xã Gia An, sau đó đã chuyển lên bệnh viện huyện Tánh Linh trong đêm. Chiếc xe do Khoa điều khiển bị người dân đưa đi mất.

Hàng trăm người dân bức xúc trước hành động đánh người của 2 CSGT nên đã đốt chiếc xe máy mang BKS 86B7.0001 là chiếc xe CSGT dùng đuổi theo Khoa. Tiếp đó còn dùng đá, gậy gộc, cây tre dài đập vỡ cửa kính xe tải BKS 86B 0214.

Lúc 9 sáng 15-11, khi chúng tôi tới hiện trường thì có rất đông người dân đang tụ tập. Ai cũng bức xúc và tố cáo CSGT  đánh người. Họ còn cho biết đã túc trực canh giữ từ đêm qua tới giờ để ngăn không cho công an giải tỏa hiện trường. Đến gần 9 giờ, lực lượng công an mới khám nghiệm xong hiện trường và đưa các tang vật về trụ sở công an huyện Tánh Linh.

Xe tải của CSGT bị người dân giữ lại


Đến 9 giờ 30 phút cùng ngày, tại bệnh viện huyện Tánh Linh, nạn nhân Hồ Ngọc Khoa nằm điều trị ở khoa ngoại, đã tỉnh lại nhưng không chịu nói năng, ăn uống.

Ông Hồ Ngọc Trung (bố Khoa) cho biết: “Nghe người ta báo con bị CSGT đánh bất tỉnh, tôi chạy vội lên đây. Từ lúc nhập viện tới giờ nó vẫn chưa tỉnh hẳn. Các bác sĩ chỉ xét nghiệm máu, chuyền nước rồi để nó nằm như thế từ tối tới giờ”.

Hồ Ngọc Khoa tại bệnh viện

Làm việc với báo chí, Bác sĩ Hồ Phi Long, GĐ bệnh viện huyện Tánh Linh nói: “Tôi chưa nắm thông tin về bệnh nhân này. Nếu muốn có câu trả lời đầy đủ thì cơ quan báo chí phải có văn bản yêu cầu”.

Ông Hồ Văn Thành, bí thư xã Gia An, người trực tiếp giải cứu CSGT bị người dân bắt giữ cho biết: “Nhận được tin báo, tôi đã xuống hiện trường ổn định tình hình, trấn tĩnh bà con và bảo vệ Tuấn (CSGT bị người dân giữ) trước sự quá khích của người dân. Sau đó tôi đã gọi điện báo cáo cho lãnh đạo, công an huyện, xã đến ổn định, vận động bà con để tránh dẫn đến tình hình xấu”.

Ông Phan Minh Tuấn, phó công an xã nói: “9 giờ tối tôi nhận được tin báo có vụ chống đối người thi hành công vụ nên chạy xuống hiện trường. Tới nơi thấy Hồ Ngọc Khoa nằm bất động dưới mương, tay bị xước một vệt. Người dân không cho đưa Khoa đi cấp cứu nên tôi đã lao vào bế Khoa chở đi trạm xá cấp cứu. Sau đó cùng anh Thành (bí thư xã) tới lôi Tuấn (CSGT bị giữ) chở về UBND xã. Sau đó tôi lấy bóng đèn và dây điện quay lại hiện trường để thắp sáng thì người dân không cho cắm điện. Khi quay ra ngoài thì thấy lửa bùng lên và xe BKS 86B7.0001 của CSGT nằm dưới mương đã bị người dân đốt cháy. Tôi vội chạy ra lấy bình xịt dập lửa nhưng không kịp, chiếc xe bị cháy trơ khung nằm dưới mương".

Ảnh người dân tụ tập bên chiếc xe bị đốt cháy

Cũng trong sáng 15-11, một đoàn do trưởng ban dân vận tỉnh ủy dẫn đầu, cùng BCHQS  huyện, các ban ngành đoàn thể địa phương đã tới hiện trường để đối thoại, nắm bắt tình hình và vận động người dân yên tâm, giữ trật tự, tránh xảy ra tình trạng quá kích.

Đoàn do trưởng ban dân vận tỉnh ủy dẫn đầu, cùng BCHQS  huyện, các ban ngành đoàn thể địa phương đã tới hiện trường để đối thoại, nắm bắt tình hình và vận động người dân yên tâm, giữ trật tự,


Làm việc với báo chí chiều 15-11, Ông Nguyễn Văn Loan, trưởng công an huyện Tánh Linh cho biết: “ Nhóm công an liên quân tuần tra gồm 8 người do trung tá Cao Xuân Thanh  làm tổ trưởng tuần tra cung đường Đức Tiến – Gia An. Lúc đang tiến hành xử lí một số người vi phạm luật giao thông thì phát hiện 1 xe do 1 thanh niên điều khiển chở theo 2 cô gái, tất cả đều không đội mũ bảo hiểm. Khi tổ tuần tra ra hiệu lệnh dừng xe nhưng đối tượng không chấp hành nên tổ trưởng đã báo cho các tổ viên đang tuần tra trên trục đường ĐT 720 hướng Gia An – Vũ Hòa (Đức Linh) bám theo.

Đối tượng bỏ chạy lòng vòng qua các trong các trục đường ở thôn 5, xã Gia An. Tới ngã tư thôn 5 thì đối tượng bị ngã xuống cống nước. 2 cô gái đi cùng đứng dậy trước, Khoa đứng lên sau nhưng khi thấy CSGT đến lại giả bộ nằm xuống. Khi yêu cầu đứng lên thì Khoa không chịu, cứ nằm im dưới cống.
Lúc bấy giờ, Đinh Văn Lê (nhà cách đó 200 mét) đi ngang qua, hô lên cảnh sát đánh người, thế là người dân xung quanh túa ra bao vây hành hung các chiến sĩ. Trước sự quá khích và đông đảo của người dân các chiến sĩ đã rút lui, Trung tá Nguyễn Ngọc Tuấn bị một người dân tên Nam nhà cạnh đó lôi vào nhà bắt viết và ký vào biên bản là có đánh người vi phạm. ông Tuấn kiên quyết không ký, rất may sau đó cán bộ xã, công an đã đến giải cứu và đưa các chiến sĩ thuộc đội CSGT về UBND xã.
Cũng theo ông Loan, lúc xảy ra vụ việc, ở gần đó có một đám thanh niên đang nhậu, một số thanh niên quá khích đã lấy đá ném bể kính trước và sau của xe tải BKS 86B.0214, lấy cây chặn xe. Sau đó khoảng 20 phút thì đốt một chiếc xe Exciter của CSGT (trị giá 49 triệu).

Hiện công an huyện đang tiến hành điều tra, sàng lọc các đối tượng chống người thi hành công vụ. Khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo cũng đã làm việc với các cảnh sát  thuộc tổ CSGT làm nhiệm vụ hôm đó và chưa phát hiện sai sót.

Ông Loan cũng chia sẻ thêm, về phía nạn nhân Hồ Ngọc Khoa thì bác sĩ ở trạm y tế xã nhận định không có thương tích gì đáng kể, lúc cấp cứu ở trạm y tế thì phát hiện nồng độ cồn rất cao. Việc chuyển lên bệnh viện huyện để điều trị là do gia đình yêu cầu đưa đi.

Ông còn nhấn mạnh: “Đối tượng Đinh Văn Lê trước đây có một người cháu tử nạn do tai nạn giao thông. Do nghi ngờ CSGT gây nên cái chết này nên ông làm đơn khiếu kiện khắp nơi, mặc dù đã được trả lời đầy đủ. Ông rất ghét CSGT, tối hôm qua ông có tham gia đánh CSGT nhưng các chiến sĩ né được”.
Bạch Long

Xuồng chủ quyền sắp cập bến Trường Sa!

Xuồng CQ chế tạo từ hợp chất các-bon siêu nhẹ, đạn thường không xuyên thủng được, loại đạn công phá mạnh cũng chỉ tạo ra vết thủng nhỏ chứ không thể phá vỡ kết cấu.

Chung sức với chiến dịch “Góp đá xây Trường Sa”, VNG và Quỹ cộng đồng người sử dụng Internet Việt Nam (VNIF) cùng báo Tuổi Trẻ đã trao tặng cho quân dân huyện đảo Trường Sa một xuồng cứu hộ trị giá 3,5 tỷ đồng. Hiện tại, xuồng CQ đang được hoàn thiện trang thiết bị và chuẩn bị trao đến tay các chiến sĩ nơi đảo xa.

Xuồng được nhà máy X70, trực thuộc Cục hải quân chế tạo và đây là đơn vị chủ lực trong cả nước về đóng “xuồng chủ quyền” (CQ) – một loại xuồng chuyên dụng tiên tiến tạo ra sự thay đổi trong công cuộc bảo vệ biển đảo.



Đại tá Nguyễn Văn Thái cùng lãnh đạo công ty VNG bên chiếc xuồng CQ

Đại tá Nguyễn Văn Thái – Giám đốc nhà máy X70 hào hứng kể: “Đây là một thành tựu nghiên cứu của Hải quân Việt Nam. Dù xuồng CQ không phải là một đột phá vượt bậc về khoa học công nghệ nhưng nó lại là một bước tiến vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đời sống, tăng cường khả năng chiến đấu của quân dân Trường Sa”.

Đại tá Thái cũng cho hay, đặc trưng của các đảo ở Trường Sa là bãi đá san hồ ngầm, tàu thuyền chân vịt rất khó hoạt động. Xuồng CQ di chuyển bằng áp lực nước nên không bị cản trở, thích hợp với địa hình vùng biển Trường Sa, dễ hoạt động, tốc độ có thể lên đến 50km/h, vận tải được đến 3 tấn, đủ chở trang bị vật tư cho 1 đơn vị chiến đấu cũng như vận tải hàng hóa từ tàu lớn vào đảo.

Những năm trước thời điểm 1990, đất nước ta còn nghèo, các xuồng vận tải phải buộc dây nối với đảo, hàng được đưa xuống thuyền và bộ đội ta phải dùng sức kéo vào đảo, sau đó thì có xuồng máy để kéo xuồng hàng, nhưng tốc độ rất chậm. Từ khi có xuồng CQ, tốc độ di chuyển tuần tra, cứu hộ, vận tải đều tăng cao.

Gần đây nhất, bằng việc sử dụng xuồng cứu hộ CQ, lực lượng hải quân đã cứu sống được một ngư dân gặp nạn trên biển. “Hôm đó mưa to gió lớn, bất ngờ chúng tôi nhận được lực tín hiệu cần cứu giúp từ đảo Song Tử Tây. Đội cứu hộ được trang bị xuồng CQ nên không bao lâu đã có mặt ở nơi người dân gặp nạn. Do lặn xuống gần chân vịt để sửa động cơ nên ngư dân bị cánh quạt chém đứt lìa tay và chém sâu ngang người. Ngay sau đó người này đã được đưa về đất liền chữa trị và khỏe mạnh trở lại. Đặc biệt, trong một lần lính hải quân diễn tập trên biển, một xe tăng không may bị chìm không có cách nào kéo lên được. Đội cứu hộ đã nhanh trí nghĩ cách điều xuồng CQ tới rồi dùng dây móc kéo xe tăng lên bờ", đại tá Thái kể.

Phương tiện để bảo vệ chủ quyền

Đúng như tên gọi, xuồng CQ là phương tiện hữu hiệu giúp chiến sĩ Trường Sa thực hiện công tác tuần tra, giám sát trên biển. Với chiều dài 8m, rộng 2,1m, xuống CQ có thể chở tới hơn 30 người. Đặc biệt trên xuồng cũng được trang bị những trang bị vũ khí tối tân để hỗ trợ những người lính biển phòng vệ một cách tốt nhất.


Chất liệu đặc biệt để làm vỏ xuồng CQ.

Điểm nhấn quan trọng của xuồng CQ nằm ở vật liệu chế tạo, đây là loại hợp chất các-bon siêu nhẹ được nhập khẩu từ Nga. Loại vật liệu này đạn thường sẽ không xuyên thủng được, còn loại đạn công phá mạnh khi bắn vào chỉ gây ra vết thủng nhỏ chứ không thể phá vỡ kết cấu. Cũng nhờ loại vật liệu hợp chất các-bon tiên tiến này, khi thử nghiệm bơm nước đầy vào khoang xuồng CQ, xuồng vẫn không hề bị chìm nên hết sức an toàn khi đi lại trên biển.

Hình ảnh chiếc xuồng chủ quyền VNG gửi tặng chiến sĩ Trường Sa:


Xuồng chủ quyền là một trong những thành tựu của hải quân Việt Nam.

Vỏ xuồng được chế tạo bằng vật liệu hợp chất các-bon siêu nhẹ, siêu bền và chịu được đạn bắn.


Khi thử nghiệm đổ nước đầy khoang, xuồng CQ vẫn không bị chìm.


Rìa thành tàu sau khi hạ thủy có lắp đặt súng AK và có kho vũ khí để phòng vệ

Đây được coi là xuồng cứu hộ tiên tiến nhất hiện nay

Động cơ xuồng được nhập khẩu từ Nhật, sau quá trình thử nghiệm chạy 3 năm vẫn chưa xảy ra hỏng hóc.

Những chiếc phao quanh thành xuồng để khi cứu hộ, cho người gặp nạn bám vào

Xuồng chủ quyền sẽ được chuyển tới các chiến sĩ Trường Sa sau khi hoàn thiện.


LÊ TÚ
Theo Infonet

BÁO CHÍNH THỐNG CỦA VN KHÔNG THỪA NHẬN HCM LÀ “DANH NHÂN VĂN HOÁ THẾ GIỚI”

(Chinhphu.vn) - Đại thi hào Nguyễn Du vừa chính thức được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới".
Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 37 tại Paris (Pháp), Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đặc biệt đánh giá cao Hồ sơ về đại thi hào Nguyễn Du vì tầm ảnh hưởng của ông trong lịch sử văn hóa Việt Nam và cả khu vực.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Du, tác phẩm "Truyện Kiều", đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, đặc biệt phổ biến tại Pháp và Mỹ.
Như vậy cho đến nay, Việt Nam đã có 2 "Danh nhân Văn hóa thế giới" là Nguyễn TrãiNguyễn Du.
Hướng tới dịp kỷ niệm 220 năm ngày sinh Nguyễn Du (tổ chức vào năm 2015) đã được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ VHTTDL thực hiện. Hiện Sở VHTTDL Hà Tĩnh đã xây dựng xong Đề án kỷ niệm và chuẩn bị lấy ý kiến của Bộ VHTTDL trước khi trình Chính phủ.
Theo đó, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trong dịp này, bao gồm các hội thảo, các hoạt động văn hóa, kết nối thêm các tour du lịch đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du ở xã Tiên Điền (huyện Nghi Xuân), quy hoạch tổng thể khu di tích…
Nhật Nam


Đây là lần đầu tiên, một cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam thừa nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là “Danh nhân Văn hoá Thế giới”. 
Sự thừa nhận công khai này chẳng khác nào cú đòn chí mạng nhằm vào các “thế lực thù địch” trong và ngoài nước, những kẻ trước nay vẫn tuyên truyền bậy bạ rằng Nhà nước Việt Nam “nhận vơ” là UNESCO đã “vinh danh” Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Danh nhân Văn hoá Thế giới”. Chứ chẳng lẽ Báo điện tử Chính phủ và nhà báo Nhật Nam lại “tự diễn biến” hay sao?!

Hơn 7.000 tàu thuyền Bình Thuận vào trú bão số 15

(TNO) Theo công điện của Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận phát đi lúc 23 giờ 30 đêm qua (14.11), có 7.797 chiếc tàu thuyền của tỉnh (39.000 lao động) đã vào bờ tránh cơn bão số 15 an toàn.
 
Tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn
Đêm qua, tại vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã có gió cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 3 đến 3,5 mét.
Chiều tối qua 14.11, UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp khẩn với các huyện, thị, thành phố yêu cầu chuẩn bị phương án di dời dân; không được chủ quan với cơn bão này. Tất cả các lực lượng sẵn sàng với phương châm 4 tại chỗ để chống bão.
Tin, ảnhQuế Hà

Bão số 15 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

(TNO) Theo bản tin phát lúc 5 giờ 30 phút sáng nay 15.11 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh Phú Yên - Bình Thuận, bão số 15 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
 
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy  văn T.Ư, cập nhật lúc 5 giờ 30 ngày 15.11
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hồi 4 giờ sáng nay ngày 15.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,0 độ vĩ bắc; 109,8 độ kinh đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 16.11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,9 độ vĩ bắc; 104,0 độ kinh đông, trên khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận ngày hôm nay 15.11 có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.
Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Ở các tỉnh Trung Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh Nam bộ có mưa vừa, có nơi mưa to và dông, trong cơn dông cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở vịnh Bắc bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Nguyễn Bằng

Philippines, LHQ 'chỏi nhau' về số người chết do siêu bão !!!

(TNO) Các quan chức Philippines ngày 15.11 cho biết số người chết do siêu bão Hải Yến (Haiyan) tăng lên 2.360 người. Trong khi, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho rằng số người chết là 4.460 người.
Người phát ngôn Reynaldo Balido của Cơ quan Dân phòng Philippines ngày 15.11 đã xác nhận số người chết do siêu bão Hải Yến ở Philippines là 2.360.
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới vào ngày 14.11 tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ), người phát ngôn LHQ, ông Farhan Haq, lại cho rằng có 4.460 người Philippines thiệt mạng do siêu bão Hải Yến. Ông Haq còn khẳng định số người chết này là chính xác.
Công tác viện trợ cho nạn nhân vùng bão vẫn tiếp tục trong ngày 15.11. Tàu sân bay Mỹ cũng đã đến Philippines để hỗ trợ công tác viện trợ cho nạn nhân siêu bão.
Các bệnh viện bị siêu bão tàn phá ở thành phố Tacloban hiện đã quá tải do có quá nhiều bệnh nhân đến điều trị. Trang thiết bị, thuốc men thiếu thốn trầm trọng và những bệnh nhân nặng có nguy cơ thiệt mạng cao.
Philippines đang tiến hành chôn tập thể những xác người phân hủy sau siêu bão Hải Yến, đa phần các thi thể vẫn chưa được nhận dạng.
Phúc Du

Bão số 15 suy yếu thành áp thấp, có thể gây mưa lớn ở miền Trung và Tây Nguyên



Cơn áp thấp nhiệt đới sau khi đi vào vùng biển ngoài khơi các tỉnh Phú Yên – Bình Thuận, đã bất ngờ mạnh lên thành bão số 15 (tên quốc tế là Podul) đổ bộ vào nước ta. Thế nhưng, đến tầm đêm, trước khi đi vào đất liền, bão đã lại suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.


Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, đến 4h sáng hôm nay (15/11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng bờ biển các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7.
 
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến khoảng 4h ngày 16/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào trên khu vực Campuchia với sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận ngày hôm nay (15/11) còn có gió mạnh cấp 6. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6. Các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, đặc biệt các tỉnh Nam Bộ cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh trong cơn dông.
 
Rất may trước khi vào đất liền, bão số 15 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên do mưa lớn xuất hiện trên diện rộng khiến các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Tây Nguyên có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2. Các sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3. Do đó, người dân trong khu vực này cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra.
 
 

Một nhóm người Hong Kong lên kế hoạch ‘đánh cá’ Trường Sa



Một nhóm 15 người tự xưng là các “nhà hoạt động” Hong Kong và Trung Quốc đã lên kế hoạch tiến vào khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với mục đích “đánh cá”.

Tàu chở những người tự xưng là “nhà hoạt động” của Hong Kong và Trung Quốc đã bị khám xét ngay trong sáng ngày 13/11. Ảnh: SCMP
Hãng tin Reuters ngày 13/11 cho hay: 15 “nhà hoạt động” của Hong Kong và Trung Quốc cùng thủy thủ đoàn đã bắt đầu chuyến hành trình trên tàu Khải Phong 02 tới quần đảo Trường Sa để “đánh bắt cá” bằng các biểu ngữ khẳng định chủ quyền.
 
Theo AFP, trong số những người này còn có 2 nhà báo. Hãng thông tấn CNA cho biết thêm đi cùng đoàn cũng có hành khách của Ma Cao, Đài Loan. Lô Châu, một thành viên trong đoàn tuyên bố ngạo mạn: “Nếu như Nam Sa (cách Trung Quốc gọi Trường Sa) không có cá, chúng tôi sẽ đi bất kỳ đâu trong lãnh thổ của Trung Quốc có cá. Chính vì thế, không thể xác định rõ chúng tôi sẽ đi đâu”!
 
Con tàu Khải Phong 02 và nhóm người tự xưng là “nhà hoạt động” Hong Kong và Trung Quốc đã từng hô hào bơi thuyền đến Senkaku để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Hoa Đông trong tháng 8/2013 nhưng bị chính quyền Hong Kong ra lệnh cấm xuất bến. Chính quyền Nhật Bản cũng đã từng bắt, trục xuất và cảnh báo lạnh lùng rằng sẽ trừng trị nghiêm khắc bất cứ nhóm người Hong Kong quá khích nào có ý xâm phạm chủ quyền Senkaku.
 
 

Xây nhà vệ sinh hơn 1 tỷ: "Chi phí như vậy là không lớn"


(Tinmoi.vn) Ông Nguyễn Mạnh Cường, giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội khẳng định rằng, "số tiền 15 tỷ cho 14 nhà vệ sinh là không lớn".

Ngày 31-10, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Văn Khôi đã ký, phê chuẩn dự án đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép trên địa bàn TP.Hà Nội. Như vậy, mỗi nhà vệ sinh có giá thành trung bình hơn 1 tỷ đồng.
Ngay lập tức, thông tin này vấp phải những phản hồi gay gắt. Bởi, Trên thực tế, hiện tại có vô số nhà vệ sinh công cộng hiện bị bỏ xó, bốc mùi hôi thối và gây ức chế cho những người dân sống xung quanh. Và quan trọng hơn đó chính là chi phí để xây dựng được dư luận cho là quá cao. Thậm chí, nhiều người còn ví von Hà Nội chuẩn bị xây "nhà vệ sinh dát vàng".
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội khẳng định rằng, "số tiền 15 tỷ cho 14 nhà vệ sinh là không lớn". Ông nhận xét về giá trị thực tế, một nhà vệ sinh không thể lên tới tiền tỷ mà rơi vào tầm khoảng 300-350 triệu đồng. Thế nhưng với nhà vệ sinh công cộng thì chi phí này đắt hơn rất nhiều. Vì nó yêu cầu phải có bể phốt, ống thoát nước nước ngầm, điện… để đảm bảo vệ sinh môi trường. Chưa kể đến có điểm dự kiến đặt nhà vệ sinh chưa có sẵn các hạ tầng nói trên mà phải đấu nguồn từ xa.

Xây nhà vệ sinh hơn 1 tỷ:
Thực tế, hiện tại có vô số nhà vệ sinh công cộng hiện bị bỏ xó, bốc mùi hôi thối

Trao đổi với PV, GS.TS.Nguyễn Lân- Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho hay: "Việc xây dựng những công trình hiện đại, sẽ cần đầu tư số tiền lớn, vì nó tùy thuộc vào chất lượng của công trình. Chúng ta cũng không nên vội vàng phê phán giá thành như thế là quá cao hay quá thấp, thay vào đó ta cần xem kỹ người ta làm công trình đó bằng vật liệu gì. Xét trên mức thang hiện đại thì giá cả vật tư rất vô cùng, tùy thuộc vào yêu cầu của người dùng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng một công trình luôn luôn phải gắn kết chặt chẽ với điều kiện kinh tế xã hội cụ thể. Trong điều kiện kinh tế xã hội của nước ta mọi người còn đang ra sức tiết kiệm và cố gắng từng bước nâng cao đời sống của người dân thì phải làm từng bước chứ không thể đột xuất nghĩ ra một mục đích xa vời để thực hiện. Vì thế trong giai đoạn này, chúng ta chỉ nên đầu tư vừa phải. Một cái nhà vệ sinh thì làm thế nào để bảo đảm cho người dân sử dụng được, mặt khác bảo đảm môi trường sạch, đẹp. Tôi cho rằng chỉ cần như thế chứ không nên yêu cầu quá cao".
Kiến trúc sư Trịnh Hồng Đoàn, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho hay, vấn đề lắp đặt các nhà vệ sinh công cộng đã được đưa ra bàn luận từ lâu. Kể cả việc đặt nhà vệ sinh ở chỗ nào quanh hồ Gươm cũng là vấn đề tranh cãi. Ông cho rằng với những nhà vệ sinh ở gần bờ hồ thì đắt cũng đáng, còn ở những chỗ khác thì chưa cần thiết bằng.
Ông Vũ Tuấn Định, nguyên Phó giám đốc sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng, việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng phải nghiêm túc công tác đấu thầu và luật xây dựng, đầu tư. "Việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội rất cần thiết. Hà Nội là nơi có nhiều di tích, nhiều phố cổ, phố cũ… lượng khách du lịch ở trong và ngoài nước đến thăm quan nhiều. Nếu không có các nhà vệ sinh công cộng thì rất khó khăn cho các khách du lịch", ông Định nói.
Nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng luôn rất lớn nhưng "chất lượng" của những công trình này cũng là một vấn đề lớn để bàn bạc. Những nhà vệ sinh hiện có được ví như "cơn ác mộng" với những người buộc phải sử dụng chúng.
Những công trình thiết yếu này được bố trí tại những vị trí khá khuất rải rác trong các con ngõ, hẻm của Hà Nội. Không những thiếu mà chúng còn trong tình cảnh hôi hám, bẩn thỉu, khiến nhiều người dân và khách du lịch nước ngoài "phát sốt" khi có "nhu cầu tế nhị" ở nơi công cộng.
PV

Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn 

Trung Quốc tăng viện trợ cho Philippines



Trung Quốc vừa thông báo sẽ gửi thêm viện trợ trị giá 1,6 triệu USD tới Philippines, nhằm giúp quốc đảo khắc phục hậu quả do siêu bão Haiyan.

Binh lính Mỹ và Philippines chuẩn bị hàng cứu trợ tại căn cứ quân sự ở thủ đô Manila. Ảnh: AFP.
Binh lính Mỹ và Philippines chuẩn bị hàng cứu trợ tại căn cứ quân sự ở thủ đô Manila. Ảnh:AFP.
"Hàng cứu trợ bao gồm chăn và lều, sẽ phần nào giúp hàng nghìn người dân Philippines vượt qua khó khăn hiện tại", Thời báo Hoàn cầu dẫn lời Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong phiên họp báo thường kỳ hôm qua. Lãnh sự quán Trung Quốc ở Philippines cho biết gói hàng cứu trợ này trị giá 10 triệu nhân dân tệ, tương đương 1,64 triệu USD.
Thông báo viện trợ bổ sung của Trung Quốc được đưa ra sau khi xuất hiện những tranh cãi xung quanh khoản tiền mặt 100.000 USD mà nước này thông báo hỗ trợ Philippines hôm 11/11. Trên các mạng xã hội của Trung Quốc, có ý kiến cho rằng viện trợ như vậy là thích hợp, thậm chí có người kêu gọi không viện trợ, nhưng cũng có người cho rằng vấn đề nhân đạo nên được tách biệt với các vấn đề chính trị, để thể hiện đủ vị thế cường quốc của Trung Quốc.
Cùng ngày, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi điện và chia buồn tới Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
"Thay mặt cho người dân Trung Quốc, tôi xin gửi lời chia buồn cùng sự cảm thông sâu sắc tới những nạn nhân chịu ảnh hưởng của siêu bão. Mong rằng người dân Philippines sẽ nhanh chóng vượt qua thảm họa, nhanh chóng xây dựng lại quê hương", ông Tập nói.
Siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines sáng sớm ngày 8/11, gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Hơn 2.300 người được xác nhận đã thiệt mạng, hơn 3.000 người bị thương và gần 100 người mất tích, hàng trăm nghìn người đang trong tình trạng thiếu lương thực và nước uống do việc viện trợ gặp nhiều khó khăn.
Nguyễn Tâm

Bão Podul cách bờ biển Phú Yên 150km



TPO-Tối 14/11, sau khi đi vào vùng biển ngoài khơi các tỉnh Phú Yên – Bình Thuận, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Podul, cách bờ biển Phú Yên khoảng 150km.
Sơ đồ đường đi và vị trí cơn bão Podul
Sơ đồ đường đi và vị trí cơn bão Podul . Ảnh:  NCHMF
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 22 giờ tối 14/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ).
Trong khoảng 6 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 22 giờ ngày 15/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông, trên khu vực Căm Pu Chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.
Ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; từ ngày mai (15/11), các tỉnh Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, trong cơn dông cần đề phòng tố, lốc và gió giật mạnh. 
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Minh Hoàng